Thảo luận Tổ 12: Xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nữ cấp bậc quân hàm Đại tá

Chiều 28/10, thảo luận tại về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết ban hành luật; đồng thời đề nghị cân nhắc một số quy định liên quan đến tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, điều khoản thi hành, hiệu lực thi hành, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan.

Toàn cảnh thảo luận Tổ 12

Toàn cảnh thảo luận Tổ 12

Tổ 12, gồm các Đoàn ĐBQH: Quảng Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự Phiên thảo luận Tổ.

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, các ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) với những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu khẳng định, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐNDVN vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐNDVN tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐNDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên Đào Hồng Vận điều hành nội dung thảo luận

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên Đào Hồng Vận điều hành nội dung thảo luận

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN năm 1999 là phù hợp với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược quốc phòng Việt Nam; Kết luận số 31-KL/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược quân sự Việt Nam; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới;...

Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật cũng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hơn 24 năm thi hành Luật Sĩ quan QĐNDVN năm 1999 như: Chưa quy định chức vụ cơ bản là cấp phó; hạn tuổi phục vụ của sĩ quan chưa đảm bảo theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan cấp tướng còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay;... Do đó, đại biểu nhất trí cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN để hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh, hiện đại, đáp ứng mọi yêu cầu trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị cơ quan chủ trì tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện dự án luật đảm bảo đúng quy định, tương đồng với một số Luật liên quan như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công an nhân dân, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở,...

Cho ý kiến về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, các ý kiến cơ bản nhất trí việc sửa đổi khoản 1 Điều 13 Luật Sĩ quan QĐNDVN theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan QĐNDVN các mức khác nhau, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nữ cấp bậc quân hàm Đại tá để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, đảm bảo bình đẳng giới và tận dụng nguồn nhân lực nữ có trình độ, kinh nghiệm trong quân đội. Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ chế, chính sách đối với trường hợp kéo dài tuổi công tác làm cơ sở để Bộ Quốc phòng quy định, tránh trường hợp có các quy định khác trong các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết dự thảo luật dự kiến tăng độ tuổi đối với cấp úy là 50 tuổi, thiếu tá là 52 tuổi, trung tá là 54 tuổi, thượng tá là 56 tuổi, đại tá là 58 tuổi và cấp tướng là 60 tuổi. Quy định như vậy cũng đảm bảo thống nhất với Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, dưới góc độ thực tiễn, trong hồ sơ dự án luật cần thuyết minh làm rõ hơn đối với một số trường hợp đặc thù sĩ quan làm việc tại các đơn vị chiến đấu.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Sĩ quan QĐNDVN và thông qua theo quy trình một kỳ họp. Đại biểu bày tỏ nhất trí với quy định về chức vụ, chức danh tương đương với chức vụ quy định tại Điều 11, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định chi tiết về mục đích, nội dung, phạm vi Chính phủ sẽ quy định chi tiết, như quy định chi tiết về tiêu chuẩn chức danh, chức vụ tương đương, chế độ lương, phụ cấp, chế độ ưu tiên về chức danh biên chế, chức danh tương đương trong thu hút nhân tài... cần quy định về nguyên tắc để Chính phủ và Bộ Quốc phòng có cơ sở quy định chi tiết.

Đại biểu Hoàng Văn Hữu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Hoàng Văn Hữu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Nhấn mạnh các quy định về chức vụ cơ bản, chức danh tương đương của sĩ quan là vấn đề rất lớn, đại biểu Hoàng Văn Hữu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, đối với sĩ quan trong hệ thống quân đội liên quan rất nhiều đến chính sách bảo đảm cho bộ đội như: chức vụ liên quan đến cấp bậc quân hàm; chức vụ, cấp bậc quân hàm lại liên quan đến chính sách về bảo đảm đời sống như tiền lương. Đại biểu cho biết, khi Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm thay đổi, Luật Sĩ quan QĐNDVN cũng cần thay đổi để phù hợp với hệ thống pháp luật liên quan đến tuổi đời quân ngũ.

Góp ý vào khoản 1 Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 11 của luật hiện hành, đại biểu cho biết, so với luật hiện hành, tăng từ 11 chức vụ cơ bản lên 17 nhóm chức vụ như dự thảo nghị quyết, với 27 bậc. Quy định như vậy cơ bản sát với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hiện nay, nhưng việc phân chia như dự thảo luận vẫn chưa thể hiện được hết mong mỏi của của đội ngũ cán bộ, sĩ quan, nhất là từ cấp trung đoàn trở xuống; đại biểu đề nghị chính sách này cũng quy định tương đồng với chính sách đối với lực lượng công an nhân dân để đảm bảo đồng nhất giữa hai lực lượng.

Lan Hương - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=90467