THẢO LUẬN TỔ 13: TẠO ĐIỀU KIỆN KẾT NỐI LIÊN VÙNG ĐỂ TÂY NGUYÊN PHÁT TRIỂN TỪ DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 25/5, thảo luận tại Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang và Lạng Sơn về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), các đại biểu nhất trí với sự cần thiết của dự án, khẳng định ý nghĩa vai trò của dự án cho sự phát triển vùng và kết nối liên vùng. Các đại biểu cũng lưu ý nhiều vấn đề cụ thể để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả nếu dự án được phê duyệt.

Thảo luận tại Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang và Lạng Sơn

Thảo luận tại Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang và Lạng Sơn

Thống nhất cao với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hồ sơ của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Y Vinh Tơr – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng nếu chủ trương đầu tư được thông qua sẽ tạo ra dấu mốc mới quan trọng, góp phần cụ thể hóa nội dung đột phá chiến lược của Đại hội Đảng lần thứ 13. Trong đó, xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông hiện đại.

Theo đại biểu, chủ trương này nếu được thực hiện sẽ hiện thực hóa các chiến lược, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, cũng như cả nước. Đồng thời, giải quyết được vấn đề liên kết vùng, đặc biệt là kết nối vùng Đông Nam Bộ - vùng có sự phát triển đầy năng động với vùng Tây Nguyên rộng lớn và có nhiều tiềm năng. Hưởng lợi trực tiếp vào đây là kết nối giữa cửa ngõ phía Nam vùng Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, với các huyết mạch của quốc gia cũng như hành lang quốc tế, đại biểu Y Vinh Tơr chỉ rõ.

Đại biểu Y Vinh Tơr – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Y Vinh Tơr – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số vấn đề. Thứ nhất, về quy mô, trong đề xuất toàn tuyến thì dự án đầu tư trong giai đoạn một đã phản ánh đầy đủ có bốn làn xe. Tuy nhiên, đối với đoạn từ Chơn Thành - Đức Hòa, dài 2 km, dự kiến là đường cấp ba và quy mô 12 mét, kết nối vào cao tốc Hồ Chí Minh - Chơn Thành. Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét và đầu tư đồng bộ. Qua thực tiễn những tuyến đã làm thời gian qua, mặc dù có phân kỳ đầu tư, có việc do quản lý, điều hành và khai thác, nhưng xét thấy nếu như đầu tư đồng bộ một lần thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi về kết nối. Đặc biệt, đối với dự án này, kết nối vào tuyến cao tốc Hồ Chí Minh - Chơn Thành cũng đảm bảo an toàn và các điều kiện khai thác khác có liên quan.

Thứ hai, liên quan đến quy mô và hướng tuyến, đại biểu đề nghị Chính phủ cần lưu ý đến quy hoạch mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nếu không tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng đến quá trình lập và thực hiện dự án.

Thứ ba, về nguồn vốn, đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề này và đề nghị Chính phủ cần xác định rõ hơn khả năng đảm bảo nguồn vốn của nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đồng thời cần tính đến khả năng đảm bảo của phần vốn ngân sách của địa phương, trong bối cảnh thu ngân sách của địa phương không thuận lợi.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Thống nhất với việc đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư PPP, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng việc đầu tư theo phương thức này đã có kinh nghiệm thông qua triển khai nhiều dự án nhằm huy động, thu hút tối đa nguồn lực xã hội. Song đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng chủ trương đầu tư dự án cần làm rõ hơn về tính khả thi trong việc thu hút nhà đầu tư, cơ cấu vốn góp, khả năng tiến độ góp vốn của nhà đầu tư cũng như nguồn vốn ngân sách địa phương để đảm bảo tiến độ dự án.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, Tờ trình của Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Quy định này nhằm phân cấp, phân quyền cho địa phương, rút gọn các thủ tục thực hiện đấu thầu, rút ngắn thời gian chuẩn bị triển khai dự án. Đại biểu đề nghị làm rõ trình tự, thủ tục chỉ định thầu, thẩm quyền của người đứng đầu trong việc xem xét, quyết định chỉ định thầu, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù làm cơ sở thực hiện hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ

Về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng chủ trương đầu tư dự án có sự phân tích số lượng hộ bị ảnh hưởng có đất trồng lúa hai vụ, đất nông nghiệp, đất ở, đất rừng sản xuất; phân tích rõ về tác động ảnh hưởng đối với người dân nơi đường cao tốc đi qua, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất sản xuất; đánh giá cụ thể về diện tích rừng sản xuất cần chuyển đổi mục đích sử dụng, diện tích lúa cần chuyển đổi. Trên cơ sở đó, đưa ra các phương án tổ chức thực hiện đền bù, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp.

Bên cạnh đó, cần có báo cáo sơ bộ việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật Đất đai, theo tình hình thực tế và các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong thực tiễn. Đồng thời, nếu dự án được phê duyệt cần có thêm quy định để hỗ trợ địa phương là cơ quan đầu mối thực hiện dự án.

Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Theo đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng Tây Nguyên có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành mới chỉ kết nối đoạn đầu, cửa trung tâm Tây Nguyên. Trong khi đó, theo Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đô thị Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Do đó, đại biểu bày tỏ mong muốn sau dự án này, Chính phủ sớm có dự án để kết nối đoạn Gia Nghĩa - Buôn Ma Thuột, để giúp Tây Nguyên có thể tăng tốc, hòa nhập với các vùng khác của cả nước./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87090