THẢO LUẬN TỔ 14: CẦN SỚM GIẢI QUYẾT CÁC BẤT CẬP CỦA QUY HOẠCH HIỆN NAY
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 20/6, các ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để giải quyết các bất cập của quy hoạch hiện nay.
Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa.
Cơ quan soạn thảo nhận định, qua 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 09 năm thi hành Luật Xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống. Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, cùng với những yêu cầu mới của thực tiễn phát triển đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Do đó, Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được xây dựng với mục đích tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.
Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí sự cần thiết ban hành Luật theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình số 227/TTr-CP của Chính phủ; đồng thời đánh giá các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định tại dự thảo Luật và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, thực hiện đầy đủ yêu cầu về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 về kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Báo cáo số 166/BC-ĐGS của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu lực thi hành.
Thảo luận tại phiên họp tổ, đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa bày tỏ tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật này. Theo đại biểu, việc tích hợp Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng để xây dựng thành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là cần thiết giải quyết các bất cập của quy hoạch hiện nay. Với hiện trạng đất nước chúng ta hiện nay có nhiều quy hoạch, có những quy hoạch chồng lấn nhau, do đó, trước yêu cầu phát triển các đô thị trong nước cần thiết phải tích hợp để xác định bổ sung thêm một số chế định trong dự án Luật, thiết lập các quy định làm quy hoạch ở một số vùng dự kiến phát triển đô thị trong tương lai. Những quy hoạch này đều liên quan tới quy hoạch ở vùng nông thôn, trong tương lai sẽ phát triển các khu chức năng, các khu đô thị mới…
Đại biểu đánh giá, trong dự án Luật có 03 chính sách mới. Theo đó, các chính sách xác định hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch…Những chính sách này đã giải quyết được cơ bản những vấn đề cấp cập hiện nay trong vấn đề quy hoạch.
Trong đó, đại biểu lưu ý đối với nội dung về thời gian quy hoạch đô thị nông thôn. Dự án Luật xác định thời gian đối với quy hoạch này là khoảng 20 đến 25 năm tầm nhìn 30 năm. Theo đại biểu, với giai đoạn hiện nay, chúng ta xác định thời gian quy hoạch như vậy là tương đối phù hợp để điều chỉnh kịp thời; nếu chúng ta xác định thời gian quy hoạch dài hơn thì ở các khu chức năng, các đô thị mới phát triển sẽ bị vướng vào việc điều chỉnh. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, đại biểu chỉ ra rằng, việc để thời gian quy hoạch ngắn sẽ thuận lợi cho việc bổ sung, điều chỉnh, cập nhật những cái mới nhưng cũng có hệ lụy là dẫn đến sự tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch. Do đó, cần hết sức cân nhắc, nghiên cứu kỹ vấn đề này.
Cũng quan tâm tới dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ băn khoăn về vấn đề tên luật, theo đó, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 vừa mới thông qua thì có đưa tên luật là “Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn”, nhưng trong dự án trình tại Quốc hội thì Chính phủ ghi tên luật là “Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn”. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng có đề cập đến vấn đề sửa đổi tên luật này không làm thay đổi bản chất và những nội dung liên quan.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đã đặt ra 02 lĩnh vực- chính là hai loại quy hoạch mà chúng ta muốn đưa vào dự án Luật. Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên tên luật như khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là “Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn”.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đại biểu đề nghị cần tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và nông thôn và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định rõ căn cứ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các quy hoạch này, tránh gây vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; nhất là làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch chung huyện với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, giữa quy hoạch chung xã với chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ tới đơn vị hành chính cấp xã tại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện...
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị rà soát nội dung, mức độ chi tiết của quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung nông thôn quy định tại dự thảo Luật và các quy hoạch khác có liên quan như: quy hoạch sử dụng đất theo pháp luật về đất đai và quy hoạch tỉnh theo pháp luật về quy hoạch. Bảo đảm tính định hướng của các quy hoạch này phù hợp với tính chất, vai trò riêng của từng quy hoạch, tránh gây khó khăn trong việc xử lý chồng lấn giữa các quy hoạch và vướng mắc trong thực tiễn dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch.
Cũng tại phiên họp tổ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87564