THẢO LUẬN TỔ 14: TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ LUẬT SỚM ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 20/6, các ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa.

Các đại biểu tại tổ 14 nhận định, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây, đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Theo các đại biểu, từ khi các luật được thông qua cho đến nay, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tích cực, nỗ lực triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở quyết tâm và cam kết của Chính phủ, được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra chính thức, Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận và nếu đủ điều kiện sẽ thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 7.

Các đại biểu tại phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Nhất trí với việc để Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sớm đi vào cuộc sống, nhiều đại biểu khẳng định đây không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này. Một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay, tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh hiệu lực của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cơ bản bảo đảm thống nhất hiệu lực của 04 luật này. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, báo cáo Quốc hội tính thống nhất về nội dung của 04 luật và giữa 04 luật với các luật khác trong hệ thống pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…

Bày tỏ đồng tình cao với chủ trương đẩy nhanh thời hạn có hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hài Dương cho rằng cần thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, khả thi để thực thi pháp luật một cách đồng bộ, đảm bảo luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra tác động tích cực trong thực tiễn. Đánh giá cao chất lượng Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu cho rằng cần sớm xây dựng hoàn thiện và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong Luật Đất đai có rất nhiều quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, khi luật chính thức có hiệu lực, vẫn cần phải chờ các văn bản hướng dẫn mới có thể thực sự thi hành. Những quy định đã có quy định rõ ràng trong luật thì sẽ được áp dụng ngay, đặc biệt là những quy định có tác động lớn tới đời sống người dân như: hỗ trợ bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số; mở rộng hạn mức đối tượng chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp…

Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo nội dung về tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, đồng thời, cần nhận thức rõ những thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh của việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực để sớm có phương án khắc phục kịp thời và hiệu quả.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Ủng hộ việc thông qua dự án luật này nhằm giúp pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương lưu ý công tác xây dựng pháp luật cần vừa đáp ứng với những thay đổi trước mắt, vừa thể hiện tầm nhìn dài hạn, có dự liệu, tính toán, lường trước để đảm bảo sự nhất quán. Nhấn mạnh tầm quan trọng của các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng sớm xây dựng, ban hành các văn bản theo quy định để việc đẩy sớm thời hạn có hiệu lực của các luật này có đầy đủ ý nghĩa, tác động tích cực như kỳ vọng.

Hồ Hương - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87539