THẢO LUẬN TỔ 15: GIẢI QUYẾT CĂN CƠ NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VỀ NHÀ Ở

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 05/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tổ 15 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Khánh Hòa, Bình Phước.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở: từ phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, quản lý nhà nước về nhà ở và việc xử lý vi phạm các vấn đề về nhà ở trong đó có chính sách nhà ở xã hội đã giúp hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, hộ nghèo tại khu vực nông thôn tạo lập được chỗ ở hợp pháp và ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh - xã hội của đất nước.

Đồng thời góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, sau 08 năm thực hiện, luật hiện hành đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các luật khác có liên quan. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 07 Điều trong Luật hiện hành, giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; luật hóa từ Nghị định 11 Điều.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái bày tỏ tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quản lý, phát triển nhà ở; khắc phục hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn của pháp luật hiện hành, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định khác của pháp luật liên quan.

Đóng góp ý kiến về khoản 9 Điều 3 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan soạn thảo cơ quan soạn thảo cân nhắc việc chỉ được xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Theo đó, đối với những khu công nghiệp đã hình thành, không còn quỹ đất để xây dựng nhà lưu trú, nếu quy định cứng như trong dự thảo sẽ gây khó trên thực tế. Do đó, đại biểu cho rằng có thể quy định bố trí, xây nhà lưu trú cho công nhân trong bán kính nhất định xung quanh khu công nghiệp để có độ mở cao hơn, và hiệu quả hơn khi triển khai trong thực tế.

Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 37 quy định “Có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện đối với từng loại dự án theo quy định của Luật này”. Đại biểu bày tỏ không đồng tình với nội dung này, cho rằng quy định trên là không cần thiết, chưa phù hợp với thực tế. Bởi chủ đầu tư không nhất thiết phải có năng lực, kinh nghiệm, họ có thể thuê quản lý và đầu tư xây dựng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về quy định này.

Tại khoản 2, khoản 3 Điều 74 về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội có quy định đối tượng là hộ gia đình nghèo, cận nghèo cư trú tại khu vực thành thị không được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở. Đại biểu cho biết, thực tế hiện nay, tại các đô thị miền núi không có sự khác biệt quá lớn về hộ nghèo, hộ cận nghèo nông thôn và hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực đô thị miền núi. Nếu quy định như trên sẽ rất thiệt thòi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo của đô thị vùng miền núi. Đại biểu cho rằng, cần quy định theo hướng mở hơn để các hộ trên đều được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu rõ, việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm thể chế các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đặc biệt, nhằm giải quyết căn cơ những vướng mắc trong thời gian qua đối với việc thực hiện các chính sách liên quan đến nhà ở cũng như những vướng mắc liên quan tới sửa chữa, cải tạo, nâng cao các khu chung cư quá hạn sử dụng và xuống cấp. Mặc dù quyết tâm của các cấp lãnh đạo rất lớn nhưng việc chuyển biến vẫn còn hạn chế. Do đó, để giải quyết được các vướng mắc trên, việc sửa đổi luật trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.

Quan tâm tới phạm vi điều chỉnh tại Điều 2 dự thảo Luật, đại biểu cho biết, nội dung về đối tượng áp dụng có nêu “Luật này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam”. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, làm rõ khái niệm “hộ gia đình” trong dự thảo Luật này nhằm thống nhất, phù hợp với quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình tại Điều 212 Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Dự thảo Luật cũng chưa quy định về sở hữu đối với các loại hình bất động sản mới xuất hiện trong thời gian gần đây như bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà ở kết hợp thương mại. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung điều chỉnh quan hệ sở hữu của các loại hình trên nhằm đảm bảo thống nhất với các dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai đang trong quá trình sửa đổi. Cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung của các luật trên để đảm bảo hiệu quả, tránh gây khó khăn, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện.

Mặt khác, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nêu rõ, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng liên quan đến nhiều dự án Luật, do đó, đề nghị Ban soạn thảo cập nhật, bổ sung những nội dung còn bất cập, liên quan đến các dự án luật để hoàn thiện, thống nhất và đồng bộ với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và một số dự án Luật đang được lấy ý kiến. Về cụ thể, tại Điều 3 có đề cập đến quy định về nhà ở riêng lẻ, đại biểu cho biết, một số hộ gia đình, cá nhân đề nghị cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại hai thửa đất riêng biệt trên hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác nhau.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai quy định nghĩa vụ chung của người sử dụng đất phải “Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất”. Do đó, đề nghị điều chỉnh khoản 3 Điều 3 cụ thể hơn để tạo thuận lợi khi áp dụng trong thực tiễn. Khoản 10 Điều 3 dự thảo Luật quy định “Nhà ở cũ, bao gồm cả nhà chung cư là nhà ở được đầu tư xây dựng từ trước năm 1994.”. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở nào để lấy mốc “trước năm 1994” trong quy định về nhà ở cũ. Việc quy định mốc cụ thể như trên có thể khiến dự thảo Luật phải thường xuyên điều chỉnh, sửa đổi.

Đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Cũng đóng góp ý kiến đối với quy định về nhà ở riêng lẻ tại khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái chỉ ra rằng, khoản 29, Điều 3 Luật Xây dựng đã quy định “Nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.”. Như vậy, có hai nội dung định nghĩa về nhà ở riêng lẻ ở hai luật khác nhau nhưng chưa thống nhất. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát để điều chỉnh, bảo đảm sự thống nhất về khái niệm nhà riêng lẻ tại hai luật này.

Đối với quy định khoản 5 Điều 7 quy định về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở, đại biểu Đỗ Đức Duy cho rằng quy định trên chưa phù hợp với quy định tại dự thảo Luật Đất (sửa đổi), không phù hợp với các trường hợp đô thị loại III và đô thị loại II. Nếu quy định như trên, các dự án phát triển đô thị loại II và loại III đều phải xây dựng nhà ở hoàn chỉnh, sau đó mới được bán. Người mua sẽ mua quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở. Như vậy sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư và người dân trong việc tiếp cận nhà ở. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ quy định bắt buộc đối với đô thị đặc biệt và đô thị loại I; đô thị loại II và III nên giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh tùy theo điều kiện cụ thể, căn cứ theo quy hoạch đô thị, căn cứ theo định hướng phát triển đô thị để quyết định.

Đối với quy định về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà tại Điều 8, đại biểu Đỗ Đức Duy chỉ ra rằng, khoản 1 Điều 22 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ “công dân có quyền có nơi ở hợp pháp”. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ “hợp pháp” vào sau cụm từ “quyền sở hữu nhà ở” để phù hợp với Hiến pháp 2013./.

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=76612