THẢO LUẬN TỔ 2: CẦN CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ SỐ KHI XÂY DỰNG DỮ LIỆU DÂN CƯ
Chiều ngày 10/06, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Tổ 2 gồm các đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh. Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản trí sự cần thiết ban hành dự án Luật như Tờ trình của Chính phủ
Theo Tờ trình của Chính phủ, trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất thông qua 04 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; trong đó, bao gồm cả chính sách về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam). Để cụ thể hóa các chính sách nêu trên trong dự thảo Luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”.
Dự thảo Luật Căn cước mà Chính phủ trình có bố cục gồm 07 chương, 46 Điều (trong đó, so với Luật Căn cước công dân năm 2014 thì dự thảo Luật đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 07 điều. Việc xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định theo hướng Luật này quy định về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Dự thảo Luật đã bổ sung một Điều về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này.
Qua thảo luận tại Tổ, các đại biểu cơ bản trí sự cần thiết ban hành dự án Luật như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành.
Ủng hộ sự cần thiết của dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp thông tin làm giàu dữ liệu dân cư là việc rất có ý nghĩa. Đặc biệt là việc bổ sung các nội dung về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam đã thể hiện được tính nhân văn. Tuy nhiên, đối với các trường thông tin trong thẻ căn cước cần phải được quy định và hướng dẫn cụ thể, để đảm bảo thông suốt.
Cho rằng hạ tầng công nghệ số của ngành công an vẫn còn có những tồn tại, gây khó khăn nhất định cho người dân khi khai báo hoặc làm thủ tục, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị trong thời gian tới, Bộ Công an cần chú trọng đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng công nghệ số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình khai báo, sửa đổi thông tin…
Cũng đồng tình với việc xây dựng và ban hành dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, mỗi lần sửa Luật mất rất nhiều thời gian, công sức, do vậy đối với lần sửa đổi này, đề nghị Bộ Công an rà soát thật kỹ để hoàn thiện đầy đủ các trường dữ liệu, đảm bảo tính ổn định lâu dài.
Đối với nội dung đề nghị về việc cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, đại biểu bày tỏ ủng hộ và cho rằng, nếu các cháu được cấp căn cước công dân thì thực hiện một số thủ tục hành chính hoặc đi máy bay sẽ không cần cầm theo giấy khai sinh nữa. Điều này rất thuận lợi. Tuy nhiên đối với vấn đề này, theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cần được tuyên truyền cho tốt để tránh tình trạng người dân ồ ạt đi làm, tạo ra áp lực cho lực lượng công an ở cơ sở, giúp người dân hiểu nếu có nhu cầu thực sự thì làm trước, các đợt làm nên kéo dãn ra.
Quan tâm đến các trường thông tin quy định trong thẻ căn cước, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, các từ ngữ được sử dụng trong dự thảo Luật cần phải thống nhất với nhau cũng như các quy định của quốc tế. Ví dụ như “nơi sinh”, “nơi đăng ký khai sinh”, “nơi tạm trú”, “nơi thường trú”, “nơi ở hiện tại”… Tất cả các trường này, dự thảo Luật nên có quy định hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để thuận tiện cho người dân trong quá trình khai báo.
Về trường thông tin “thuê bao di động”, đại biểu Nghĩa cho rằng chưa hợp lý, bởi có nhiều người có nhiều số di động (có thể do cơ quan cấp), có nhiều người không dùng thuê bao di động… Do vậy, nên điều chỉnh sửa đổi thành “số điện thoại để liên lạc” thì sẽ hợp lý hơn. Ngoài ra trường thông tin “quê quán”, đại biểu cũng đề nghị cần nghi rõ cả quê cha và quê mẹ để đảm bảo sự bình đẳng giới trong Luật.
Ngoài ra, để việc xây dựng, ban hành Luật Căn cước được chặt chẽ, phát huy có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy tối đa hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước…
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=76889