THẢO LUẬN TỔ 5: CẦN THIẾT SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT CÔNG CHỨNG

Chiều ngày 17/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.

Theo Tờ trình của Chính phủ, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có bố cục gồm: 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014. Dự thảo Luật quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

Việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) là nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng và cho rằng, các tài liệu trong hồ sơ dự thảo Luật đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Sùng A Lềnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Sùng A Lềnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đối với dự án Luật này, đại biểu Sùng A Lềnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng... Trong đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đều thể hiện rõ và thống nhất định hướng này.

Qua gần 10 năm thi hành, Luật Công chứng năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục như: Chất lượng đội ngũ công chứng viên còn chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh... Do đó việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) là cần thiết.

Các đại biểu tại Phiên họp

Các đại biểu tại Phiên họp

Để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát để đảm bảo đồng bộ với các Luật có liên quan. Đại biểu Sùng A Lềnh nêu rõ, hiện một số quy định của Luật Công chứng, Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai... còn chưa đồng bộ, thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn thực hiện nên quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Bộ Luật Dân sự quy định thời hiệu yêu cầu chia thừa kế, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện nên các tổ chức hành nghề công chứng lúng túng trong thực hiện công chứng các việc liên quan đến thừa kế; Bộ Luật Dân sự quy định về các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, giao dịch, tuy nhiên Luật công chứng hiện chỉ quy định việc công chứng hủy bỏ hợp đồng, giao dịch trong trường hợp các bên có văn bản thỏa thuận về việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

Bên cạnh đó, quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng còn chưa thống nhất giữa Luật Công chứng, Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai… Cụ thể: Luật Công chứng quy định văn bản công chứng có hiệu lực thi hành từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng; Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai quy định thời điểm có hiệu lực của một số hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, điều này ảnh hưởng đến giá trị của Văn bản công chứng theo quy định của Luật Công chứng. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét hoàn thiện và thống nhất các nội dung trên cho đồng bộ.

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Quan tâm về về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, tại điểm e Khoản 1 Điều 7 của dự thảo Luật quy định cấm công chứng viên thực hiện hành vi quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, tại điểm c, Khoản 2, Mục II về định hướng phát triển nghề công chứng nêu rõ: “Khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, góp phần giảm tải công việc của cơ quan hành chính, giảm biên chế và chi ngân sách nhà nước”.

Do vậy, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, việc giới thiệu về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên góp phần giúp tổ chức, cá nhân, người dân hiểu biết hơn về hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng; đặc biệt là ở các địa bàn có tổ chức hành nghề công chứng mới thành lập, tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin về tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên xem xét lại quy định này.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Nêu ý kiến về dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Việt Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung giải thích nội hàm “công tác pháp luật”. Bởi Điều 8 của dự thảo luật quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên có thời gian công tác pháp luật từ đủ 03 năm trở lên. Tuy nhiên lại không giải thích rõ công tác pháp luật gồm những ngành, nghề gì trong xã hội nên rất khó xác định…

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách ưu đãi phù hợp để những địa bàn cấp huyện có khó khăn về kinh tế đều có thể thành lập được văn phòng công chứng hoặc quy định thành lập các phòng công chứng ở những huyện không có văn phòng công chứng để hoạt động công chứng đảm bảo tính chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và người dân, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần sử dụng thống nhất cụm từ “thành viên hợp danh” hay “công chứng viên hợp danh” của Văn phòng công chứng trong dự án Luật. Trường hợp thống nhất sử dụng 02 cụm từ này trong dự án Luật thì tại Điều 2 về giải thích từ ngữ phải định nghĩa hoặc giải thích “thành viên hợp danh” hay “công chứng viên hợp danh” là gì?

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Vạn Xuân - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87456