THẢO LUẬN TỔ 5: ĐÁNH GIÁ CAO VIỆC MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

Chiều ngày 2/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có bố cục gồm 10 Chương 136 Điều, quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung; quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội; trình tự, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội.

Theo Báo cáo của Chính phủ, dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; Sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc; Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; Về chi phí quản lý BHXH.

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để góp phần cụ thể hóa chủ chương của Đảng về BHXH; bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành; khắc những hạn chế của luật BHXH hiện hành;đáp ứng những công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên. Đồng thời cho rằng, dự thảo Luật đã bám sát vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan.

Hiện tại, dự thảo Luật bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Chính phủ dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Về nội dung này, các đại biểu đánh giá cao việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân dã được đề ra trong các văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đồng thời, các đại biểu cũng lưu ý, đây không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

 Đại biểu Vương Quốc Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Vương Quốc Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Tuy nhiên, đại biểu Vương Quốc Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị, làm rõ thêm việc bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố vào đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có đồng thời bổ sung vào đối tượng được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế như người hoạt động không chuyên trách cấp xã được quy định tại Luật Bảo hiểm y tế hiện hành hay không?

Bên cạnh đó, đại biểu Vương Quốc Thắng cũng đề nghị, cần nghiên cứu mức đóng cho phù hợp với khả năng thu nhập của từng đối tượng, cũng như chế độ hưởng phù hợp mức đóng và khả năng cân đối ngân sách của địa phương để đóng bảo hiểm xã hội theo tỉ lệ quy định cho đơn vị sử dụng lao động.

Ngoài ra, thị trường lao động ở nước ta và xu hướng trên thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ tài chính, kinh tế chia sẻ công việc, làm xuất hiện nhóm người lao động mới (người vừa là người lao động vừa là chủ sử dụng lao động, lao động công nghệ, lao động tự do hoạt động trên mỗi trường mạng Internet ... ), do vậy, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, nghiên cứu bổ sung các đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội (nếu có).

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Nêu quan điểm về dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy, dự thảo Luật gồm 136 Điều thì có đến 28 Điều, khoản được giao Chính phủ, Bộ ngành quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thực hiện, chiếm khoảng 20% tổng số điều khoản. Do vậy, đại biểu đề nghị, những nội dung nào đã ổn định, đã cụ thể nên quy định ngay trong dự thảo luật nhằm tăng tính công khai minh bạch cho luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu rõ, tại khoản 2, Điều 37 của dự thảo Luật quy định “cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên, sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng”. Theo đại biểu, đây là quy định có ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và người lao động, nếu bị buộc ngừng sử dụng hóa đơn cũng có nghĩa doanh nghiệp phải dừng hoạt động, nên cơ quan soạn thảo cần phải quy định rất chặt chẽ tại khoản 2, Điều 37, trong đó chú ý quy định rõ cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp này là cơ quan nào? Là cơ quan bảo hiểm xã hội hay cơ quan quản lý thuế thực hiện?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị, phải quy định cụ thể trình tự áp dụng với chế tài xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại khoản 2, Điều 37 của dự thảo Luật. Bởi, dù tại khoản 6 của Điều này đã quy định Chính phủ quy định chi tiết Điều này, nhưng về nguyên tắc, Chính phủ chỉ có thể quy định chi tiết khi Luật quy định rõ chủ thể có thẩm quyền thực hiện, cũng như đưa ra quy trình, trình tự chung để thực hiện. Nếu quy định chung rồi giao Chính phủ quy định chi tiết toàn thể như dự thảo Luật hiện nay, đại biểu lo ngại, trong quá trình triển khai có thể sẽ rất vướng mắc.

Các đại biểu cho rằng, khi Điều 37, dự thảo Luật còn quy định lẫn lộn giữa các chế tài xử lý hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm, thì về sau nay có thể sẽ khiến cơ quan bảo hiểm xã hội khó bóc tách, phân biệt các hình thức xử lý vi phạm, cũng như các cơ quan chức năng khó thực hiện. Đây là quy định ảnh hưởng lớn đến người chủ sử dụng lao động và các cá nhân, tổ chức liên quan, nên đại biểu Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bóc tách, làm rõ các trường hợp xử lý hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, qua đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người chủ sử dụng lao động.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên họp (bên phải)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên họp (bên phải)

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để góp phần cụ thể hóa chủ chương của Đảng về BHXH; bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để góp phần cụ thể hóa chủ chương của Đảng về BHXH; bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã bám sát vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã bám sát vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan

Các đại biểu đánh giá cao việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân dã được đề ra trong các văn kiện của Đảng

Các đại biểu đánh giá cao việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân dã được đề ra trong các văn kiện của Đảng

 Đồng thời, các đại biểu cũng lưu ý, đây không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Đồng thời, các đại biểu cũng lưu ý, đây không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Các đại biểu cũng đề nghị, những nội dung nào đã ổn định, đã cụ thể nên quy định ngay trong dự thảo luật nhằm tăng tính công khai minh bạch cho Luật

Các đại biểu cũng đề nghị, những nội dung nào đã ổn định, đã cụ thể nên quy định ngay trong dự thảo luật nhằm tăng tính công khai minh bạch cho Luật

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=81670