Thảo luận Tổ 5: Phát huy nguồn nhân lực có trình độ cao của Quân đội

Đóng góp ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN), nhiều ĐBQH nêu quan điểm: Cần phát huy nguồn nhân lực có trình độ cao của quân đội cũng như nghiên cứu kỹ về độ tuổi nghỉ hưu của đội ngũ cán bộ sĩ quan quân đội, tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan...

Chiều 28/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Tại Tổ 5 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang. Đa số các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN với những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng: Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐNDVN vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐNDVN tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐNDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Trong Phiên thảo luận Tổ, các ĐBQH đóng góp ý kiến về độ tuổi nghỉ hưu của đội ngũ cán bộ sĩ quan quân đội, tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan... Đóng góp ý kiến vào độ tuổi nghỉ hưu của đội ngũ cán bộ sĩ quan quân đội, đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Đội ngũ cán bộ sĩ quan quân đội được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe đáp ứng yêu cầu quân đội chính quy tỉnh nhuệ, hiện đại.

Tuy nhiên, theo quy định tuổi nghỉ hưu như Luật hiện hành thì cấp thiếu tá nghỉ hưu ở tuổi 48, trung tá nghỉ hưu ở tuổi 51. Như vậy, nếu trừ đi 4 đến 6 năm đào tạo trong nhà trường thì mới cống hiến hơn 20 năm công tác, trong khi đó đây là độ tuổi đang là độ tuổi chín có đủ kinh nghiệm, được đào tạo chính quy, cơ bản, đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa quân đội. Do vậy, nếu cho đội ngũ này nghỉ hưu như luật hiện hành sẽ lãng phí rất lớn nguồn nhân lực có trình độ cao của quân đội. Chưa tính đến những sĩ quan được đào tạo các chuyên môn có tính đặc thù, đào tạo dài hạn, kỹ thuật cao, hiện đại.

Đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Mặt khác, theo đại biểu Sùng A Lềnh, đặc thù quân đội hiện nay đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên sâu cao, tinh nhuệ, làm chủ khoa học kỹ thuật, vũ khí, trang bị hiện đại, nên cần có một đội ngũ sĩ quan giàu kinh nghiệm, toàn diện ở nhiều mặt công tác; đòi hỏi có năng lực chỉ huy, điều hành, độc lập tác chiến trong các điều kiện phức tạp, khó khăn ở những hoàn cảnh khác nhau. Nhất là qua thực tế khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn cả nước trong thời gian vừa qua cho thấy rằng, những đồng chí nào có nhiều năm công tác, giàu kinh nghiệm, có trình độ tham mưu, tổ chức chỉ huy có những nhận định, đánh giá tình hình sát với diễn biến thực tế, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ rất quyết đoán; luôn có những quyết định kịp thời, đưa ra được những phương án phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Đưa ra quan điểm về tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Điều 38 dự thảo Luật sửa hiện hành quy định trần tuổi chức danh sĩ quan dự bị theo hướng nâng lên là 63 tuổi, không phân biệt nam và nữ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định kỹ trần tuổi chức danh cấp tướng của sĩ quan với trần tuổi cấp tướng của sĩ quan dự bị để phù hợp, không nên để có sự chênh lệch giữa 60 và 63 tuổi.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Liên quan đến tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, tại khoản 1, Điều 13 quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ giữ cấp bậc quân hàm. Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm từ cấp úy đến cấp đại tá. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về giới tính. Đội tuổi phục vụ tại ngũ đối với nam và nữ cần có sự khác nhau.

Đối với hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ đối với cấp tướng là 60 tuổi (theo quy định hiện hành thì nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi). Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Tiến, quy định như vậy là chưa hợp lý. Bởi việc tăng độ tuổi chưa bảo đảm tính tương quan cho các chức vụ sĩ quan, nam cấp tướng không tăng hạn tuổi, nữ tăng 5 tuổi. Tại khoản 2, Điều 169 Bộ luật Lao động quy định độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường, đối với nam khi đủ 62 tuổi, đối với nữu khi đủ 60 tuổi. Vì vậy, đề nghị xem xét và chỉnh sửa theo hướng: Cấp tướng đối với nam đủ 62 tuổi và cấp tướng đối với nữ đủ 60 tuổi.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN vào ngày 05/11 tới.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Phiên thảo luận Tổ

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Phiên thảo luận Tổ

Đại biểu Dương Văn An - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Dương Văn An - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Châu Quỳnh Giao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang./.

Đại biểu Châu Quỳnh Giao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang./.

Bích Lan-Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=90465