THẢO LUẬN TỔ 7: SỬA ĐỔI LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG - QUY ĐỊNH PHẢI CỤ THỂ, ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 02/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy điều hành nội dung thảo luận.
THẢO LUẬN TỔ 7: CẦN BỔ SUNG, LÀM RÕ CÁC ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO TRONG DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI).
Tại Tổ 7 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp, qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đều tán thành cao sự cần thiết phải ban hành các dự luật.
Cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chÍnh sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thẻ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tực tiễn,…
Góp ý vào nội dung cụ thể của dự luật, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị làm rõ, cụ thê hóa các chính sách của nhà nước; rà soát quy định về bảo vệ người yếu thế; đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng; …
Liên quan đến quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, đại biểu cho rằng, cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.
Đánh giá cao sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đồng tình với việc bổ sung phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng “Hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Theo đại biểu, thực tiễn thời gian qua, rất nhiều thành viên của các tổ chức xã hội đã tham gia vào quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa, số lượng thành viên các tổ chức ngày càng tăng, chính vì vậy, việc bổ sung vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho các tổ chức xã hội được chính thức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong đó có các thành viên của tổ chức mình.
Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy dịnh phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội; cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, đề nghị Ngân sách đảm bảo hỗ trợ kinh phí cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đại biểu Khang Thị Mào, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát trong quá trình xây dựng luật, tránh những quy định chung chung, các quy định cần xây dựng theo hướng ngăn chặn, hạn chế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm; đồng thời khuyến khích, bảo vệ tổ chức cá nhân kinh doanh chân chính, thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng và giao dịch xuyên biên giới.
Liên quan đến quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu đề nghị bổ sung người nghèo vào nhóm những người dễ bị tổn thương. “Theo quy định tại Khoản 4, Điều 3 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 cho thấy người nghèo đã được liệt kê trong nhóm dối tượng dễ bị tổn thương bên cạnh trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo…”, đại biểu Khang Thị Mào lý giải.
Cũng tại Phiên thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng.
Theo các đại biểu, việc ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch, tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, nhân công, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực… của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.
Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu bày tỏ đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng ngày càng rộng rãi ở Việt Nam. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo về mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về chứng thư điện tử; về chữ ký điện tử; về dịch vụ tin cậy; về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước;…
Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giá (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 7:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=70133