Thảo luận tổ đại biểu trước Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa IX: Bàn những vấn đề 'nóng'
Ngày 2-12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa IX đã tổ chức thảo luận tổ đại biểu trước Kỳ họp thứ 13 với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành. Nội dung thảo luận tập trung vào tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các báo cáo, nghị quyết chuyên đề sẽ trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tới.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là thu chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, nhiều dự án triển khai chậm, nạn “tín dụng đen”, xây dựng trái phép, phân lô bán nền đất nông nghiệp, quản lý thông tin mạng xã hội…
* “Nóng” các dự án
Đồng Nai là tỉnh quy hoạch và triển khai rất nhiều dự án của Trung ương, của tỉnh và cấp huyện. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 2 ngàn dự án lớn nhỏ nằm trải dài các huyện, thành phố. Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nguồn ngân sách được xây dựng, một số công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy được hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm so với tiến độ đề ra làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhiều người dân.
Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà cho biết: “Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 27 dự án triển khai chậm vì vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính là do người dân chưa chấp thuận vì cho rằng giá bồi thường đất thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng trên thị trường. Các dự án không có đất sạch để xây dựng dẫn đến việc giải ngân vốn rất thấp”. Cũng theo ông Hà, việc tính toán bồi thường, thu hồi đất là do cấp huyện thực hiện. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, cấp huyện phải làm tốt khâu kiểm kê đất đai, áp giá bồi thường.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc VNPT Đồng Nai nêu vấn đề: “Dự án chống ngập suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quan kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành khiến mỗi năm vào mùa mưa đều xảy ra tình trạng ngập úng gây thiệt hại về người, tài sản, cản trở giao thông. Tại sao không có cơ chế riêng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án? Nếu làm chậm những năm sau tình trạng ngập lụt có thể nặng nề hơn nhiều”.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng nêu hàng loạt dự án đang kéo dài như: dự án hương lộ 21 (đường nối huyện Long Thành - TP.Biên Hòa), đường 319B (huyện Nhơn Trạch), dự án suối Nước Trong (huyện Long Thành), dự án bờ kè ven sông Cái (TP.Biên Hòa)...
* Quản chặt phân lô bán nền, xây dựng trái phép
Do tốc độ đô thị hóa nhanh, di dân đến Đồng Nai nhiều kéo theo tình trạng tự ý phân lô bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép diễn ra khá nhiều tại các địa phương có công nghiệp phát triển. Theo các đại biểu, xảy ra tình trạng trên là do công tác quản lý tại các địa phương còn lỏng lẻo.
Đại biểu Huỳnh Văn Lưu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đánh giá, tình trạng vi phạm trong phân lô bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép xảy ra ở nhiều địa phương. Để hạn chế tình trạng này, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã phải quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử phạt hành chính. Quyết định xử phạt hành chính phải chuyển trực tiếp đến người vi phạm để sau này các đối tượng cố tình không chấp hành thì phối hợp với cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường phân tích, để xảy ra tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép sẽ phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh và gây ra những hệ lụy rất khó giải quyết. Đơn cử như vụ việc ở phường Hóa An (TP.Biên Hòa) hơn 100 căn nhà xây dựng trái phép đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
* Khó kiểm soát thông tin trên mạng xã hội
Nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng vì các mạng xã hội khó kiểm soát thông tin, tràn lan hình ảnh, nội dung xấu gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để gây mất an ninh trật tự.
Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Giang Thị Thu Nga cho biết, đến tháng 6-2019, đối với các mạng xã hội đã được nước ta cấp phép, riêng Facebook và Google đã lên tới 60-65 triệu người dùng. Mạng xã hội có mặt trái là nhiều thông tin không được kiểm chứng, thiếu chính xác, bịa đặt, xuyên tạc đi ngược lại lợi ích cộng đồng. Đây là thực trạng chung của cả nước cũng như Đồng Nai nói riêng.
Về quản lý nhà nước thì các văn bản quy phạm phát luật đã có và mới nhất là Luật An ninh mạng. Mạng xã hội là dịch vụ kết nối trên internet, do đó các quy định đối với internet cũng chính là các quy định với mạng xã hội.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã xử lý một số trang mạng mạo danh các cơ quan tổ chức, trang Facebook tuyên truyền chống phá Nhà nước. Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do ý thức của người sử dụng mạng xã hội chưa cao. Hiện nay, quy định pháp luật không ngăn cấm người dân sử dụng mạng xã hội và khi sử dụng mạng xã hội thì không phải khai báo thông tin, không cần đăng ký với cơ quan nhà nước. Do không đăng ký với cơ quan nhà nước nên bản thân các cơ quan nhà nước cũng rất khó kiểm soát.
Do đó, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh để nâng cao nhận thức. Trong đó, cần hướng dẫn các biện pháp để nhận biết tin thật và tin giả, giúp người sử dụng tự bảo vệ, hạn chế chia sẻ thông tin độc hại. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan báo chí chính thống đảm bảo đưa tin nhanh, đúng để định hướng dư luận xã hội.
Hương Giang - Phạm Tùng
Không để các đối tượng “xã hội đen” lộng hành
Cần có giải pháp xử lý hoạt động “tín dụng đen”