Thảo luận Tổ về các dự án Luật
Tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 17/5 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng góp một số ý kiến dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Phát biểu ý kiến về Luật Ngân sách nhà nước, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “chi đầu tư phát triển” bao gồm cả “nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật”, cho rằng Dự thảo chưa nêu rõ các nội dung chi thuộc nhóm này, cần bổ sung quy định cụ thể hoặc có hướng dẫn rõ ràng nhằm tránh lúng túng trong triển khai.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Ảnh: NL
Về quy định sử dụng vốn ngoài kế hoạch đầu tư công, song nội dung này có điểm chưa thống nhất với Luật Đầu tư công năm 2024, cụ thể là về thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện; trong khi Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước dẫn chiếu tới các điều khoản trong chính Luật này, thì Luật Đầu tư công lại yêu cầu thực hiện theo pháp luật ngân sách và các văn bản liên quan. Đề nghị rà soát, điều chỉnh đồng bộ, thống nhất để làm rõ căn cứ pháp lý trong việc quyết định các dự án đầu tư ngoài kế hoạch trung hạn.
Kiến nghị hướng dẫn tiếp nhận và quyết toán kinh phí hỗ trợ giữa các địa phương
Liên quan đến việc phân cấp quản lý và hỗ trợ đầu tư giữa các địa phương, Dự thảo cho phép ngân sách địa phương sử dụng vốn để hỗ trợ địa phương khác thực hiện các dự án trọng điểm có tính liên kết vùng, quốc gia hoặc quốc tế. Tuy nhiên, chưa có quy định rõ về trình tự, thủ tục tiếp nhận và quyết toán kinh phí hỗ trợ này. Để tránh trường hợp quyết toán trùng ở cả hai địa phương, kiến nghị Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ hướng dẫn chi tiết về quy trình tiếp nhận và quyết toán nguồn vốn liên địa phương.
Đề xuất kéo dài thời gian phân bổ dự toán từ 10 lên 15 ngày
Dự thảo quy định thời gian phân bổ dự toán bổ sung là 10 ngày làm việc kể từ khi được giao. Tuy nhiên, trong thực tế, khoảng thời gian này được đánh giá là quá ngắn, dễ dẫn đến tình trạng phân bổ vội vàng, không sát với nhu cầu thực tế và có thể phải điều chỉnh nhiều lần, đề xuất kéo dài thời hạn lên 15 ngày để đảm bảo tính hiệu quả trong sử dụng ngân sách.
Bổ sung quy định về thứ tự ưu tiên chi và làm rõ khái niệm “dự án quan trọng”
Về 6 nhóm nhiệm vụ chi từ nguồn tăng thu và số dự toán chi còn lại của cấp ngân sách, nhưng chưa nêu rõ thứ tự ưu tiên hoặc trao quyền cho địa phương tự xác định thứ tự căn cứ vào nhu cầu thực tiễn. Ngoài ra, cụm từ “dự án quan trọng” này cũng chưa xác định rõ là cấp quốc gia hay cấp tỉnh. Đề nghị làm rõ để thuận lợi trong tổ chức thực hiện và giám sát.
Đề nghị bổ sung quy định quyết toán ngân sách trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính
Đại biểu lưu ý việc thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành đang đặt ra yêu cầu rõ ràng về cơ chế quyết toán ngân sách năm 2025. Tuy nhiên, Dự thảo Luật hiện chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh cho hai giai đoạn (trước và sau khi sáp nhập). Kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định kịp thời để đảm bảo thống nhất trong công tác quyết toán và kiểm toán ngân sách địa phương.
Chuyển sang Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, đại biểu Hoàng Đức Thắng tiếp tục đưa ra một số kiến nghị cụ thể:
Làm rõ “trường hợp đặc biệt” và bổ sung nghĩa vụ tài chính trong Luật Quốc tịch Việt Nam
Về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về các “trường hợp đặc biệt” được phép giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam, điều hiện đang được quy định khá chung chung trong luật hiện hành và chưa có hướng dẫn cụ thể, có thể dẫn đến tình trạng tùy nghi áp dụng giữa các cơ quan, gây khó khăn cho người dân.
Cùng với việc làm rõ khái niệm “trường hợp đặc biệt”, đại biểu đề nghị bổ sung nghĩa vụ tài chính đối với người giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, người thuộc diện này có thể phải đóng mức phí hành chính hợp lý. Điều kiện, thủ tục và mức đóng cụ thể sẽ do Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm minh bạch và phù hợp với từng trường hợp.
Đề xuất rút ngắn thời gian cư trú từ 20 xuống 10 năm đối với người không quốc tịch
Về trình tự, thủ tục và hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không có quốc tịch đã cư trú ổn định tại Việt Nam, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị giảm thời gian cư trú ổn định từ 20 năm xuống còn 10 năm để các đối tượng này đủ điều kiện xin nhập quốc tịch.
Theo đại biểu, quy định hiện hành đang tạo ra rào cản lớn đối với người đã gắn bó lâu dài với Việt Nam, nhưng vẫn chưa thể tiếp cận đầy đủ các quyền lợi cơ bản về y tế, giáo dục, bảo hiểm... Việc rút ngắn thời gian không chỉ nhân đạo, mà còn phù hợp với chuẩn mực quốc tế, giúp ổn định xã hội và giảm gánh nặng hành chính cho Nhà nước.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thao-luan-to-ve-cac-du-an-luat-193718.htm