Thảo luận Tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Luật Tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Tại phiên thảo luận tổ chiều nay 15/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân và dự thảo Luật Tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Ảnh: NL

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Ảnh: NL

Tham gia phát biểu về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cấp phép cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình những loại giấy tờ mà chính cơ quan đó đã cấp, hoặc đã có trong các cơ sở dữ liệu quốc gia mà họ có quyền truy cập. Theo đại biểu, đây là bước đi cần thiết để thúc đẩy Chính phủ điện tử, hạn chế tình trạng “đã điện tử hóa mà vẫn đòi bản giấy”.

Doanh nghiệp được viện dẫn tiền lệ pháp lý để bảo vệ quyền lợi

Cũng tại Điều 4, đại biểu đề xuất bổ sung quyền cho doanh nghiệp được viện dẫn các trường hợp tương tự đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền trước đó khi làm việc với cơ quan chức năng. Trong trường hợp kết luận khác biệt, cơ quan nhà nước phải giải thích rõ lý do nhằm tránh sự tùy tiện.

Hồi tố có lợi, giảm tạm giam doanh nhân

Về Điều 5 liên quan nguyên tắc xử lý vi phạm, đại biểu ủng hộ quy định không áp dụng hồi tố bất lợi, đồng thời đề xuất bổ sung cơ chế cho phép hồi tố có lợi đối với trách nhiệm hành chính và hình sự trong trường hợp pháp luật được điều chỉnh theo hướng có lợi cho doanh nghiệp sau này. Một đề xuất khác là tăng cường áp dụng biện pháp bảo lãnh, cho tại ngoại đối với doanh nhân trong tố tụng hình sự. Theo đại biểu, việc tạm giam kéo dài có thể ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí gây mất khả năng cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế.

Góp ý về nội dung giải quyết phá sản, tranh chấp kinh doanh, đại biểu đề nghị bổ sung quy định bảo đảm thời hạn tố tụng và thi hành án đúng luật. Việc kéo dài thời gian xử lý các vụ án kinh doanh thương mại phải trở thành tiêu chí để xem xét kỷ luật cán bộ. Đồng thời đề nghị đặt mục tiêu nâng tỉ lệ thi hành án dân sự thành công về tiền đối với các vụ việc có điều kiện thi hành lên trên 80%, thay vì mức dưới 50% hiện nay, con số được đánh giá là quá thấp và làm giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp.

Đề xuất cơ chế kiện chính quyền tại tòa án khác tỉnh

Một vấn đề được đại biểu đặc biệt nhấn mạnh là giải quyết các vụ án hành chính. Theo đại biểu, hiện rất ít doanh nghiệp dám kiện cơ quan nhà nước vì lo sợ bị trù dập và thiếu niềm tin vào tính độc lập của tòa án địa phương. Vì vậy, đề nghị có quy định cho phép doanh nghiệp được lựa chọn khởi kiện tại tòa án khác tỉnh, chẳng hạn nơi nguyên đơn cư trú hoặc tỉnh liền kề, thay vì để tòa án tỉnh xét xử chủ tịch tỉnh, gây lo ngại về tính khách quan. Về lâu dài, cần tổ chức lại hệ thống tòa án để bảo đảm tính độc lập.

Đề nghị tiếp tục khảo sát, điều tra ý kiến doanh nghiệp tư nhân

Đại biểu đề xuất tăng cường các biện pháp mềm như khảo sát, điều tra ý kiến doanh nghiệp tư nhân về hoạt động của chính quyền, tương tự như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã triển khai hiệu quả trong 20 năm qua. Đồng thời, đề nghị Nhà nước cấp ngân sách để duy trì và mở rộng các chương trình khảo sát này.

Đại biểu Hồ Thị Minh - Ảnh: NL

Đại biểu Hồ Thị Minh - Ảnh: NL

Tham gia ý kiến dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đại biểu Hồ Thị Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Dân tộc và Tôn giáo cho rằng quy định các quyền hạn của Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình bao gồm quyền sử dụng vũ khí, phương tiện “theo quy định” hoặc các “quyền hạn khác” là chưa rõ ràng, có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do đó, đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung một khoản vào Điều này, giao cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn chi tiết, nhằm làm rõ các quy định và quyền hạn cụ thể để đảm bảo sự hiệu quả và thống nhất khi thực hiện nhiệm vụ.

Về tổ chức chỉ huy tại các phái bộ nên được điều chỉnh để làm rõ cấu trúc tổ chức. Việc quy định “có một chỉ huy trưởng” thay vì “có chỉ huy trưởng” sẽ giúp xác định cụ thể số lượng người chỉ huy, tránh hiểu lầm hoặc tạo khoảng trống trong phân công trách nhiệm tại hiện trường. Đây là quy định cần thiết để đảm bảo hiệu lực trong chỉ huy, điều hành lực lượng ở môi trường đa quốc gia

Về chế độ, chính sách, đại biểu đề xuất bổ sung hai nhóm chính sách: Chính sách đối với người bị ảnh hưởng sức khỏe sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đây là nhóm đối tượng cần được Nhà nước xác nhận nguyên nhân do thực hiện nhiệm vụ và có chế độ hỗ trợ phù hợp; Chính sách ưu tiên dành cho nữ quân nhân, thực tế cho thấy, nữ quân nhân đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong môi trường nhiệm vụ khắc nghiệt, cần có sự quan tâm và hỗ trợ về cả vật chất, tinh thần. Việc bổ sung các chính sách ưu đãi sẽ góp phần tạo động lực, khích lệ tinh thần phục vụ và thể hiện tính nhân văn của pháp luật Việt Nam.

Nguyễn Lý – Cẩm Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thao-luan-to-ve-du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-mot-so-co-che-chinh-sach-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-du-thao-luat-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc-193678.htm