Tháo nút thắt thể chế tạo bước ngoặt lịch sử cho kinh tế tư nhân phát triển

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ là 'cú hích' lịch sử, tháo gỡ những nút thắt thể chế, mở đường cho khu vực này bứt phá, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam tiến xa.

Hành trình khẳng định vị thế của khu vực kinh tế tư nhân là một quá trình gian nan, do những rào cản về thể chế, tư duy và tiếp cận nguồn lực đã từng khiến họ phải “loay hoay” tìm hướng đi. Trong bối cảnh mới, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ là “cú hích” lịch sử, tháo gỡ những nút thắt thể chế, mở đường cho khu vực này bứt phá, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam tiến xa.

Bước tiến lịch sử

Lịch sử phát triển của kinh tế Việt Nam sau Đổi mới là một câu chuyện về sự thay đổi nhận thức và chính sách. Trong những năm đầu, kinh tế tư nhân còn bị đặt trong vòng nghi ngại, lo sợ về sự chệch hướng khỏi con đường xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh rằng, sự tồn tại và phát triển của kinh tế tư nhân là một yếu tố then chốt cho sự tăng trưởng và phồn vinh của đất nước.

Một trong những bước ngoặt quan trọng là việc thể chế hóa vai trò của kinh tế tư nhân. Hiến pháp năm 2013 đã chính thức ghi nhận và bảo vệ quyền của các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Điều này được thể hiện rõ qua quy định: "Các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật" và "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh".

Cùng với đó, các Nghị quyết và văn kiện của Đảng đã liên tục khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân, thể hiện sự nhất quán trong đường lối phát triển kinh tế. Các văn kiện này vừa là tuyên ngôn về mặt lý thuyết, vừa là kim chỉ nam cho hành động, tạo ra một môi trường chính trị ổn định, thúc đẩy sự tự tin và quyết tâm của các doanh nghiệp tư nhân.

 Thực tiễn đã chứng minh rằng, sự tồn tại và phát triển của kinh tế tư nhân là một yếu tố then chốt cho sự tăng trưởng và phồn vinh của đất nước. (Ảnh: Vietnam+)

Thực tiễn đã chứng minh rằng, sự tồn tại và phát triển của kinh tế tư nhân là một yếu tố then chốt cho sự tăng trưởng và phồn vinh của đất nước. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, việc thừa nhận và khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân chỉ là bước khởi đầu. Để khu vực này thực sự phát triển mạnh mẽ, cần phải giải quyết những rào cản về thể chế, tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và an toàn.

Tiến sỹ Bùi Văn Huyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ nguyên cứu và cho biết trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đạt được rất nhiều thành công mà một phần quan trọng là nhờ thể chế thường xuyên được đổi mới. Tuy nhiên, giữa bối cảnh trong và ngoài nước có những xu hướng mới với sự thay đổi hết sức nhanh chóng, thể chế Việt Nam đang bộc lộ khá nhiều bất cập.

Theo tiến sỹ Bùi Văn Huyền, những bất cập này thể hiện ở nhiều khía cạnh thiếu đồng bộ giữa các loại hình thể chế. Cụ thể là sự thiếu đồng bộ giữa thể chế chính trị, pháp lý, kinh tế và xã hội, từ đó tạo ra những “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển. Trên thực tế, thể chế kinh tế tuy có nhiều bước tiến, nhưng thể chế chính trị và các lĩnh vực khác lại chưa theo kịp, điều này gây khó khăn cho việc thực thi chính sách và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Một trong những bước ngoặt quan trọng là việc thể chế hóa vai trò của kinh tế tư nhân.

Sự thiếu đồng bộ có trong từng loại hình thể chế, phải kể đến hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình tuân thủ. Thêm vào đó, sự thiếu đồng bộ tgiữa thể chế trong nước và quốc tế (như sự khác biệt giữa các quy định trong nước và cam kết quốc tế) khiến Việt Nam gặp khó khăn trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoài ra, bà Huyền chỉ ra sự thiếu đồng bộ giữa ban hành thể chế và tổ chức thực thi. Luật được ban hành nhưng lại chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc thiếu cơ chế tổ chức thực hiện khiến hiệu lực thi hành thấp. Đặc biệt là thiếu đồng bộ về thể chế giữa Trung ương và địa phương, dẫn đến cơ chế "xin-cho" và sự hạn chế về thẩm quyền của địa phương trong việc ban hành các quy định riêng đã hạn chế sự sáng tạo và chủ động của các địa phương.

Do đó, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển khu vực kinh tế tư nhân ra đời và chính thức khẳng định vị thế của khu vực này là “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.” Đây là một sự khẳng định ở mức độ cao nhất, cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong tư duy và chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cải cách thể chế từ những việc cụ thể

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (CIEM), Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, nhận định Nghị quyết 68 gần như đã khẳng định ở mức độ tuyệt đối rằng khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế… Như vậy, Việt Nam đã thành công ở vế đầu tiên, là tất cả hệ thống chính trị-xã hội đã và đang thừa nhận sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tháo gỡ các vướng mắc về thể chế. Câu chuyện ở đây là tháo gỡ thể chế, thì các cơ quan quản lý Nhà nước mới có thể thực thi tốt và doanh nghiệp hay người dân mới có thể tuân thủ tốt. Bởi, thể chế không tốt sẽ trở thành lực cản, triệt tiêu các động lực phát triển của nền kinh tế. Do vậy, bà cho rằng cải cách thể chế cần phải bắt đầu từ những việc cụ thể, ví dụ như đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và minh bạch hơn.

Theo tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, việc thực thi hiệu quả các chính sách cũng vô cùng quan trọng. Vấn đề đã được Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội tháo gỡ nhưng phần thực thi phải được làm triệt để. Trên thực tế, câu chuyện thực thi liên quan tới nhiều vấn đề, trong đó có chất lượng của thể chế. Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và công chức viên chức cán bộ là những người thực thi.

“Cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là những yếu tố then chốt để đảm bảo Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống. Việc đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức thông qua các chỉ số cụ thể và lấy ý kiến đánh giá của người dân và doanh nghiệp là một giải pháp quan trọng,” lãnh đạo CIEM nhấn mạnh.

 Cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là những yếu tố then chốt để đảm bảo Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống. (Ảnh: Vietnam+)

Cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là những yếu tố then chốt để đảm bảo Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống. (Ảnh: Vietnam+)

Với vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng. Quốc hội đã khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật cụ thể, tạo hành lang pháp lý (thể chế hóa Nghị quyết 68) cho kinh tế tư nhân phát triển.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực, Đại biểu Quốc hội Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định khu vực kinh tế tư nhân rất cần về cơ chế. Trong đó, cơ chế để tiếp cận nguồn lực và cơ chế được phá sản vô cùng quan trọng.

Quy luật phát triển của thị trường cho thấy cứ 10 doanh nghiệp khởi nghiệp, sau 5 năm sẽ có đến khoảng 3/4 có khả năng phá sản. Các báo cáo của các tổ chức quốc tế chỉ ra thủ tục phá sản của ta hiện nay rất khó khăn và phức tạp. Điều này liên quan đến bài toán trách nhiệm của những người liên quan và doanh nhân được việc làm lại hay có cơ hội làm lại rất quan trọng, bên cạnh đó cần hạn chế việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Ngoài ra, còn có việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chính sách về tài chính và nguồn lực đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp quốc gia với các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn vươn lên, trở thành các tập đoàn kinh tế mạnh.

Nghị quyết 68 đang được cả cộng đồng hưởng ứng và đánh giá là một cơ hội “vàng” để kinh tế tư nhân Việt Nam bứt phá.

Khẳng định ưu tiên doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là “chìa khóa” cho tương lai, ông Lê Quân cũng đề xuất các giải pháp cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể là chính sách mở rộng việc chỉ định thầu, chỉ định hạn chế thầu hoặc đặt hàng đối với các doanh nghiệp khi ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mở rộng việc cho thuê tài sản công, đặc biệt là đất đai, để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn lực và phát triển.

Cho rằng sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ toàn diện, Đại biểu Quốc hội, Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh việc ưu đãi các vùng khó. Bà cho rằng cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi. Các chính sách này có thể bao gồm miễn, giảm thuế, miễn thuế đất dài hạn, hỗ trợ chi phí logistic, kho bãi.

Đối với phát triển công nghiệp phụ trợ, tiến sỹ Nguyễn Thị Lan kiến nghị chính sách quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho các ngành này, đặc biệt là các lĩnh vực cung cấp giống, vật tư cho ngành nông nghiệp

“Chính sách đặc thù theo ngành cần rà soát và đưa ra các chính sách đặc thù cho từng lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực còn yếu kém và chưa phát huy hết tiềm năng. Bên cạnh đó, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu 10.000 giám đốc điều hành, để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển,” bà Lan chia sẻ.

Trong khi, Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội lại đề cập sự cần thiết phải có sự kết nối giữa các thành phần kinh tế.

"Khi chúng ta đề ra một hệ thống các giải pháp, các cơ chế-thể chế thì nên có những chính sách kết nối giữa các thành phần kinh tế, không riêng gì kinh tế tư nhân. Các chính sách phải hình thành nên sự hỗ trợ, phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp với nhau và giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước cũng như với doanh nghiệp FDI," ông Hùng nói.

Trong đời sống, Nghị quyết 68 đang được cả cộng đồng hưởng ứng và đánh giá là một cơ hội “vàng” để kinh tế tư nhân Việt Nam bứt phá. Đến nay, xã hội đã có cái nhìn cởi mở và ủng hộ sự phát triển của kinh tế tư nhân, do đó điều cần thiết là tạo ra một môi trường xã hội thuận lợi là yếu tố quan trọng để khu vực này có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước./.

 Quốc hội đã khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật cụ thể, tạo hành lang pháp lý (thể chế hóa Nghị quyết 68) cho kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: Vietnam+)

Quốc hội đã khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật cụ thể, tạo hành lang pháp lý (thể chế hóa Nghị quyết 68) cho kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: Vietnam+)

Mời độc giả đón đọc loạt bài:

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thao-nut-that-the-che-tao-buoc-ngoat-lich-su-cho-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-post1047557.vnp