Tháo 'vòng kim cô' để kinh tế tư nhân tạo kỳ tích tăng trưởng
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và hướng tới hai con số trong giai đoạn tiếp theo, không thể chần chừ cải thiện từng phần mà phải dứt khoát tháo các điểm nghẽn đang kìm hãm năng lực phát triển của kinh tế tư nhân.Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những phân tích trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay?
Ông Đậu Anh Tuấn: Việt Nam hiện có khoảng 940.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khu vực này đóng góp 51% GDP, tạo ra 40 triệu việc làm - chiếm 82% lực lượng lao động cả nước, đóng góp 30% thu ngân sách và 60% vốn đầu tư xã hội.

Trong những chính sách lớn về phát triển kinh tế sắp ban hành sẽ định hình lại cách tiếp cận phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào khoa học công nghệ và doanh nghiệp tư nhân. Những nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57, 193 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Những chính sách lớn này có thể tạo ra những thay đổi bước ngoặt, tạo ra áp lực nhưng cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt khi kinh tế tư nhân được đặt vào vị trí trung tâm, thậm chí có thể là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Mặc dù có vai trò quan trọng, nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều hạn chế như quy mô nhỏ, năng suất thấp, thiếu liên kết và gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai và nhân lực. Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng mở rộng quy mô mà còn làm suy giảm sức cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Theo ông doanh nghiệp đang gặp rào cản gì và tác động như thế nào đến kinh tế tư nhân?
Ông Đậu Anh Tuấn: Hiện có tám rào cản chính đang kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Đầu tiên, tính phi chính thức cao và năng suất lao động thấp khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động. Thứ hai, quản trị yếu kém và thiếu tính chuyên nghiệp cũng là một thách thức lớn; Thứ ba, việc kết nối với chuỗi cung ứng còn hạn chế; Thứ tư, sự liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với khu vực FDI và thị trường toàn cầu vẫn chưa thực sự bền vững; Thứ năm, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển mạnh, khiến doanh nghiệp trong nước khó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Thứ sáu, các vấn đề về tiếp cận vốn, đất đai và nhân lực vẫn là những rào cản lớn. Thứ bảy, doanh nghiệp tư nhân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) do thiếu sự hỗ trợ phù hợp.
Cuối cùng, trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng, các quy định hiện hành vẫn chưa thực sự phù hợp, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào thị trường số.
Tới đây, nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế sẽ ra đời trong đó tập trung vào khoa học công nghệ và doanh nghiệp tư nhân. Những thay đổi này có thể tháo gỡ những rào cản trên không, thưa ông?
Ông Đậu Anh Tuấn: Những nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57, 193 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đề cao vai trò chiến lược của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện có có bốn thay đổi quan trọng nhất của Nghị quyết 57 đó là: Chuyển từ đầu tư công sang cơ chế thị trường, khuyến khích doanh nghiệp dẫn dắt đổi mới sáng tạo. Thứ hai, tăng cường đầu tư tư nhân vào R&D, thu hút vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm và hợp tác công – tư. Thứ ba, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, giúp Việt Nam tự chủ trong các lĩnh vực quan trọng. Thứ tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, tài chính và thị trường.
Trước đây, khoa học và công nghệ thường được xem là công cụ hỗ trợ phát triển kinh tế, song Nghị quyết 57 đã nâng tầm thành động lực then chốt, nhấn mạnh vai trò trung tâm trong tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, định hướng thị trường và doanh nghiệp làm trung tâm. Chuyển từ mô hình quản lý khoa học công nghệ mang tính hành chính sang cơ chế thị trường, khuyến khích doanh nghiệp dẫn dắt đổi mới sáng tạo thay vì chỉ dựa vào đầu tư công.

Việc chuyển từ mô hình quản lý khoa học công nghệ mang nặng tính hành chính sang định hướng thị trường là một thay đổi mang tính đột phá, giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sau Nghị quyết 57, Nghị quyết 193 (thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia) của Quốc hội tạo ra bước tiến quan trọng khi chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Trước đây, các dự án nghiên cứu thường bị ràng buộc bởi nguyên tắc bảo toàn vốn, nhưng nay có cơ chế chấp nhận thua lỗ ở giai đoạn đầu, giống như cách các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động.
Một thay đổi quan trọng khác là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Trước đây, nghiên cứu do nhà nước tài trợ chỉ được giữ trong khuôn khổ cơ quan nhà nước, đó là điểm mở, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ. Các nhà khoa học có thể mở doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường, giúp rút ngắn thời gian chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, cơ chế ưu đãi thuế giúp doanh nghiệp tính các khoản tài trợ nghiên cứu vào chi phí hợp pháp, tạo động lực đầu tư mạnh mẽ hơn vào R&D.
Một điểm nhấn đáng chú ý là thí điểm vệ tinh tầm thấp, mở ra cơ hội cho vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo được tiếp cận internet từ các hệ thống như Starlink. Đây là tín hiệu tích cực, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực này, nhất là với những doanh nghiệp đang đầu tư hay có ý định đầu tư vào khu vực này.
Để tạo đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân, Việt Nam cần làm gì trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Đậu Anh Tuấn: Để tháo gỡ các rào cản và tạo đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân, Việt Nam thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm như sau:
Đầu tiên, cần đẩy mạnh cải cách thể chế và môi trường kinh doanh bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa pháp luật và khắc phục tình trạng chồng chéo trong các quy định hiện hành. Chính phủ đã phát hiện 263 văn bản chồng chéo và đang tiến hành rà soát, điều chỉnh. Ngoài ra, cần có luật riêng cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ, đồng thời thúc đẩy tinh thần hỗ trợ kinh doanh, thử nghiệm chính sách theo mô hình sandbox cho các mô hình kinh doanh mới.
Tiếp theo, cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn mới. Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ngân hàng, trong khi thị trường chứng khoán chưa thực sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việt Nam dù đứng thứ ba Đông Nam Á về đầu tư khởi nghiệp nhưng vẫn thiếu các quỹ đầu tư mạo hiểm đủ mạnh. Do đó, cần thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển trái phiếu doanh nghiệp, xây dựng quỹ Pre-IPO và quỹ quốc gia về khởi nghiệp, đồng thời thiết lập một sàn chứng khoán riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng cường huy động vốn.
Một chính sách riêng dành cho doanh nghiệp tư nhân nội địa cũng là yếu tố then chốt. Cần thu hẹp khoảng cách ưu đãi giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước; đồng thời áp dụng các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và tín dụng với lãi suất thấp cho những doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn trong các ngành mũi nhọn. Đặc biệt, cần tạo ra một "hành lang đỏ" cho các doanh nghiệp tư nhân quan trọng, với cam kết ổn định về pháp lý, tài chính và ưu đãi dài hạn.
Để giúp doanh nghiệp tư nhân vươn ra thị trường toàn cầu, cần tận dụng tối đa các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tham gia các hội chợ quốc tế nhằm xây dựng thương hiệu. Đồng thời, phải phát triển mạnh chuỗi phân phối nội địa và thúc đẩy sự đồng hành của chính phủ trong việc nâng tầm thương hiệu quốc gia.
Ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là những yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và công nghệ sản xuất thông minh. Việc ưu đãi thuế và vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào R&D, AI cần được đẩy mạnh. Song song đó, hệ thống đào tạo cần tập trung vào các lĩnh vực STEM, công nghệ và kỹ thuật, đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học và viện nghiên cứu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể học hỏi từ những mô hình thành công trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Hàn Quốc phát triển các tập đoàn chaebol nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ về tín dụng, xuất khẩu, nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như ưu tiên thị trường nội địa. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) tập trung thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thông qua chính sách tài chính linh hoạt, hỗ trợ R&D, khởi nghiệp và phát triển các cụm công nghiệp. Điểm chung của cả hai quốc gia này là vai trò chủ động của chính phủ trong việc lựa chọn các ngành mũi nhọn và hỗ trợ dài hạn cho doanh nghiệp.
Với những giải pháp toàn diện này, Việt Nam có thể tạo ra bước ngoặt cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, giúp khu vực này thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và hội nhập trong giai đoạn phát triển mới.