Thắp lửa tình yêu nghệ thuật truyền thống

Trích đoạn hò bả trạo Giữa biển khơi do tập thể các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh trình diễn. Ảnh: THIÊN LÝ

Sở VH-TT-DL vừa tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Qua đó giới thiệu đến người xem các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, tôn vinh giá trị văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của quần chúng Nhân dân.

Chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả, giúp họ có cơ hội tìm hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng, góp phần giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Cùng trải nghiệm

Góp mặt trong chương trình được tổ chức tại sân khấu ngoài trời Bảo tàng tỉnh, nghệ nhân, nghệ sĩ của các câu lạc bộ (CLB) tuồng, dân ca bài chòi, hò bả trạo, đờn ca tài tử và Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển đã biểu diễn phục vụ người dân địa phương và du khách nhiều tiết mục mang âm hưởng dân gian, đậm sắc màu của Phú Yên, như: Về quê anh nghe hát bài chòi, Dìa xứ Nẫu đánh bài chòi, Nẫu dìa xứ Nẫu, Tiếng gọi non sông, Về Phú Yên... Khán giả không chỉ được đắm mình trong không gian nghệ thuật truyền thống đặc sắc mà còn được trải nghiệm văn hóa vùng miền qua các loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Văn Minh (nghệ danh Tuấn Minh) bày tỏ: “Là người đam mê ca hát, tôi mong muốn góp một chút công sức để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh. Đây cũng là cơ hội để những người như tôi có thể đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với mọi người, giúp các bạn trẻ tiếp cận và hiểu hơn về nét đẹp văn hóa mà cha ông ta đã sáng tạo, gìn giữ từ bao đời nay”.

Hào hứng đưa hai con đi xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống, anh Nguyễn Trung Hòa ở phường 6 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Tôi đưa các con đến đây để các con biết về các loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống. Theo tôi, việc địa phương tổ chức chương trình này không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống mà còn hướng cho thế hệ trẻ nếu thực sự đam mê thì có thể theo nghề”. Còn theo trung sĩ Đinh Thái Quốc, Tiểu đoàn 85, Trung đoàn BB888 Bộ CHQS tỉnh, tham gia chương trình này, anh có dịp tiếp cận, làm quen với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhờ vậy, anh Thái bắt đầu yêu thích chúng và càng thêm yêu quê hương xứ Nẫu nhiều hơn.

Nhiều du khách phản hồi tích cực với chương trình nghệ thuật này. Ngay cả những vị khách nước ngoài cũng chăm chú theo dõi các đêm diễn. Có thể không hiểu được ngôn ngữ, nhưng qua âm nhạc và kỹ năng biểu diễn của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, họ vẫn cảm nhận được cái hồn của những tiết mục được trình diễn và bày tỏ sự tâm đắc.

Khơi gợi ý thức, trách nhiệm của lớp trẻ

Theo Sở VH-TT-DL, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống chào mừng 17 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2022) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc và giới thiệu, quảng bá các giá trị ấy tới mọi người, nhất là thế hệ trẻ.

Chị Trình Thị Liên, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Bài chòi thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) chia sẻ: “Là người tham gia biểu diễn trong chương trình đặc biệt này, tôi rất vui khi thấy khán giả hồ hởi đón nhận. Nghệ thuật truyền thống như tuồng, bài chòi, đờn ca tài tử… là những sáng tạo vô cùng độc đáo của cha ông chúng ta, rất gần gũi với tình cảm con người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, thế hệ trẻ hôm nay phải có nghĩa vụ giữ gìn và phát huy”.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nó có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là nguồn lực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Xuất phát từ ý nghĩa đó, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 36/2005/QĐ-TTg lấy ngày 23/11 hằng năm là ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp Nhân dân tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

“Qua chương trình, chúng tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng đến công chúng, giúp khán giả trong nước và quốc tế hiểu sâu hơn, trân trọng hơn những tinh hoa văn hóa nghệ thuật đặc sắc của các thế hệ đã tích tụ, bồi đắp theo chiều dài lịch sử dân tộc. Đặc biệt, đây là dịp để các em học sinh có cơ hội tiếp cận, làm quen, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Đồng thời khơi gợi niềm đam mê văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc từ học sinh; phát hiện năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, phát triển khả năng nghệ thuật truyền thống của các em...”, bà Thái nhấn mạnh.

Qua chương trình, chúng tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng đến công chúng, giúp khán giả trong nước và quốc tế hiểu sâu hơn, trân trọng hơn những tinh hoa văn hóa nghệ thuật đặc sắc của các thế hệ đã tích tụ, bồi đắp theo chiều dài lịch sử dân tộc.

Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Thị Hồng Thái

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/290798/thap-lua-tinh-yeu-nghe-thuat-truyen-thong.html