Tháp Mười hôm nay

Kỳ 1: Khát vọng xây dựng nông thôn mới

Nhắc đến Tháp Mười, mọi người nhớ ngay đến 2 câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang:

“Tháp Mười đẹp nhứt bông sen,

Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ” (nguyên tác).

Tháp Mười là huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp với diện tích tự nhiên 533.82km2, có 13 đơn vị hành chính (gồm 12 xã và 1 thị trấn); dân số 131.923 người. Huyện có 49 chi bộ, đảng bộ (gồm 13 đảng bộ xã, thị trấn, 2 đảng bộ Công an, Quân sự; 34 chi, đảng bộ ngành huyện) với 4.872 đảng viên, chiếm 3.69% dân số, là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh.

Trụ sở Huyện ủy Tháp Mười

Trụ sở Huyện ủy Tháp Mười

Tháp Mười hôm nay đã “thay da đổi thịt” với sự nhộn nhịp của phố thị, những con đường trải nhựa thẳng tắp, những tuyến đường bê tông liên huyện, liên xã, liên ấp thông thoáng, những cánh đồng lúa, đồng sen, vườn cây trái bạt ngàn nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày, nhiều ngôi nhà khang trang được dựng lên, nhiều cầu bê tông vững chắc nối đôi bờ sông thơ mộng kết nối xóm làng. Chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng lên. Những thay đổi đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh; quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền, của cả hệ thống chính trị; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong hành trình xây dựng Tháp Mười đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Tháp Mười hôm nay thật sự đã “lột xác”. Nếu như khi tách ra (tháng 6/1981) một huyện từng là vùng rốn phèn của Đồng Tháp Mười thì nay đã là huyện nông thôn mới. Nếu như những năm đầu, đường đến các xã đi lại khó khăn, “nắng bụi, mưa bùn”, thì ngày nay xe ô tô về tới các xã và thậm chí có những con đường liên ấp xe ô tô đi lại được dễ dàng. Nếu như những năm đầu, có những cánh đồng ở các xã: Tân Kiều, Trường Xuân, Hưng Thạnh, Thạnh Lợi, Láng Biển... nhiễm phèn rất cao, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp (thua lỗ), thì thông qua gieo trồng, cải tạo và bằng những kinh nghiệm thực tế cùng với áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất tăng dần, bình quân từ 8 - 10 tấn/ha. Có thể nói, Tháp Mười là địa phương đi đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nổi bật về ứng dụng các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản để chinh phục và đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính như hiện nay. Nhờ tiến bộ của khoa học công nghệ, người nông dân nhạy bén và nắm bắt kịp thời sự tiến bộ đó và nhu cầu của thị trường để thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Nếu như những năm đầu, nhiều diện tích vườn tạp chưa được cải tạo, nuôi trồng mang tính tự phát, manh mún thì ngày nay việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là đều tất yếu để phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế.

Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười

Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười

Nhìn một cách tổng quan, có thể thấy với sự năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền, của cả hệ thống chính trị; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh... mà giờ đây diện mạo nông thôn của huyện từng bước đổi thay và phát triển vượt bậc: Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng kinh tế nông nghiệp với 6 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, sen, mít, cá sặc rằn, ếch, vịt; ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới, công nghệ luôn được quan tâm, đẩy mạnh; nhiều mô hình hay, hiệu quả được duy trì và nhân rộng góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân.

Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cứng hóa và là địa phương có hạ tầng tốt nhất của tỉnh, có thể kết nối với các vùng của tỉnh và các tỉnh lân cận; hạ tầng thủy lợi, hệ thống điện được duy trì, bảo dưỡng đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và dân sinh. Ngành y tế luôn được quan tâm đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Đến nay, 100% Trạm y tế tuyến xã được đầu tư đạt chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất và tất cả các Trạm y tế đều có bác sĩ, công tác khám và điều trị bệnh cho Nhân dân ngày càng tốt hơn, các chương trình y tế Quốc gia được triển khai sâu rộng, công tác an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường được chú trọng, hạn chế được các loại dịch bệnh xảy ra. Việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tháp Mười thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền trong việc bảo vệ sức khỏe Nhân dân vì sự phát triển xã hội.

Nội ô thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười (Ảnh: Hoàng Kha)

Tháp Mười là huyện có truyền thống hiếu học, luôn là điểm sáng của tỉnh trong công tác giáo dục đào tạo, trong nhiều năm qua tỷ lệ tốt nghiệp THPT thuộc nhóm đầu của tỉnh (có những năm vươn lên đứng đầu) đây là điểm rất đáng ghi nhận. Cảnh quan nông thôn khang trang, vệ sinh môi trường, kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội được cải thiện, các tuyến giao thông, trường học, trạm y tế, chợ được đầu tư nâng cấp; các hoạt động bảo vệ môi trường nhận được sự thống nhất đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư từ việc tham gia trồng hoa, làm hàng rào cây xanh; thực hiện tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - an ninh”, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Với vai trò chủ thể rất quan trọng, phát huy tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, qua đó phát huy cao độ vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới, đóng góp của cộng đồng dân cư huyện Tháp Mười trong xây dựng nông thôn mới là điểm nhấn của tỉnh khi người dân đóng góp đến khoảng 40% (1.010/2.547 tỷ đồng) vốn huy động đầu tư trực tiếp xây dựng nông thôn mới (chưa kể vốn tín dụng) góp phần đáng kể giúp huyện Tháp Mười hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới trước 1 năm.

Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu xã Phú Điền

Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu xã Phú Điền

Theo đó, diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên và khơi dậy, phát huy tính cố kết cộng đồng với tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của người dân thông qua hoạt động Hội quán, Tổ Nhân dân tự quản, mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới. Công tác giải quyết việc làm, phát triển công nghiệp, dịch vụ giải quyết tốt thời gian nhàn rỗi cho lao động ở nông thôn, tạo việc làm mới cho người lao động, tăng thu nhập kinh tế gia đình, công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đạt hiệu quả, góp phần giảm nghèo và từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động của huyện. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền huyện Tháp Mười luôn quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quân sự địa phương, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Nội đồng Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi

Nội đồng Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi

Với những kết quả đạt được, Tháp Mười là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 tại Quyết định số 1273/QĐ-TTg ngày 19/8/2020. Đây là thành quả rất xứng đáng với những nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp của huyện. Nhìn lại những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp của huyện qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, mới thấy đó là sự quyết tâm rất lớn, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như sự định hướng đúng đắn, sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của các sở, ban, ngành và sự đồng thuận rất cao của người dân và doanh nghiệp để huyện Tháp Mười sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2019, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. (còn tiếp)

Đinh Văn Năm - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/thap-muoi-hom-nay-123998.aspx