'Thắp ngọn lửa hồng' tri ân các anh hùng liệt sĩ

Những địa danh lịch sử, nơi kẻ địch từng dựng nhà giam, trường bắn… giờ đây đã trở thành 'địa chỉ đỏ', góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ. Nhiệt huyết cách mạng, khí phách hiên ngang của những người chiến sĩ vẫn âm vang qua những lời nói, câu thơ và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Vừa qua, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức khai mạc trưng bày “Thắp ngọn lửa hồng” thiết thực kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, biết bao người chiến sĩ đã nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân, hy sinh hạnh phúc riêng tư cho độc lập tự do. Mặc dù bị đọa đày nơi ngục tối, những người con trung hiếu luôn kiên gan bền chí trước các trận đòn tra tấn thấu xương, luôn sáng mãi niềm tin về thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Trưng bày “Thắp ngọn lửa hồng” là câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những người con ưu tú từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù và cũng là tình cảm thiêng liêng, góp phần thắp lên ngọn lửa tri ân các anh hùng liệt sĩ. Bố cục Trưng bày được thể hiện qua 3 nội dung: Tiếng súng mở đầu, Trọn một lời thề và Dấu xưa vang mãi.

Các đại biểu tham quan Trưng bày.

Các đại biểu tham quan Trưng bày.

Sau khi thành lập (2/1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp đông đảo quần chúng làm nên: Phong trào cách mạng (1930 - 1931) với đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ (1936 - 1939). Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ngày 22/9/1940, quân Nhật tiến công Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng, đổ bộ vào Đồ Sơn. Chống cự yếu ớt, quân Pháp đã nhanh chóng đầu hàng. Không khuất phục trước kẻ thù, ba cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở ba miền Bắc, Trung, Nam là khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940), binh biến Đô Lương (1/1941). Đây chính là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc.

Sau thất bại của những cuộc khởi nghĩa, đặc biệt là khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp người dân, dựng trường bắn và xử tử hình nhiều đồng chí lãnh đạo của Ðảng bị bắt từ trước khởi nghĩa, như các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai… Dù bị tra tấn, đày ải trong lao tù, những người con ưu tú vẫn giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần đấu tranh kiên cường. Ở nơi trường bắn, các đồng chí vẫn hiên ngang, bất khuất.

Trong đó, phải kể đến đồng chí Hà Huy Tập, sinh tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa nay thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1926, đồng chí tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng). Cuối năm 1928, đồng chí được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất Đảng Tân Việt với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Năm 1929 - 1932, đồng chí học tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Năm 1933, tham gia Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 7/1936 - 3/1938, đồng chí giữ cương vị Tổng Bí thư, sau đó tham gia Thường vụ Trung ương Đảng. Ngày 1/5/1938, đồng chí bị địch bắt lần thứ nhất, giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Ngày 30/3/1940, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai. Khi bị tòa án địch kết án tử hình, tháng 3/1941, đồng chí đã khẳng khái trả lời: Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp thi hành án tử hình đồng chí ở Hóc Môn (Gia Định) vì tội “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”.

Hay đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh tại làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn (nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Năm 1928, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1928, đồng chí đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Quảng Ninh. Khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời (6/1929), đồng chí là một trong những đảng viên đầu tiên. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (2/1930), đồng chí được bầu làm Bí thư Đặc khu ủy Hòn Gai - Uông Bí.

Tháng 2/1931, đồng chí bị địch bắt, giam tại các Nhà lao Hải Phòng, Hỏa Lò. Khi bị xét xử tại tòa án thực dân, năm 1931, đồng chí đã đanh thép trả lời: Tòa khép tôi vào tội có chân trong Đảng Cộng sản và âm mưu làm rối cuộc trị an. Không đúng! Tôi phải làm cách mạng, vì bọn đế quốc quá áp bức quần chúng, tìm hết cách bóc lột, nào sưu cao, thuế nặng, nào quốc trái để vơ vét cho chúng. Tôi làm cách mạng là để phá bỏ sự vơ vét bất công đó.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị đày đi Nhà tù Côn Đảo, giam cho đến năm 1936 mới được trả tự do. Năm 1937, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng; tháng 3/1938 được bầu làm Tổng Bí thư. Tháng 1/1940, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai, giam ở Khám Lớn - Sài Gòn. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp thi hành án tử hình đồng chí ở Hóc Môn (Gia Định) vì “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”.

Ngoài ra, phải kể đến đồng chí Võ Văn Tần sinh tại làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Năm 1923, đồng chí bị địch bắt, giam vì cùng nông dân đấu tranh chống thu thuế sát sinh vô lý. Năm 1926, đồng chí tham gia Hội kín Nguyễn An Ninh. Tháng 8/1929, đồng chí gia nhập An Nam Cộng sản Đảng. Năm 1930 - 1931, đồng chí phụ trách các cuộc biểu tình ở Chợ Lớn, Gia Định đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân. Tháng 6/1931, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn; năm 1932, làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Tháng 3/1937, đồng chí giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 3/1938, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Năm 1940, đồng chí bị địch bắt giam tại bót Catinat, Sài Gòn. Trước khi ra pháp trường, đồng chí đã để lại di bút trên tường xà lim: Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp thi hành án tử hình đồng chí ở Hóc Môn (Gia Định) vì “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”…

Trưng bày “Thắp ngọn lửa hồng” là dịp ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc; đồng thời, khơi dậy ngọn lửa cách mạng, ý thức trách nhiệm chung tay xây dựng đất nước trong các thế hệ.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thap-ngon-lua-hong-tri-an-cac-anh-hung-liet-si-173512.html