Thắp ngọn lửa niềm tin từ nơi gian khó nhất

Những hiện vật, tư liệu và cả những nhân chứng lịch sử đã hiện diện tại Trưng bày chuyên đề 'Thắp lửa niềm tin' tại Khu di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Nhân chứng lịch sử Nguyễn Thế Nghĩa gặp gỡ và trò chuyện cùng các chiến sĩ trẻ tham quan Trưng bày.

Nhân chứng lịch sử Nguyễn Thế Nghĩa gặp gỡ và trò chuyện cùng các chiến sĩ trẻ tham quan Trưng bày.

Đây là Trưng bày nhằm hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2020). Trưng bày gồm ba phần: “Mặt trời chân lý”, “Vầng dương trong ngục thất”, và “Thắp lửa niềm tin”, tái hiện chặng đường 90 năm đầy vinh quang của Đảng.

“Mặt trời chân lý” khởi đầu từ bến Nhà Rồng năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi với quyết tâm cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Cuộc hành trình qua ba đại dương, bốn châu lục, gần 30 quốc gia đã đưa Người đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3-2-1930 và từng bước thực hiện những sứ mệnh lịch sử, mở ra bước ngoặt mới trên con đường đi lên của đất nước.

Sức mạnh của Đảng từ sau khi ra đời giống như “Vầng dương trong ngục thất”, đã biến tối thành sáng, biến nguy thành an, biến ngục tù hắc ám thành nơi mài giũa ý chí đấu tranh, thành trường học cách mạng đặc biệt của những chiến sĩ kiên trung. Tại các nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, Sơn La, Trại giam tù binh Phú Quốc..., tổ chức Đảng lần lượt ra đời đã phát huy tính tiên phong trong hoạt động đấu tranh với kẻ thù.

Tại các nhà tù, các chiến sĩ cách mạng sử dụng mọi thứ có trong tay để đấu tranh, tuyên truyền và học tập. Giấy được lấy từ giấy vệ sinh, ngâm bìa các tông, bóc ra và phơi khô làm giấy viết, mảnh báo còn chừa trắng, hoặc viết chồng lên chữ in. Mực thì nhờ người nhà gửi kèm thoi mực theo quần áo, đồ tiếp tế vào tù, lấy túi mực của những con mực nhỏ, nếu bị tịch thu hết thì dùng san hô viết lên nền nhà tù để học. Nhiều lúc thiếu nước, các chiến sĩ phải nhổ nước bọt, thậm chí phải dùng nước giải mài mực, lấy tôn và cà mèn cắt ra hoặc vót que nhọn làm bút viết. Ở những nhà tù ngoài đảo như Phú Quốc hay Côn Đảo, những bãi cát được tận dụng thành bảng đen; bút viết là những cành cây hay những đoạn kẽm gai nắn thẳng...

Ở trong tù, các cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng diễn ra liên tục. Nhiều chiến sĩ dù phải hy sinh thân mình, vẫn quyết không nản chí, kiên cường đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Rất nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, đấu tranh ngoại giao, đấu tranh tuyệt thực, đấu tranh bảo vệ nhân phẩm… đã diễn ra tại các nhà tù Hỏa Lò, Sơn la, Côn Đảo, Phú Quốc và đã đạt được thắng lợi. Những cuộc đấu tranh đó được kể lại sống động qua những lời trích từ hồi ký của nhiều người cựu tù như đồng chí Văn Tiến Dũng (Sơn La), đồng chí Kiều Văn Uỵch (Phú Quốc).

Phần ba “Thắp lửa niềm tin” đề cập đến đất nước sau khi thống nhất, Đảng ta phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiến hành sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giành được những thành tựu to lớn.

Thiết kế đồ họa của Trưng bày được lấy ý tưởng từ những hình ảnh gợi nhớ về chốn “địa ngục trần gian” với tường đá, dây kẽm gai, song sắt... Màu sắc sử dụng tạo thành những mảng màu đối lập: một bên là sắc trầm của xanh rêu, nâu đen, xám – những màu sắc chủ đạo của lao tù, một bên là màu sắc sáng tươi, nổi bật, tượng trưng cho ý chí của những người yêu nước.

Chiếc máy chữ và mũ cối của đồng chí Nguyễn Văn Trân.

Trưng bày cũng lần đầu giới thiệu những kỷ vật gắn bó với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những đảng viên kiên trung của Đảng từng bị địch bắt giam cầm trong các nhà tù thực dân, đế quốc được giới thiệu đến đông đảo công chúng, như Máy đánh chữ - đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Thành ủy Hà Nội sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Cặp - đồng chí Đặng Việt Châu, Cố vấn cấp cao của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng sử dụng khi tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội, tháng 3-1982; Huy hiệu - đồng chí Hoàng Thị Ái, Lão thành cách mạng, nguyên Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đeo khi tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội, tháng 3-1982; Bộ sưu tập những bài báo trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đăng trên Báo Nhân Dân” năm 1987; Cặp - Tổng Bí thư Đỗ Mười sử dụng khi tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1996.

Tại Trưng bày cũng có sự tham gia của các nhân chứng lịch sử, các cựu tù chiến tranh như Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, kết nạp Đảng năm 1942, được trao tặng Huy hiệu 75 tuổi Đảng năm 2017; đồng chí Tạ Quốc Bảo, lão thành cách mạng kết nạp Đảng năm 1946, được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng năm 2016; đồng chí Nguyễn Thế Nghĩa, người dùng máu nhuộm cờ và vẽ chân dung Bác Hồ tại Trại giam tù binh Phú Quốc; đồng chí Nguyễn Tài Triệu, người được kết nạp Đảng tại Nhà tù Hố Nai (Biên Hòa) năm 1970.

Trưng bày không chỉ có ý nghĩa ôn lại lịch sử, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm được về cuộc đấu tranh của cha ông mình, mà còn là nơi nuôi dưỡng khát vọng hòa bình, niềm tin, sự trân trọng đối với lịch sử, đối với cuộc sống yên bình đối với thế hệ trẻ hôm nay.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/42889502-thap-ngon-lua-niem-tin-tu-noi-gian-kho-nhat.html