Thắp sáng ngành du lịch 'không ngủ', Quảng Ninh 'kích hoạt' kinh tế ban đêm
Quảng Ninh đang tích cực nghiên cứu, tìm hướng phát triển kinh tế ban đêm để đưa ra cách thức phát triển du lịch, dịch vụ phù hợp, từ đó, đưa kinh tế ban đêm trở thành một trong những động lực phát triển chính của ngành 'công nghiệp không khói'.
Kinh tế ban đêm - “cửa sáng” cho ngành du lịch. (Nguồn: BQN)
Từ lâu, kinh tế đêm đã được ví như “mỏ vàng” của ngành du lịch. Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện phương án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm. Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu mô hình phát triển kinh tế ban đêm phải nghiên cứu, lựa chọn được địa điểm phù hợp; có quy hoạch cụ thể, đảm bảo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ tổng hợp, tránh phát sinh xung đột giữa các loại hình.
Sản phẩm kinh tế ban đêm phải khác biệt, hấp dẫn du khách; đồng thời, cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế ban đêm. Nghiên cứu thành lập tổ công tác có sự tham gia của đại diện các sở, ngành liên quan để triển khai hiệu quả Đề án phát triển kinh tế ban đêm, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Các hoạt động chính của kinh tế ban đêm gồm 4 loại hình dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; ăn uống; mua sắm và du lịch. Chính sách hỗ trợ sẽ ưu tiên, khuyến khích hoạt động kinh tế ban đêm lành mạnh.
Xu thế tất yếu
Theo các chuyên gia du lịch, Quảng Ninh là một trung tâm du lịch lớn của cả nước, với điểm đến là thành phố Hạ Long và di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long. Kinh tế đêm vẫn còn là một khái niệm mới, số lượng ngành nghề dịch vụ còn hạn chế do cung cầu, tập quán tiêu dùng của người dân và du khách, các quy định hạn chế thời gian kinh doanh, nên kinh tế đêm mới chỉ dừng lại ở các hoạt động chợ đêm, quy mô nhỏ, thường đóng cửa sau 23 giờ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các hoạt động dịch vụ về đêm chủ yếu tập trung tại 2 trung tâm du lịch của tỉnh là thành phố Hạ Long và thành phố Móng Cái. Ngoài các tour ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long, du lịch Quảng Ninh đang bỏ trống một khoảng lớn về dịch vụ thương mại, giải trí, tham quan ban đêm do chưa có nhiều sản phẩm và bị hạn chế bởi quy định của pháp luật.
Kinh tế ban đêm vẫn hoạt động kiểu nhỏ lẻ, manh mún, ít có sự đầu tư bài bản, chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn. Quảng Ninh hiện cũng đang thiếu các trung tâm, các điểm vui chơi giải trí về đêm quy mô lớn.
Phát triển kinh tế đêm tại Quảng Ninh, nhất là thành phố Hạ Long sẽ là xu thế tất yếu, bởi một thành phố năng động, đông khách du lịch quốc tế, không thể thiếu các không gian khám phá, tham quan, mua sắm và giải trí về đêm. Người tiêu dùng hiện nay, luôn coi các hoạt động chi tiêu vào ban đêm, như một xu hướng đậm gu thời thượng, thu hút nhiều người, nhất là giới trẻ hưởng ứng tham gia.
Kinh tế đêm xuất phát từ nhu cầu việc làm, tăng ca, giờ của người lao động để tăng thu nhập. Trong bối cảnh Hạ Long đang được chỉnh trang và rực rỡ hơn nhiều về đêm, khả năng cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, thương hiệu và chất lượng không ngừng nâng cao của các doanh nghiệp và hộ cá thể, giao thông đi lại thuận tiện, ánh sáng đẹp, đồng bộ. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng, điều kiện cần và đủ để Quảng Ninh phát triển ngành kinh tế đêm.
Dựa vào các nguồn cung sẵn có, với sự tham gia của các nhà đầu tư, thành phố cần quy hoạch các khu dịch vụ tập trung, theo từng chủ đề, các khu vực trên cần có sự liên kết, giao thoa, có tính trọng điểm và quy mô.
Điển hình như dựa vào thư viện, rạp chiếu phim, quảng trường, công viên, điểm biểu diễn, cảnh đêm các con đường ven biển, khuyến khích các công viên, điểm tham quan kéo dài thời gian mở cửa, để phát triển sản phẩm giải trí, tham quan du lịch, khám phá về đêm. Dựa vào trường học, khu dân cư đông đúc, kéo dài thời gian mở cửa của các trung tâm, phố thương mại, thu hút thương hiệu kinh doanh 24h, tạo ra chuỗi sản phẩm mua sắm và ẩm thực, thu hút người dân và du khách đến tham quan và chi tiêu.
Khu đô thị Phương Đông được ví như “thành phố không ngủ”, biểu tượng giải trí về đêm mới ở Quảng Ninh. (Nguồn: BQN)
Nỗ lực “kích hoạt” kinh tế ban đêm
Theo thống kê của ngành du lịch Quảng Ninh, tỉnh đã có nhiều loại hình dịch vụ về đêm để phục vụ du khách như: Chợ đêm; phố đi bộ, các show diễn; các bar, vũ trường, sky bar nhạc sống đường phố; các tuyến phố chuyên doanh; các hoạt động văn hóa, sự kiện tại các địa phương; các điểm nhấn kiến trúc để tham quan check-in buổi tối…
Không chỉ thế, Quảng Ninh có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm do có nhiều tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú, đặc biệt có Vịnh Hạ Long đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách quốc tế. Hệ thống hạ tầng đang hoàn thiện theo hướng hiện đại. Nền văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao; môi trường dần được cải thiện và thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu;…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng khẳng định, hoạt động kinh doanh cả đêm sẽ tăng việc làm và thu nhập cho các tổ chức kinh tế, người lao động, đồng thời làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tăng công suất hữu dụng cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải…
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế ban đêm một cách hiệu quả, cần phát triển theo trọng điểm và lựa chọn các khu vực, địa điểm và những lĩnh vực có đủ điều kiện phát triển. Do đó cần có quy hoạch bài bản và một nghiên cứu nghiêm túc.
Bên cạnh những thuận lợi, Quảng Ninh vẫn còn tồn tại một số thách thức để phát triển kinh tế ban đêm như chưa có hành lang pháp lý về kinh tế ban đêm; hạ tầng còn thiếu; vệ sinh đô thị có nơi còn chưa đạt chuẩn, an toàn thực phẩm chưa đảm bảo và dịch vụ chưa chuyên nghiệp. Cùng với đó, còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn, an ninh trật tự và các vấn đề tệ nạn xã hội xảy ra vào ban đêm tại những nơi có nhiều khách du lịch như: Mại dâm, ma túy, đánh bạc, trộm cướp, đồng thời nảy sinh các băng đảng xã hội đen xung đột, tranh giành địa bàn…
Theo đó, thời gian tới, Quảng Ninh tích cực thu hút các cơ sở kinh doanh, các nhà đầu tư và tổ chức tham gia vào các hoạt động này một cách bài bản, hiện đại, mặt khác đề xuất Trung ương, các bộ, ngành tháo gỡ các quy định đang là rào cản cho phát triển kinh tế ban đêm như: Ban hành quy định lĩnh vực, khu vực, địa bàn được kinh doanh ban đêm, khung giờ hoạt động kinh doanh ban đêm…
Đồng thời có các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh ban đêm, như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để đảm bảo tiêu chuẩn hoạt động; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn nguồn nhân lực từng ngành nghề để đảm bảo yêu cầu phục vụ khách.