Thắp sáng niềm tin vào Đảng, Bác Hồ
Trong hành trình đến bản, làng vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, có đi chúng tôi mới thấy, văn hóa mỗi cộng đồng dân tộc đều có nét đặc trưng và những nghệ nhân - 'linh hồn' của bản - chính là người giữ và truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác, giương cao ngọn cờ 'Thi đua ái quốc', thắp sáng niềm tin vào Đảng, Bác Hồ.
Giương cao ngọn cờ “thi đua ái quốc”
Chúng tôi theo bước chân những nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, những “cây đại thụ” ở bao rẻo cao để thấy rõ những công việc thầm lặng, sự cống hiến của họ cho bản làng. Hành trình dạy chữ Mông của thầy giáo, nghệ nhân Hoàng Chúng, những bước chân ngược non của nghệ nhân Chảo Sành Nhàn, sự trăn trở của thầy Then Đào Thị Chằn hay bàn tay hằn vết chai sạn nhưng chẳng khi nào hết đam mê với nghề truyền thống của ông lão Ly Hờ Suy mà chúng tôi gặp gỡ, tất cả đều bắt nguồn từ tình yêu, mong muốn đóng góp cho quê hương, cho cộng đồng.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Chúng chia sẻ: Thế hệ chúng tôi lớn lên đã được nghe “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Bác Hồ, lấy đó là động lực để cống hiến công sức, tuổi trẻ cho quê hương. Trong lời kêu gọi ấy, Bác Hồ nói rõ: Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên mọi mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”; các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc; các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn; đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp; đồng bào công nông thi đua sản xuất; đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh… Nay tuổi đã cao, tôi vẫn khắc ghi lời Bác dạy, giữ mình là tấm gương trong mỗi việc làm để con cháu noi theo.
Không chỉ các nghệ nhân Hoàng Chúng, Chảo Sành Nhàn, Đào Thị Chằn, Ly Hờ Suy, mà còn rất nhiều tấm gương khác trên vùng cao Lào Cai cũng đáng được tuyên dương trong phong trào thi đua ái quốc, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là câu chuyện về nghệ nhân Tẩn Vần Siệu ở xã Tả Phìn (Sa Pa) truyền dạy chữ Nôm Dao cho hàng trăm học trò khắp nơi; nghệ nhân Vàng Sín Phìn ở xã Nàn Sán (Si Ma Cai) một đời gìn giữ, lưu truyền dân ca dân tộc Thu Lao, dịch dân ca ra chữ Bác Hồ; các nghệ nhân Lâm Văn Lù, Lâm Văn Sủn, Lâm Văn Vương, Vàng Thị Tiều… ở xã Tà Chải (Bắc Hà) nay tuổi đã “gần đất xa trời” vẫn miệt mài truyền dạy điệu xòe dân tộc Tày cho thế hệ trẻ; nghệ nhân Hoàng Văn Thụy ở xã Vĩnh Yên (Bảo Yên) vừa sáng tác bài hát khắp nôm ca ngợi Đảng, Bác Hồ, vừa dạy điệu khắp nôm cho học sinh nghèo; chuyện các ông Tráng A Vu ở xã Tả Van Chư, Lý Xuân Diu ở xã Bản Phố (Bắc Hà), người dân tộc Mông, tuổi cao nhưng luôn động viên con cháu học tập, trở thành những dòng họ hiếu học tiêu biểu của cả nước… Và còn hàng chục, hàng trăm tấm gương khác nữa. Chính họ là những tấm gương sáng trong việc làm theo lời Bác Hồ dạy, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Tạo sức lan tỏa việc học Bác
Là người gắn bó, in dấu chân ở bao rẻo cao của Lào Cai để nghiên cứu về công tác văn hóa, Tiến sỹ Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 19 nghệ nhân ưu tú, một vài người trong số đó là nghệ nhân dân gian. Ngoài ra, những người có uy tín, am hiểu văn hóa, nghề truyền thống của một cộng đồng dân tộc mà người ta hay gọi nôm na là nghệ nhân thì dường như thôn, bản nào cũng có. Từ họ, những vốn tri thức của cộng đồng mới được gìn giữ và trao truyền đến hôm nay. Điều này càng có ý nghĩa khi xu hướng hội nhập hóa, toàn cầu hóa và sự phát triển của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo tồn nghề truyền thống, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Thời gian qua, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa rộng khắp, trở thành việc làm thường xuyên và liên tục ở các cấp, ngành, đơn vị và cộng đồng xã hội, những nghệ nhân, người có uy tín cũng tích cực tham gia. Nhiều nghệ nhân, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã chọn cho mình những cách riêng để học và làm theo Bác. Trong số những nghệ nhân chúng tôi gặp, thấm nhuần tư tưởng của Bác “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, “cái gốc của văn hóa mới là dân tộc”, họ đều nỗ lực góp sức xây dựng quê hương ấm no, bảo tồn bản sắc văn hóa, động viên đồng bào vươn lên. Từ những việc làm gương mẫu, đi đầu của những già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín sẽ khích lệ ý thức tự giác, vươn lên của cộng đồng, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.309 người có uy tín. Họ có thể là người nhiều tuổi, ít tuổi, được suy tôn, đại diện cho tiếng nói của một cộng đồng dân tộc. Họ là cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân, đồng thời kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tới các cấp, các ngành, thực hiện tốt phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Qua thực tế triển khai, đã có nhiều cách làm hay của những người có uy tín trong công tác vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, bài trừ hủ tục.
Giữ vững vai trò người có uy tín
Nhận thức được tầm quan trọng về vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, thời gian qua, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín luôn được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Qua đó, kịp thời động viên, khuyến khích người có uy tín phát huy khả năng trong việc vận động, tuyên truyền đồng bào chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Hằng năm, các cấp, các địa phương đều tổ chức cung cấp thông tin cho người có uy tín; tổ chức trao đổi, đối thoại với người có uy tín. Mỗi năm, UBND tỉnh đều tổ chức biểu dương, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu; các huyện, thành phố cũng biểu dương người có uy tín để ghi nhận sự cống hiến, tạo động lực để họ tiếp tục thi đua, phát huy vai trò đối với cộng đồng.
Đối với những người có uy tín là những nghệ nhân, dưới góc độ của ngành văn hóa, sự quan tâm được thể hiện ở việc đề cao vai trò nòng cốt của họ trong triển khai các chương trình, đề án. Ngành cũng tích cực rà soát, lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân dân gian”. Tháng 3/2019, tỉnh có 10 nghệ nhân người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đại diện cộng đồng các dân tộc Mông, Dao, Nùng, Tày, Giáy, nâng tổng số “Nghệ nhân ưu tú” toàn tỉnh lên 19 nghệ nhân. Tuy rằng các chế độ, chính sách hỗ trợ các nghệ nhân hiện nay vẫn còn hạn chế, nhưng với tinh thần, trách nhiệm cao, họ vẫn ngày đêm cống hiến cho cộng đồng, xã hội.
Khép lại bài viết này, chúng tôi muốn dành cho mỗi nghệ nhân, người có uy tín nơi các bản làng vùng cao của tỉnh sự trân trọng và biết ơn sâu sắc. Mỗi nghệ nhân, người có uy tín đều chọn cho mình một cách riêng để học và làm theo Bác. Họ là những tấm gương để đồng bào ở các thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số học tập và noi theo.