Thấp thỏm với 'tàu siêu tốc' giá cổ phiếu THD của Thaiholdings

Cổ phiếu THD của Công ty cổ phần Thaiholdings vẫn tăng giá khiến cho giới đầu tư tiếp tục thấp thỏm về hành trình con 'tàu siêu tốc' này. Trong khi đó, lợi nhuận chủ yếu đến từ 'thu nhập khác' cho thấy không có sự chắc chắn gì trong tương lai.

Lĩnh vực kinh doanh của Thaiholdings là thương mại dịch vụ, nhưng lợi nhuận thời gian gần đây chủ yếu đến từ chuyển nhượng dự án. Ảnh: T.L.

Lĩnh vực kinh doanh của Thaiholdings là thương mại dịch vụ, nhưng lợi nhuận thời gian gần đây chủ yếu đến từ chuyển nhượng dự án. Ảnh: T.L.

Tàu siêu tốc về tăng giá

THD dù chỉ mới lên sàn khoảng hơn 1 năm nay, nhưng từ khi lên sàn đến nay, cổ phiếu này luôn là tâm điểm chú ý của giới đầu tư do chu kỳ giá chủ yếu là đi lên, thậm chí có giai đoạn giá tăng “dựng đứng”.

Niêm yết từ tháng 6/2020 với giá khởi điểm tại thời điểm niêm yết chỉ là 15.000 đồng/cổ phiếu (sau điều chỉnh tương ứng chỉ là 3.268 đồng/cổ phiếu), đến nay, thị giá cổ phiếu này đã tăng lên tới mức giá 214.000 đồng/cổ phiếu.

Trong đó, giai đoạn tăng giá thần tốc nhất của cổ phiếu THD có thể kể đến là giai đoạn từ cuối năm 2020 và kéo dài trong 2 tháng đầu năm 2021. Nếu như vào giữa tháng 11/2020, cổ phiếu THD chỉ ở mặt bằng giá khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu thì đến cuối tháng 2, con tàu siêu tốc này đã tiệm cận mốc 200.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này chỉ điều chỉnh rất nhẹ trong giai đoạn từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 5/2021, nhưng sau đó lại tăng trở lại và chinh phục mức giá 214.000 đồng/cổ phiếu.

Thời điểm thị giá của THD tăng dựng đứng giai đoạn cuối 2020, đầu 2021 cũng là giai đoạn doanh nghiệp này thực hiện đợt tăng vốn đầu tiên kể từ khi lên sàn. Khi đó, Thaiholdings thực hiện phát hành hơn 296 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với số tiền huy động 2.961 tỷ đồng.

Tàu siêu tốc về tăng vốn

Đợt tăng vốn đầu năm 2021 của Thaiholdings có thể coi là một bước ngoặt lớn về quy mô của doanh nghiệp này. Khi mới lên sàn, tổng số cổ phiếu lưu hành của công ty chỉ ở mức 53,9 triệu cổ phiếu, theo đó, đợt phát hành đã giúp cho Thaiholdings lớn nhanh như thổi. Sau khi tăng vốn, quy mô vốn điều lệ của Thaiholdings đã đạt 3.500 tỷ đồng, cao gấp gần 7 lần so với thời điểm mới niêm yết.

Ngay cả trước đợt phát hành, quá trình góp vốn và thực tế kinh doanh của Thaiholdings cũng thể hiện những diễn biến phức tạp.

Về lịch sử, Thaiholdings được thành lập từ năm 2011 với tên gọi đầu tiên là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Kinh Thành. Thời gian các cổ đông góp đủ vốn theo đăng ký vốn điều lệ kéo dài tới 8 năm.

Tại thời điểm ban đầu khi mới thành lập, công ty đăng ký vốn điều lệ là 389 tỷ đồng, nhưng các cổ đông chỉ góp vào công ty số tiền gần 137 tỷ đồng. Số tiền thực góp theo đó chỉ bằng khoảng 1/3 so với vốn điều lệ đăng ký của Công ty là 389 tỷ đồng. Chỉ đến tận quý II/2019, các cổ đông mới góp nốt số tiền còn thiếu (hơn 252 tỷ đồng). Sau khi góp đủ vốn, Công ty thực hiện tăng vốn điều lệ lên 539 tỷ đồng theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đến đầu năm 2021, tức chỉ vài tháng trước khi niêm yết, Thaiholdings mới chính thức trở thành công ty đại chúng.

Tại báo cáo tài chính năm 2019 đã kiểm toán – năm liền trước năm niêm yết - Thaihodings có vốn điều lệ 539 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 604,2 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty là 850,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản có giá trị lớn nhất là đầu tư tài chính dài hạn với 637,5 tỷ đồng. Một nhóm tài sản có vẻ có giá trị cao là các khoản phải thu ngắn hạn là 169 tỷ đồng, nhưng phần lớn là phải thu liên quan đến 1 đối tác là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Sunrise. Các tài sản cơ bản khác hầu như không đáng kể: Tài sản cố định là 3,6 tỷ đồng, hàng tồn kho không có…

Đến cuối quý II/2020, Công ty bắt đầu có “tí chút” hàng tồn kho trị giá gần 3,6 tỷ đồng, tài sản cố định giảm xuống còn hơn 3,3 tỷ đồng. Sau khi lên sàn niêm yết, hàng tồn kho của Thaiholdings mới bắt đầu tăng đạt mức 119 tỷ đồng. Sau đợt tăng vốn khủng đầu năm 2021, hàng tồn kho cũng vẫn không tăng đáng kể so với cuối năm 2020, đạt giá trị 129 tỷ đồng tại ngày 30/6/2021.

Phép màu từ “lợi nhuận khác”

Sau khi niêm yết và đặc biệt giai đoạn trước và sau phát hành, Thaiholdings gây choáng váng thị trường với các con số tăng trưởng doanh thu vào lợi nhuận thần tốc.

Doanh thu thuần của công ty này năm 2020 đạt tới 1.821 tỷ đồng, tăng trưởng tới 140% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 1.093 tỷ đồng, tăng trưởng 2.201% so với năm trước.

6 tháng đầu năm 2021, sau khi đợt phát hành đã hoàn tất, Thaiholdings cũng ghi nhận doanh thu thuần lên tới 3.084 tỷ đồng, tăng trưởng 558% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 397 tỷ đồng, tăng trưởng 2.908% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trong giai đoạn 2020 và nửa đầu 2021 đều ghi nhận những con số siêu tốc là vậy, nhưng các khoản lợi nhuận này không phải có được từ các hoạt động kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp mà chủ yếu nhờ sự đóng góp bởi các khoản “thu nhập khác” và “lợi nhuận khác”.

Tại báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn bị âm 59 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản “lợi nhuận khác” giá trị 610 tỷ đồng đã cứu lợi nhuận cho Thaiholdings trong giai đoạn này.

Trong quý II/2021, khoản thu nhập khác đáng chú ý là khoản thu nhập 109 tỷ đồng từ chuyển nhượng Dự án nhà máy xi măng Minh Tâm. Trước đó trong quý I/2021, Thaiholdings cũng có khoản thu nhập khác 571 tỷ đồng cũng từ việc chuyển nhượng Dự án nhà máy xi măng Minh Tâm.

Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty chỉ đạt 142 tỷ đồng, nhưng trong năm này công ty có khoản lợi nhuận khác lên tới 1.135 tỷ đồng. 2 thương vụ đóng góp đáng kể nhất cho các khoản thu nhập khác trong năm 2020 là khoảng 332 tỷ đồng thu nhập từ chuyển nhượng Dự án nhà máy xi măng Thạch Mỹ và khoảng 863 tỷ đồng thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định Nhà máy xi măng Thạch Mỹ.

Số liệu tài chính cơ bản của Thaiholdings trong mấy năm qua (tỷ đồng)

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2021-08-18/thap-thom-voi-tau-sieu-toc-gia-co-phieu-thd-cua-thaiholdings-109524.aspx