Thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam qua thừa nhận của người Mỹ

Gerald Ford – vị Tổng thống Mỹ cuối cùng có liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam cũng ngậm ngùi chấp nhận rằng: 'Mỹ đã thất bại nghiêm trọng ở Đông Dương. Tình hình Nam Việt Nam là một thảm họa với những mức độ không thể tưởng tượng được'.

Một thảm họa không thể tưởng tượng được

Tổng thống Mỹ thứ 36 Lyndon B. Johnson - người khởi động chiến lược "chiến tranh cục bộ" đưa quân viễn chinh Mỹ và quân một số nước đồng minh tham chiến ở miền Nam Việt Nam, đồng thời tiến công đánh phá miền Bắc, cũng chính là người phải ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam, trước khi rời ghế Nhà Trắng đã phải thú nhận: “Kết thúc năm 1968, sau nhiều năm điều hành cuộc chiến tranh gay cấn nhất ở Việt Nam, tôi thực sự không tin mình có thể sống sót nếu ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa. Vì tình hình đen tối của chúng ta ở Việt Nam đã làm cho tôi phải căng thẳng suốt 1.886 đêm, ít khi được ngủ trước 2 giờ sáng”.

 Tổng thống thứ 36 của Mỹ Lyndon B. Johnson. Ảnh tư liệu

Tổng thống thứ 36 của Mỹ Lyndon B. Johnson. Ảnh tư liệu

Còn Gerald Ford – vị Tổng thống Mỹ cuối cùng có liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam cũng ngậm ngùi chấp nhận rằng: Mỹ đã thất bại nghiêm trọng ở Đông Dương. Tình hình Nam Việt Nam là một thảm họa với những mức độ không thể tưởng tượng được”.

Henry Kissinger - người từng đảm nhiệm hai cương vị quan trọng là Bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ USIS ngày 19-5-1975 cũng thừa nhận rằng: “Cuộc rút lui lịch sử (thực ra là tháo chạy) khỏi Việt Nam của một đại cường quốc như Mỹ không thể không đặt ra một số câu hỏi gây ảnh hưởng có hại cho địa vị của Mỹ trên thế giới”.

“Chiến tranh ở Việt Nam là sai lầm lớn nhất của đời tôi”

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, người được coi là “kiến trúc sư trưởng” của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, trong bài viết đăng trên tờ Sunday Time ra ngày 21-3-2004 khi hồi tưởng về cuộc chiến tranh ở Việt Nam thừa nhận rằng, nước Mỹ đã không đánh giá hết tinh thần chiến đấu của quân dân miền Bắc Việt Nam. Diễn biến chiến trường không theo đúng ý định của ông. Trong bộ phim The Fog of War (phim đoạt giải Oscar năm 2004), ông cũng đã nói rằng: Chiến tranh ở Việt Nam là sai lầm lớn nhất của đời tôi”.

Còn tướng Hamilton H. Howze - người từng giữ chức Tư lệnh tập đoàn số 8, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân đội Liên hợp quốc tại Nam Triều Tiên, được lục quân Mỹ coi là cha đẻ của chiến thuật cơ động đường không thẳng thắn chỉ ra rằng Mỹ đã phải hứng chịu một đòn rất nặng nề tại Việt Nam,cũng như chịu thất bại hoàn toàn. Trong bài viết đăng trên Tạp chí Lục quân Mỹ tháng 7 năm 1975, ông thú nhận rằng: “Cơn ác mộng (chiến tranh ở Việt Nam) đã chấm dứt và những chính khách xưa nay thường thừa nước đục thả câu, đang lên tiếng dạy đời về toàn bộ cuộc đảo lộn khủng khiếp này (thất bại hoàn toàn ở Việt Nam)”.

Nhân dân Sài Gòn nổi dậy cùng Quân giải phóng làm chủ thành phố ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Nhân dân Sài Gòn nổi dậy cùng Quân giải phóng làm chủ thành phố ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Tướng William Westmoreland, cựu Tổng chỉ huy các lực lượng Mỹ ở miền Nam đã chia sẻ trên tờ Thời báo của Mỹ ra ngày 12-5-1975 như sau: “Thật là đau đớn nhưng cũng không đáng ngạc nhiên. Tôi đã trải qua nỗi thống khổ của việc chứng kiến Việt Nam cứ suy sụp dần từng bước. Phải nói rằng quá trình này diễn ra mau chóng hơn là tôi tưởng... Chúng ta đã thất bại”.

Những năm tham gia chiến tranh ở Việt Nam được cho là một thời kỳ tụt lùi và tự cô lập của Mỹ, nói như James Rodney Schlesinger, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:“Đây là một bước thụt lùi hết sức nghiêm trọng đối với Mỹ, một thất bại có tầm lịch sử và bi đát (7-4-1975)”.

BẢO HÂN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/that-bai-cua-my-trong-cuoc-chien-tranh-o-viet-nam-qua-thua-nhan-cua-nguoi-my-825015