'Thất bại của tiêm kích F-35B ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nước Mỹ'
Sự việc xảy ra mới đây với tiêm kích F-35B đã khiến giới chức quân sự Mỹ cảm thấy vô cùng lo lắng.
Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ hôm 30/12/2022 thông báo tạm dừng các chuyến bay nghiệm thu và bàn giao tiêm kích F-35 mới, trong bối cảnh đang phải tiến hành cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn đối với phiên bản F-35B ở Texas.
“Chúng tôi đã đi đúng hướng trong việc đáp ứng nghĩa vụ giao hàng của mình trước khi xảy ra vụ tai nạn với chiếc F-35B vào ngày 15 tháng 12. Với việc tạm dừng bàn giao, con số máy bay tới tay khách hàng trong năm nay là 141 chiếc”, bà Laura Siebert - phát ngôn viên của Lockheed Martin cho biết.
Cũng trong ngày 30/12/2022, Lầu Năm Góc thông báo Lockheed Martin đã hoàn tất hợp đồng trị giá tới 30 tỷ USD nhằm cung cấp 398 máy bay chiến đấu F-35 cho Bộ Quốc phòng Mỹ và khách hàng quốc tế.
Trong số những người mua có Bỉ, Phần Lan và Ba Lan. Do các yêu cầu an toàn tăng lên, công ty phải xem xét lại toàn bộ những chuyến bay nghiệm thu sau vụ tai nạn vào ngày 15/12/2022.
Trong gia đình máy bay chiến đấu F-35 Lightning II, phiên bản F-35A có cấu hình cơ bản, trong khi F-35B thực hiện được chức năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, trong khi F-35C là một sửa đổi để triển khai trên tàu sân bay.
Ông Yuri Sytnik - Phi công quân sự danh dự, thành viên hội đồng "Các sĩ quan của Nga" trong cuộc trò chuyện với tờ PolitExpert (PE) đã nói: "Thất bại có thể xảy ra trong ngành công nghiệp hàng không của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ. Tuy nhiên máy bay chiến đấu có vấn đề hoặc sẽ bị ngừng sản xuất, hoặc phải cố gắng đưa vào trạng thái làm việc hiệu quả".
“Bất kỳ máy bay mới nào cũng có rất nhiều thiếu sót cần được cải thiện trong quá trình thử nghiệm. Khi một số lượng hạn chế, có thể là 10, 15, 20 chiếc được đưa vào hoạt động, các công nghệ sản xuất sẽ được nghiên cứu trên chúng, khả năng bảo trì cùng với thời gian làm việc sẽ được kiểm tra, không thể ngay lập tức sản xuất hàng loạt”, người đối thoại của tờ PE nhấn mạnh.
Theo phi công Nga, người Mỹ bị ám ảnh bởi thất bại. Washington đã đầu tư rất nhiều tiền vào việc quảng cáo F-35, họ nói rằng máy bay này là "siêu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm".
"Nhưng bản thân công nghệ cho thấy cần phải trau chuốt, đầu tư thêm vài tỷ USD nữa để mẫu máy bay này trở thành siêu tiêm kích, giống như Nga đã từng làm ra Su-27 cũng như các biến thể bắt nguồn từ nó: Su-30, Su-34, Su-35".
"Flanker là một loại máy bay chiến đấu rất thành công. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận với MiG-29, chiếc tiêm kích này đang được hiện đại hóa một cách hiệu quả", ông Sytnyk bày tỏ quan điểm của mình.
Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ bị nhận xét có những lỗ hổng không chỉ trong ngành hàng không. Người đối thoại của tờ PE lưu ý rằng trong quá trình sản xuất tàu mặt nước và tàu ngầm, các chuyên gia Mỹ mắc rất nhiều lỗi.
“Nếu họ đình chỉ hoàn toàn việc bán F-35 và tiếp tục cải tiến nó, Washington có thể tung ra một bản hoàn thiện trong vòng 3 đến 5 năm. Việc ngừng giao hàng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của máy bay Mỹ, từ đó các quốc gia không phụ thuộc vào Washington sẽ đưa ra quyết định lựa chọn chiến đấu cơ từ Liên bang Nga, Trung Quốc và Pháp”, phi công Sytnik kết luận.
Theo PolitExpert