Thất bại hàng không lớn nhất của Mỹ: Khai tử máy bay ném bom tàng hình A-12

Hải quân Mỹ đã lên ý tưởng phát triển máy bay ném bom tàng hình A-12 Avenger-II cất cánh từ tàu sân bay, nhưng sau đó phải khai tử máy bay này vì nhiều rào cản.

Rất lâu trước khi máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35C đi vào hoạt động, Hải quân Mỹ đã lên ý tưởng về một máy bay ném bom tàng hình cất cánh từ tàu sân bay - máy bay A-12 Avenger-II.

Theo trang tin The EurAsian Times, trong những năm 1980, Hải quân Mỹ lên ý tưởng về loại máy bay này nhằm thay thế cường kích tầm xa có thể bay thấp A-6 ‘Intruder’ theo chương trình Máy bay chiến thuật hiện đại (ATA).

Ý tưởng thiết kế máy bay ném bom tàng hình A-12 Avenger II. Ảnh: USNI

Ý tưởng thiết kế máy bay ném bom tàng hình A-12 Avenger II. Ảnh: USNI

Công ty sản xuất hàng không vũ trụ McDonnell Douglas (hiện đã sáp nhập Boeing) đã hợp tác với tập đoàn hàng không và quốc phòng General Dynamics để phát triển A-12 Avenger-II, một máy bay ném bom cận âm có thiết kế thân cánh liền khối, nhìn bề ngoài trông như chiếc B-2 Spirit thu nhỏ.

Quân đội Mỹ khi đó đang dẫn đầu thế giới với sự hội nhập của công nghệ tàng hình và máy bay ném bom A-12 sẽ là một trong những kết quả đầu tiên của việc sử dụng thành công tính năng tàng hình trong máy bay ném bom tấn công. Tuy nhiên, chương trình đã gặp nhiều rào cản.

Tính năng nổi bật

Theo Viện Hải quân Mỹ, máy bay ném bom A-12 Avenger-II có tốc độ lớn hơn A-6 Intruder.

Với tốc độ tối đa 930 km/giờ và tầm hoạt động 1.500 km, A-12 Avenger-II có thể mang hai tên lửa không đối không và hai tên lửa không đối đất như AIM-120 AMRAAM cùng với bom không dẫn đường và bom dẫn đường chính xác.

Một số báo cáo cho hay A-12 có khả năng mang vũ khí hạt nhân cất trữ trong khoang vũ khí bên trong máy bay.

A-12 Avenger-II có thân tương đối nhỏ và bề mặt đuôi cực tiểu, giúp giảm đáng kể lực cản. Động cơ được sử dụng trong chiếc máy bay tàng hình này là động cơ phản lực cánh quạt đẩy General Electric F412 GE-D5F2.

Kết hợp khả năng tàng hình và sự linh hoạt trong các hoạt động của tàu sân bay, A-12 hứa hẹn một khả năng tấn công sâu tuyệt vời, theo chuyên san quân sự National Interest.

Với triển vọng đầy hứa hẹn như vậy, Hải quân Mỹ đã có lên kế hoạch mua 610 máy bay và Thủy quân lục chiến Mỹ mua 238 chiếc. Thậm chí Không quân Mỹ có ý định thay thế phi đội máy bay ném bom F-111 Aardvark bằng 400 chiếc A-12.

Đã xảy ra chuyện gì với A-12?

Chuyến bay đầu tiên của A-12 ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 12-1990. Sau nhiều lần trì hoãn, việc xem xét thiết kế quan trọng của máy bay đã kết thúc thành công vào tháng 10-1990 và chuyến bay đầu tiên được dời sang đầu năm 1992.

Tiêm kích F-35C của Hải quân Mỹ trên thực tế được coi là sự kế thừa của A-12. Ảnh: Pinterest

Tiêm kích F-35C của Hải quân Mỹ trên thực tế được coi là sự kế thừa của A-12. Ảnh: Pinterest

Tuy nhiên, năm 1990, một báo cáo của chính phủ Mỹ đã xác định các vấn đề lớn xảy ra với chương trình. Lớp phủ tàng hình trở nên khó tích hợp vì những điều chỉnh đã làm gia tăng đáng kể trọng lượng của A-12.

Theo Viện Hải quân Mỹ, chi phí sản xuất máy bay ước tính 96 triệu USD và chương trình đã vượt quá ngân sách và chậm tiến độ 18 tháng.

Sau khi trao cho Hải quân Mỹ cơ hội bảo vệ chương trình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Dick Cheney đã hủy việc phát triển thêm A-12 Avenger-II vào tháng 1-1991.

Những lý do đằng sau sự hủy bỏ chương trình này vẫn còn đang được tranh luận trong giới quốc phòng Mỹ. Một số người tin rằng A-12 Avenger-II đã bước vào chu kỳ thiết kế và sản xuất ngay khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Trước tình hình ngân sách quốc phòng eo hẹp, ông Cheney đã quyết định khai tử A-12 để ủng hộ các chương trình ít rủi ro hơn.

Điều thú vị là hai nhà thầu McDonnell Doughlas (sáp nhập vào Boeing năm 1997) và General Dynamics đã bị yêu cầu hoàn trả cho Hải quân Mỹ 2 tỉ USD số tiền đã chi cho việc thiết kế và phát triển mẫu máy bay ném bom thất bại này.

Tuy nhiên, hai nhà thầu trên đã lôi Bộ Quốc phòng Mỹ ra tòa vì vi phạm hợp đồng và hành xử tùy tiện khiến chương trình bị hủy.

Sau nhiều năm tranh chấp, vụ án cuối cùng cũng khép lại vào năm 2014 với việc Boeing và General Dynamics đồng ý mỗi bên bồi thường 200 triệu USD cho Hải quân Mỹ.

Cuối cùng, Hải quân Mỹ đã chấp nhận rằng các biến thể nâng cấp của F-18 Hornet và A-6 Intruder không bao giờ tìm thấy sự thay thế xứng đáng. Việc hủy bỏ chương trình A-12 Avenger II được coi là sự chấm dứt dự án lớn nhất trong lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Di sản của A-12

Người ta tin rằng máy bay ném bom tàng hình A-12 là một trong những đổi mới tiên tiến nhất của quân đội Mỹ vào thế kỷ đó.

Mô hình nguyên cỡ A-12 đã được tiết lộ trước công chúng tại Căn cứ Dự bị chung của Trạm Không quân Hải quân Fort Worth vào tháng 6-1996 và sau đó được vận chuyển tới công viên tưởng niệm cựu chiến binh gần sân bay Meacham ở phía bắc TP Fort Worth (bang Texas, Mỹ) hồi tháng 6-2013.

Tiêm kích F-35C của Hải quân Mỹ. Ảnh: The Eur AsianTimes

Tiêm kích F-35C của Hải quân Mỹ. Ảnh: The Eur AsianTimes

Cuộc tranh cãi về việc hủy bỏ chương trình A-12 trở nên nổi tiếng tới mức nhà sử học hàng không James P. Stevenson đã viết cuốn sách The $5 Billion Misunderstanding: The Collapse of the Navy’s A-12 Stealth Bomber Program (tạm dịch Sự hiểu lầm 5 tỉ USD: Sự sụp đổ của chương trình máy bay ném bom tàng hình A-12 của Hải quân).

Mặc dù A-12 đã không thể cất cánh nhưng nó đã đem lại nhiều bài học cho những máy bay tàng hình thế hệ tương lai trong Hải quân Mỹ.

Tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35C do nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin sản xuất trên thực tế được coi là sự kế thừa của A-12 cả về vai trò lẫn nguồn gốc công nghiệp.

F-35C trở thành nền tảng hàng không hoạt động trên tàu sân bay bay tầm thấp đầu tiên của Hải quân Mỹ, được lên kế hoạch thay thế F-18 Hornet làm chiến cơ tấn công chủ lực của nhóm tác chiến tàu sân bay để phòng không và hỗ trợ không lực tầm gần.

Không quân Mỹ đang nghiên cứu phát triển máy bay ném bom thế hệ kế tiếp – dự án gần giống A-12 về bản chất và tinh thần.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/quan-su/that-bai-hang-khong-lon-nhat-cua-my-khai-tu-may-bay-nem-bom-tang-hinh-a12-1006910.html