Thất bại tồi tệ nhất của tình báo Mỹ cách đây 30 năm
Hơn 30 năm trước, lòng tham của một người Mỹ đã khiến mạng lưới thông tin của cơ quan tình báo hùng mạnh nhất thế giới CIA (Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ) gần như bị phá hủy. Đó là Aldrich Ames - người sau đó bị kết tội phản quốc vì đã bán thông tin để đổi cuộc sống xa hoa cho vợ mình. Vậy vụ việc được đưa ra ánh sáng như thế nào?
Liên tục thăng tiến
Aldrich Ames sinh năm 1941 tại bang Wisconsin, Mỹ. Cha của ông là nhân viên hành chính tại CIA và đó là lý do tại sao Ames cũng bắt đầu làm việc bán thời gian cho cơ quan này từ năm 16 tuổi. Ames thích nghiên cứu các nền văn hóa và diễn xuất. Nhưng việc học hành tại Đại học Chicago hay nỗ lực tìm việc làm tại các rạp hát địa phương của Ames đều không thành công. Ông ta sau đó hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo chuyên nghiệp và trở thành đặc vụ CIA.
Năm 1969, Ames được cử đến Thổ Nhĩ Kỳ để tuyển dụng người cung cấp thông tin. Sau 3 năm, người đàn ông này thuyên chuyển về Mỹ, được giao công việc phân tích và hành chính tại trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia. Ông ta bắt đầu làm việc tại Cơ quan nghiên cứu Liên Xô - Đông Âu, học tiếng Nga, có một số thành tích và được thăng chức. Giai đoạn này, Ames có phần bất cẩn trong vấn đề an ninh. Một ngày nọ, khi đi gặp một người cung cấp thông tin, ông ta để quên một chiếc cặp đựng tài liệu mật trong một toa xe điện ngầm. Chiếc cặp sau đó đã được lấy lại, nhưng không biết liệu có ai đã xem bên trong hay không. Tuy nhiên, sự cố này không cản trở sự phát triển sự nghiệp của Ames và năm 1981 ông ta được cử đến Mexico. Chuyến công tác này là khoảng thời gian đầy biến cố. Ông ta uống rượu nhiều, thậm chí còn cãi nhau với một quan chức Cuba và lừa dối vợ mình (người cũng làm việc cho CIA) khi có quan hệ bất chính với Maria del Rosario - Tùy viên Văn hóa của Đại sứ quán Colombia tại Mexico.
Bất chấp việc Aldrich Ames vi phạm quy định, ông ta vẫn được đánh giá cao về kỹ năng phân tích và tinh thần sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ mà người khác không làm. Năm 1983, ông ta được chuyển đến Cơ quan phản gián. Ở đó, Ames có quyền truy cập vào thông tin hoạt động của CIA chống lại tình báo Liên Xô, trong đó có tên của những người cung cấp thông tin.
Khủng hoảng tài chính và quyết định bất ngờ
Vào thời điểm đó, Ames đang gặp vấn đề về tài chính. Cuộc ly hôn với người vợ đầu khá tốn kém, trong khi người vợ thứ hai thì đã quen với lối sống xa hoa. Điều này khiến ông ta đứng trước bờ vực phá sản. Tiền lương CIA không đủ cho nhu cầu cuộc sống, vì vậy Ames quyết định kiếm thêm bằng cách khác.
Tháng 4-1985, Aldrich Ames đến Đại sứ quán Liên Xô ở Washington và để lại một bưu kiện tại quầy lễ tân. Bên trong, ông ta để lại thông tin liên lạc của mình, những đoạn trích ngắn từ tài liệu mật và đề nghị số tiền 50.000 USD để… hợp tác thêm. Chẳng bao lâu, những người Liên Xô đang cung cấp thông tin cho CIA bắt đầu biến mất, lần lượt từng người một. Họ bị thẩm vấn, nhiều người bị buộc tội phản quốc và bị bỏ tù. Chỉ trong 2 năm, CIA đã mất hơn 30 cộng tác viên, dẫn đến thiếu hụt lớn cho mạng lưới tình báo của họ. Cùng với đó, nguồn thông tin mật từ Liên Xô gần như đã dừng lại. Hóa ra, cuộc “thanh trừng” này xảy ra sau khi Ames cung cấp cho Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) nhiều tài liệu, trong đó có thông tin về các cộng tác viên và các hoạt động tình báo của CIA.
Đối với CIA, họ chịu một mất mát lớn khi không còn những nguồn tin quan trọng như kỹ sư Adolf Tolkachev, người đã chuyển thông tin về các hệ thống tên lửa và máy bay chiến đấu mới của Liên Xô; hay Tướng Dmitry Polykov thuộc Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), người đã chuyển thông tin về những người Mỹ làm gián điệp cho Liên Xô. Cả hai đều đã bị xử tử. Việc các cơ quan tình báo thỉnh thoảng mất đi người cung cấp thông tin là điều bình thường, nhưng cuộc thanh trừng nhanh chóng và quy mô lớn như vậy là điều bất thường. Nó vừa ngăn cản CIA tiếp cận các bí mật của Matxcơva, vừa làm suy yếu danh tiếng của cơ quan này. Đến lúc này, CIA mới bắt đầu nghi ngờ, có thể ai đó trong nội bộ của họ đang làm “tay trong” cho KGB nên mở cuộc điều tra vào năm 1986.
Khi đó, Ames đã phàn nàn với KGB về việc họ xử lý các thông tin do ông ta tiết lộ, bởi điều đó khiến ông ta dễ bị nghi ngờ. KGB trả lời, họ không thể can thiệp vì quyết định loại bỏ những kẻ phản bội được đưa ra “ở cấp cao nhất”. Thực tế, phần thưởng hậu hĩnh đã giúp Ames xoa dịu căng thẳng trong quá trình hợp tác với KGB. Cụ thể, ông ta đã nhận được tổng cộng 4,6 triệu USD. Nhận thấy sự giàu có bất ngờ của mình có vẻ đáng ngờ, ông ta đã cố gắng rửa tiền thông qua họ hàng của vợ. Tuy nhiên, Ames vẫn chi tiêu những khoản đáng kể bao gồm mua một ngôi nhà trị giá 540.000 USD, một chiếc xe thể thao Jaguar và mặc đồ hiệu cao cấp. Các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng luôn vượt quá mức lương hàng tháng của một nhân viên CIA.
Bị lộ tẩy vì giàu lên bất thường
Lẽ ra Aldrich Ames đã bị CIA vạch trần sớm hơn, nhưng KGB cũng can thiệp kịp thời để bảo vệ người cung cấp thông tin vô cùng giá trị này bằng một chiến dịch phát thông tin sai lệch có chủ đích vào cuối năm 1985. Theo đó, những nguồn tin từ Liên Xô cung cấp cho CIA và FBI sau khi dừng đột ngột đã chuyển thông điệp rằng họ vẫn còn sống nhưng không hợp tác được nữa, hoặc họ bị kỷ luật vì những lý do khác nhau. Cùng lúc, KGB tung tin đang điều tra một sĩ quan CIA khác. Cũng thời gian đó, “phản ứng Angleton” (được đặt theo tên cựu Giám đốc Cơ quan phản gián của CIA James Angleton) cũng làm chậm lại cuộc điều tra. Ông Angleton tin rằng, tất cả các cơ quan tình báo của Mỹ đều đã bị đối thủ xâm nhập. Ông truy lùng những kẻ phản bội có thể có trong CIA một cách nhiệt tình đến mức dẫn đến xung đột trong nội bộ cơ quan, đồng thời hoạt động phản gián không còn được đánh giá cao nữa.
Có thời điểm, Aldrich Ames nằm trong danh sách nghi phạm và thậm chí còn phải làm bài kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối tới 2 lần, nhưng chưa có quyết định cuối cùng. Ames tiếp tục làm việc cho CIA thêm 8 năm nữa. Năm 1986, ông ta được cử đến làm việc ở Rome và bắt đầu nghiện rượu nặng. Năm 1990, Ames được chuyển đến Cơ quan Phân tích phản gián trung tâm của CIA và có nhiều quyền truy cập hơn vào các thông tin tuyệt mật. Nhưng cuối cùng, Ames bị lộ tẩy chỉ vì lối sống xa hoa của mình. Các đồng nghiệp nhận thấy ông ta mặc quần áo đắt tiền và làm lại bộ răng vô cùng tốn kém. Cuộc điều tra phát hiện ra những khoản chi đáng ngờ khác và Ames bị đưa vào diện giám sát. Ngày 21-2-1994, Aldrich Ames bị bắt cùng vợ. Ban đầu, Ames phủ nhận mọi chuyện nhưng sau đó đã thỏa thuận hợp tác với cơ quan điều tra để giảm nhẹ hình phạt cho vợ mình. Tại tòa, ông ta tiết lộ là đã chỉ điểm “hầu như tất cả các điệp viên Liên Xô cộng tác với CIA, FBI hay những cơ quan tình báo khác của Mỹ”. Ames bị kết án chung thân, hiện đang thụ án tại trại giam liên bang ở Terre Haute, bang Indiana.
Vụ án của Aldrich Ames được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Nó cũng gây ra sự náo động trong Quốc hội Mỹ, thậm chí khiến FBI cũng quay lưng lại với CIA. Do được truyền thông đưa tin rầm rộ, câu chuyện đã in sâu vào tâm trí người Mỹ và Aldrich Ames vẫn bị coi là “điệp viên CIA tồi tệ nhất”. Có lẽ điều này không hoàn toàn công bằng, vì ông ta gây ra nhiều thiệt hại như vậy là do được thăng chức và trao quyền truy cập vào thông tin bí mật một cách dễ dàng. Cho nên, cấp trên của ông ta chắc chắn phải gánh một phần trách nhiệm. Các chính trị gia và công chúng phẫn nộ vì cuộc điều tra kéo dài, nhưng thực tế là không có ai trong CIA bị sa thải hoặc ít nhất là bị giáng chức sau khi Ames “lộ sáng”.
Việc tuyển mộ những điệp viên người nước ngoài đã bắt đầu từ lâu trước Chiến tranh Lạnh và không đơn thuần là kết quả của sự cạnh tranh Liên Xô - Mỹ. Nhưng trong trường hợp Aldrich Ames, người mà báo chí Mỹ gọi là “điệp viên CIA tồi tệ nhất”, ông ta tự tìm đến và tình nguyện làm gián điệp cho Liên Xô, chỉ để thỏa mãn cho lối sống xa hoa của mình.
Theo RT