Thắt chặt hợp tác thương mại Việt Nam - Lào và Campuchia

Chuyến thăm, làm việc tại Lào và Campuchia của Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết và mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa 3 quốc gia.

Việt Nam - Lào và Campuchia cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, cùng chung dòng sông Mekong hiền hòa và núi Trường Sơn vĩ đại. Hơn nữa, mối quan hệ này luôn gắn bó và tin cậy, làm nên sự vững chãi “như kiềng ba chân” và đi vào chiều sâu; trong đó, có hợp tác thương mại.

Đặc biệt, trước bối cảnh thế giới và khu vực phát triển hết sức nhanh chóng đang tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, bài học lịch sử của tình đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia đã, đang và sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình phát triển. Vì vậy, chuyến thăm, làm việc tại Lào và Campuchia của Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết và mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa 3 quốc gia.

Gắn kết chặt chẽ

Lào và Việt Nam hiện có 10 tỉnh biên giới giáp biên, với 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ tạo thuận lợi giao thương khu vực, quãng thời gian và chi phí được rút ngắn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực châu Á và thế giới.

Cảng cạn Thanaleng Viêng Chăn tại huyện Hadxaiphong thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào

Cảng cạn Thanaleng Viêng Chăn tại huyện Hadxaiphong thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào

Ngoài ra, thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Các thuận lợi khác như thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam.

Hơn nữa, Lào gần như chấp nhận chứng nhận tiêu chuẩn từ các nước xuất khẩu; trong đó, có Việt Nam như đồ uống có chứng nhận an toàn thực phẩm. Mặt khác, doanh nghiệp còn có thể tận dụng việc kết nối của Lào với Thái Lan và Trung Quốc xuất khẩu sang hai thị trường nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt sang thị trường lân cận.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, giai đoạn vừa qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Lào được duy trì ở mức trên 1 tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu đạt 2 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng thương mại mỗi năm khoảng trên 10% trong giai đoạn 2016-2023.

Quy mô thương mại song phương tuy chưa lớn nhưng đã rất đáng kể trong bối cảnh sức mua của thị trường Lào hạn chế, dân số ít (khoảng 7,3 triệu người), chi phí vận chuyển hàng hóa giữa hai nước cao cộng với sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường Lào.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào gồm xăng dầu; phương tiện vận tải và phụ tùng; sản phẩm từ sắt thép. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Lào là cao su; than đá; gỗ và sản phẩm gỗ; quặng và khoáng sản khác.

Ước 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Lào ước đạt 931,4 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào ước đạt 284,2 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào ước đạt 647,2 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào. Ảnh: Phạm Kiên - PV TTXVN tại Lào

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào. Ảnh: Phạm Kiên - PV TTXVN tại Lào

Tại buổi hội đàm và ký kết mới Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định hợp tác trong lĩnh vực công thương là trụ cột hết sức quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào. Vì vậy, việc triển khai Biên bản ghi nhớ sẽ giúp Việt Nam-Lào tăng cường và hỗ trợ lẫn nhau phòng chống hàng giả nhất là tại khu vực biên giới, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Đặc biệt, kim ngạch thương mại song phương hai nước đã có sự tăng trưởng khả quan trong các năm qua. Từ năm 2012 đến nay, với những nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước, hai bên liên tục hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại từ 10-15%/năm như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra (trừ giai đoạn COVID-19 do bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chung).

Đánh giá cao sự cải thiện năng lực sản xuất của Lào thời gian qua và đang dần trở thành một trong những nguồn cung cấp quan trọng các sản phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các nước ASEAN nói chung và cho Việt Nam nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith nhất trí các giải pháp cụ thể triển khai cam kết, thỏa thuận đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất tại bản Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; biên bản kỳ họp thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào…

Liên quan tới việc ổn định thị trường năng lượng, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Việt Nam chủ động kết nối với doanh nghiệp của Lào. Tuy nhiên, về lâu dài, cần nghiên cứu tháo gỡ khó khăn về tiêu chuẩn xăng dầu và cơ chế tỷ giá hối đoái để hỗ trợ thị trường xăng dầu phát triển ổn định.

Tăng trưởng ấn tượng

Đánh giá từ Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, trong hơn 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng và là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Cụ thể giai đoạn 2010-2015, kim ngạch thương mại Việt Nam – Campuchia có tốc độ tăng trưởng trung bình vào khoảng 18,5%/năm. Kim ngạch thương mại đã tăng gần gấp đôi từ 1,8 tỷ USD năm 2010 lên tới 3,35 tỷ USD năm 2015. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia tăng trung bình 15,5%/năm, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia tăng trung bình 32,7%/năm.

Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia tiếp tục tăng trưởng trung bình 17%/năm, từ 2,92 tỷ USD năm 2016 lên đến 5,31 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt, ngay từ năm 2019, hai nước đạt và vượt mục tiêu kim ngạch 5 tỷ USD trước thời hạn mà lãnh đạo cấp cao hai bên đề ra (mục tiêu đề ra cho năm 2020). Kế đó, năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đạt 10,57 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2021.

Năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế diễn biến phức tạp, cầu tiêu dùng giảm nghiêm trọng, tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam - Campuchia sụt giảm 19,5%, chỉ còn 8,6%. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch song phương đã đạt 4,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, duy trì đà tăng liên tục kể từ đầu năm 2024 đến nay. Trong số đó Việt Nam xuất khẩu 2,1 tỷ USD, giảm 1,7% và nhập khẩu 2,5 tỷ USD, tăng 30,7%. Trao đổi thương mại biên giới được duy trì ổn định, không xảy ra hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.

Các mặt hàng xuất khẩu chính trong 5 tháng đầu năm 2024 là sắt thép các loại; hàng dệt, may; xăng dầu các loại… Cùng đó, các mặt hàng nhập khẩu chính gồm hạt điều; cao su; hàng rau quả…

Ước 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Campuchia đạt 5,4 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,5 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2023, nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 2,9 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Lào và Campuchia, đại diện Vụ Thị trường châu Á- châu Phi khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu, nắm rõ các văn kiện pháp lý được ký để tận dụng những ưu đãi mà hai nước dành cho nhau cũng như tránh gặp vướng mắc khi làm thủ tục thông quan như: Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia và văn bản quy phạm pháp luật trong nước liên quan đến văn kiện nói trên.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên tận dụng chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để tìm đối tác; tích cực tham gia hội thảo xúc tiến thương mại, hướng dẫn tiếp cận thị trường do Bộ Công Thương và cơ quan, địa phương tổ chức nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, kết nối cung cầu, đảm bảo chuỗi cung ứng… Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động gặp gỡ, trao đổi trực tiếp tại hội chợ, triển lãm được tổ chức ở Việt Nam cũng như Lào, Campuchia.

Theo đại diện Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nhận diện thương hiệu, định hướng về chất lượng và tạo hình ảnh ấn tượng thông qua việc cải tiến bao bì. Hơn nữa, để cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa từ một số quốc gia láng giếng như Thái Lan, Trung Quốc về chất lượng lẫn mẫu mã, giá, doanh nghiệp phải lưu ý triển khai phương thức kinh doanh bài bản như mở văn phòng đại diện, đầu tư hệ thống phân phối, làm bao bì riêng. Cách làm này tuy chi phí ban đầu cao nhưng về lâu dài sẽ tạo dựng được hình ảnh và giúp hàng hóa tiêu thụ tốt cũng như tạo chỗ đứng tại thị trường.

Đáng lưu ý, doanh nghiệp nên tập trung phát triển kênh phân phối cũng như chuyển giao phương thức cho các nhà phân phối Lào, Campuchia là rất cần thiết; trong đó, phát triển phân phối cả ở kênh mua sắm truyền thống (chợ) và kênh siêu thị…nhằm giúp hàng Việt thâm nhập sâu hơn vào các thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/that-chat-hop-tac-thuong-mai-viet-nam-lao-va-campuchia/340086.html