Thắt chặt kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

OCOP là các sản phẩm tiêu biểu, có uy tín, chất lượng và thương hiệu. Tuy nhiên, muốn lan tỏa rộng rãi sản phẩm đến người dùng trong và ngoài nước, đòi hỏi các chủ thể sản xuất phải thay đổi cách tiếp cận thị trường...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện cả nước có hơn 13.368 sản phẩm OCOP của 59 tỉnh, thành phố đã được đánh giá, phân hạng; trong đó, gần 74% đạt 3 sao, gần 25% đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Riêng Hà Nội có đến hơn 2.769 sản phẩm được đánh giá và phân hạng. Mặc dù chương trình OCOP đã giúp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm đặc trưng vùng, miền nhưng việc tiêu thụ lại không hề dễ dàng. Nút thắt lớn nhất hiện nay là thiếu liên kết giữa sản xuất với phân phối để tiêu thụ sản phẩm.

NHIỀU CÁCH KẾT NỐI TIÊU THỤ

Năm 2024, chế biến nông sản xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn, vì thế không ít doanh nghiệp đã lựa chọn tìm cơ hội ngay tại thị trường nội địa với các sản phẩm OCOP. Ông Giang Đình Thìn, đại diện Công ty TNHH Yến sào Giang Hoàng Yến (Đồng Nai), cho hay giá trị xuất khẩu tổ yến giảm hơn mọi năm do áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn. Trong khi đó, các sản phẩm tốt cho sức khỏe ngày càng được người tiêu dùng trong nước quan tâm. “Thị trường tiêu thụ nội địa vẫn rất giàu tiềm năng. Do đó, chúng tôi chú trọng đầu tư bao bì, đa dạng sản phẩm yến khô, yến đã qua chế biến để cung cấp ra thị trường”.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm này vẫn còn khó khăn, dù dấu ấn OCOP đã tương đối rõ. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm chưa đạt như kỳ vọng là bởi sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất, kinh doanh chia sẻ rằng việc tiếp cận và đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, dẫn tới sức cạnh tranh giảm sút.

Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh, Hà Nội) hiện có diện tích trồng rau đạt 200 ha với sản lượng thu hoạch 60.000 tấn rau/năm. Hiện tại, việc tiêu thụ rau của Hợp tác xã này chủ yếu thông qua các thương lái của hệ thống chợ truyền thống Hà Nội và các tỉnh. Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: “Quá trình đưa sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn OCOP vào hệ thống siêu thị tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản, vận chuyển. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ dán tem nhãn sản phẩm OCOP khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ, qua đó Hợp tác xã có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”.

Nút thắt lớn nhất hiện nay là thiếu liên kết giữa sản xuất với phân phối để tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Nút thắt lớn nhất hiện nay là thiếu liên kết giữa sản xuất với phân phối để tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Tương tự, bà Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch Ba Vì cho biết đơn vị có 2 trại chăn nuôi ở huyện Ba Vì với quy mô hàng nghìn con lợn, gà mỗi năm. Năm 2019, doanh nghiệp đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP TP.Hà Nội, tuy nhiên việc đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề dễ dàng. “Doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu có kinh nghiệm đưa hàng vào những siêu thị quy mô lớn. Ngoài ra chi phí mở mã hàng khá lớn, nhưng siêu thị đều yêu cầu bán ký gửi hàng hóa khiến lượng vốn lưu động của doanh nghiệp thâm hụt”, bà Vân dẫn chứng.

Ở chiều ngược lại, trong khi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm thì nhiều doanh nghiệp bán lẻ chưa gặp được các chủ thể có sản phẩm tốt để kết nối tiêu thụ. Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông, mỗi siêu thị đều có bộ phận quản lý chất lượng thường xuyên kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm được đưa vào bày bán tại siêu thị. Thế nhưng một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP chưa nắm được quy định nên chưa đáp ứng yêu cầu cung ứng hàng cho doanh nghiệp bán lẻ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại.

Trong bối cảnh đó, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, kết nối tiêu thụ, cũng là một trong những cách làm hiệu quả, được nhiều địa phương áp dụng hiện nay. Theo các cơ sở sản xuất, giá nhiều sản phẩm khi lên sàn thương mại bán online cao từ 3 - 4 lần so với hình thức offline, do hàng hóa được đầu tư kỹ lưỡng từ nhãn mác cho tới chất lượng tốt nhất. “Từ khi bán hàng online, gần 3 năm trở lại đây, doanh số bán hàng trực tuyến của chúng tôi cơ bản tăng gần gấp đôi, những khách hàng tiếp cận đều rất uy tín”, bà Vũ Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Thái Minh Nguyên, cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, để tiêu thụ sản phẩm OCOP, đòi hỏi cơ quan quản lý tạo ra cầu nối giữa người sản xuất với nhà bán lẻ. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết hiện vẫn còn có những yếu tố thống lĩnh độc quyền của một số nhóm siêu thị, khiến việc đưa hàng OCOP đạt tiêu chuẩn vào một số siêu thị gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, chủ thể OCOP phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, các quy định cơ quan quản lý nhà nước...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2024 phát hành ngày 09/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Lưu Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/that-chat-ket-noi-tieu-thu-san-pham-ocop.htm