Thắt chặt nghĩa tình với xã Hàm Cần
Những năm qua, công tác kết nghĩa giữa Hội Nông dân tỉnh với xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) đã góp phần quan trọng giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.
Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế
Hàm Cần là xã miền núi của huyện Hàm Thuận Nam, có 1.252 hộ/4.523 khẩu chủ yếu người đồng bào dân tộc thiểu số Rai. Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp, địa phương đã góp phần tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Hàm Cần. Đời sống của nhân dân cơ bản ổn định; văn hóa - xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp thực hiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống và sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng (cây bắp lai, đậu, mè, vật nuôi…) đã gây thiệt hại một số diện tích bắp lai, hoa màu, vật nuôi; hiện tượng sâu keo phá hoại cây bắp lai với diện tích thiệt hại khá lớn…
Trước tình hình trên, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, năm 2013 Hội Nông dân tỉnh và xã Hàm Cần đã tổ chức ký kết chương trình kết nghĩa. Trong hơn 10 năm kết nghĩa, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh còn xây dựng các mô hình giúp xã Hàm Cần phát triển kinh tế; chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng kết cấu hạ tầng. Nổi bật như: tham gia vận động 31 hộ nông dân đăng ký trồng thanh long theo Đề án xóa đói giảm nghèo của huyện (mỗi hộ được hỗ trợ 100 trụ); xây dựng một mô hình chong đèn thanh long trái vụ cho Tổ hội nghề nghiệp “Trồng và chăm sóc thanh long tại thôn 3” (bóng đèn LED 9W); xây dựng 1 dự án từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân; thành lập 1 Hợp tác xã chăn nuôi bò Thuận Minh Phát...
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho cán bộ địa phương, chuyển giao khoa học kỹ thuật (chăn nuôi, trồng trọt...) cho hội viên, nông dân; tổ chức thăm tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình liệt sĩ, hộ nghèo nhân dịp các ngày lễ, tết dân tộc; xây dựng ánh sáng an ninh tại thôn 3, xã Hàm Cần, làm mới, sửa chữa đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng... Với tổng số tiền các hoạt động kết nghĩa gần 270 triệu đồng.
Thắt chặt tình đoàn kết
Sau hơn 10 năm thực hiện ký kết nghĩa giữa Hội Nông dân tỉnh và xã Hàm Cần, diện mạo của các thôn ở xã Hàm Cần đã có nhiều khởi sắc, thay đổi, đời sống bà con được nâng cao. Thông qua giao lưu, kết nghĩa đã góp phần cổ vũ, động viên đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế. Từ những việc làm thiết thực trên đã giúp nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, làm ăn có kế hoạch, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống và tạo được mối quan hệ Hội Nông dân tỉnh sâu sát cơ sở, hội viên, nắm được tâm tư, tình cảm, đề xuất, kiến nghị kịp thời của cơ sở và nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện chương trình giao lưu, kết nghĩa chủ yếu tập trung vào hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tập huấn, khuyến khích vận động các hộ tập trung đầu tư, phát triển các cây trồng, vật nuôi lợi thế của địa phương để từng bước ổn định cuộc sống và hướng dẫn hỗ trợ nghiệp vụ công tác Hội. Chưa có nguồn lực xây dựng mô hình kinh tế thiết thực.
Để chương trình giao lưu, kết nghĩa tạo được sự chung tay của Mặt trận, đoàn thể, các ngành và các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm tạo điều kiện đạt hiệu quả lâu dài, ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục cùng cấp ủy lãnh đạo sát cơ sở, chủ động hơn trong kế hoạch hoạt động giao lưu, kết nghĩa. Bên cạnh đó, tranh thủ huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc nhất là chính quyền, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời phối hợp tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động tốt hơn chương trình giao lưu, kết nghĩa với các xã thuần đồng bào dân tộc. Song song, Hội Nông dân các cấp, nhất là cấp huyện hàng năm có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng công tác Hội và phong trào nông dân, các phong trào thi đua cho cán bộ Hội Nông dân cơ sở; phối hợp các ngành và khả năng các cấp Hội tổ chức tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân thiết thực hiệu quả.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/that-chat-nghia-tinh-voi-xa-ham-can-125275.html