Thật sự nguy hại nếu học sinh mới lớp 3 làm cán bộ lớp được phạt bạn bằng roi
Giáo dục không thể dùng một đứa trẻ để trị những đứa trẻ khác, không thể cho phép và khuyến khích hành động dùng bạo lực với bạn bè ngay trong môi trường giáo dục
Thông tin ba học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) bị cô giáo đánh tím mông được người nhà chia sẻ trên facebook đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Cụ thể, nick T.Đ đã chia sẻ trên trang cá nhân facebook bày tỏ sự phẫn nộ khi em trai đang học tại lớp 3E Trường Tiểu học Ngũ Đoan và 2 bạn cùng lớp do không làm đủ bài tập về nhà nên bị cô giáo chủ nhiệm tên V.T.H dùng thước gỗ đánh.
Người này nêu thông tin cho rằng các em bị đánh 70 roi vào vùng mông. Bất ngờ hơn, cô giáo H. phủ nhận việc đánh học sinh và cho biết các cháu bị ban cán sự của lớp đánh.
Và, chính nhà trường cũng khẳng định không phải do cô giáo mà các bạn trong ban cán sự lớp đánh ba học sinh trên.
“Cô giáo có quy định bạn nào không hoàn thành quá nửa số bài tập về nhà sẽ bị đánh đòn nên ban cán sự lớp vụt bạn tím mông chứ không phải cô giáo đánh như phản ánh trên facebook”.
Hiện nhà trường đang triệu tập các cháu để làm rõ là bạn nào đánh, nhận lệnh của ai, đánh bao nhiêu roi và hình thức đánh như thế nào. Chúng tôi đang hoàn thiện biên bản để báo cáo ngành, địa phương và các cơ quan liên quan” Ban giám hiệu nhà trường cho biết. [1]
Một cách dạy phản khoa học và làm hư lớp trẻ
Nếu là cô giáo phạt học sinh tím mông vì không làm bài tập cũng thật sự đáng trách nhưng hành động ấy của cô phần nào có thể cảm thông được. Bởi, có thể cô giáo bị ảnh hưởng bởi tư tưởng giáo dục cũ, vì muốn học sinh nhanh tiến bộ mà không kìm được sự nổi nóng của mình.
Còn nếu như “Cô giáo có quy định bạn nào không hoàn thành quá nửa số bài tập về nhà sẽ bị đánh đòn nên ban cán sự lớp vụt bạn tím mông” chắc chắn sẽ gây phẫn nộ cho mọi người bởi cách giáo dục này hoàn toàn phản khoa học.
Giáo dục không thể dùng một đứa trẻ để trị những đứa trẻ khác, không thể cho phép và khuyến khích những hành động dùng bạo lực với bạn bè ngay trong môi trường giáo dục.
Cũng chỉ là những đứa trẻ bỗng chốc được giao một trọng trách quá lớn mà theo cách nói của người lớn là “có quyền sinh sát trong tay”. Các bé được quyền kiểm tra bài của bạn, được to tiếng nạt nộ, được quyền truy vấn, được dùng cả vũ lực với bạn khi bạn chưa làm bài thì quả thật đáng lo ngại thật.
Đánh bạn đến 70 roi thì thật là khủng khiếp. Nếu không có sự “bảo kê” từ thầy cô, không được “bật đèn xanh” thì có đứa trẻ nào dám đánh bạn như thế hay không?
Liệu đây có phải là lần đầu tiên đánh bạn? Hay đã từng đánh nhiều lần nhưng chưa bị phản ứng? Chỉ vì muốn học sinh làm bài tập, việc giao quyền kiểm tra và xử lý học sinh chưa thực hiện nhiệm vụ, chính giáo viên đã biến những đứa trẻ vô tư trong sáng thành “hung thần” thành “la sát” trong mắt bạn bè.
Điều cô đạt được chỉ một nhưng điều mất mát lại gấp nhiều lần như thế. Cái mất mát lớn nhất là tư cách của những đứa trẻ trở nên hung hãn hơn, thích dùng vũ lực với người khác. Cứ thế, lớn lên các bé sẽ thế nào?
Dùng học sinh trị học sinh không còn là hiện tượng cá biệt
Trong thực tế, chuyện giáo viên dùng học sinh để trị học sinh không còn là hiện tượng cá biệt. Để giúp thầy cô quản lý lớp tốt ngay cả thời gian giáo viên không có giờ dạy không ít thầy cô đã bỏ công sức xây dựng và huấn luyện cho mình một dàn cán sự năng động có uy với bạn bè.
Các em sẽ theo dõi các bạn trong lớp bất kể lúc nào, từ giờ học đến giờ chơi. Vì có quyền, có sự “bảo kê” của giáo viên nên những học sinh này thường lấn át bạn bè trong lớp.
Nếu không ưng điều gì từ bạn, không vừa mắt ai, tất tật những hành động cùng lời nói của người đó cũng được ghi vào sổ theo hướng "có tội".
Thường thì thầy cô rất tin tưởng vào đội ngũ cán sự của mình. Vì thế, cán sự nói gì giáo viên cũng tin. Học sinh nào bị lọt vào “sổ thiên tào” xem như sẽ bị thầy cô quở phạt. Bởi thế, học sinh thường sợ những bạn cán sự lớp một phép.
Sợ thì phải tính kế, không ít học sinh vì muốn được bỏ qua những vi phạm hoặc để không bị làm khó thường mua chuộc, lấy lòng cán sự lớp.
Thấy mình quan trọng, quyền uy trước mắt bạn bè nên không ít cán sự lớp tỏ ra oai phong, lấn lướt các bạn cùng trang lứa. Và như thế, nạn bạo lực học được cũng được nảy nòi, xuất phát từ đây. Một cách giáo dục sai nhưng không phải giáo viên nào cũng nhìn thấy được.
Trở lại sự việc học sinh Trường Tiểu học Ngũ Đoan bị đánh bầm mông, sau khi làm rõ là bạn nào đánh, nhận lệnh của ai, đánh bao nhiêu roi và hình thức đánh như thế nào, những thầy cô giáo đang sử dụng hình thức “dùng học sinh trị học sinh” cần rút ra cho mình một bài học sâu sắc trong việc giáo dục nhân cách cho các em.