Thất thoát, lãng phí - làm sao ngăn chặn? - Bài 1: Khi tiền của đổ xuống sông, xuống biển

Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là vấn đề luôn được người dân quan tâm. Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XIV tiếp tục nhận được nhiều ý kiến cử tri, nhân dân cả nước quan tâm đến vấn đề này.

Cử tri hoan nghênh, ủng hộ Đảng, Nhà nước quyết liệt chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nhưng đồng thời cũng quan ngại về việc quản lý tài sản công chưa chặt chẽ, gây thất thoát lớn, các dự án chậm tiến độ, dự án treo…Từ số báo này Đại Đoàn Kết sẽ đề cập đến vấn đề lãng phí trong các công trình, dự án từ Trung ương, đến địa phương.

Trạm bơm tiêu Sơn Tình (Phú Thọ) xây dở dang, bỏ hoang làm dư luận địa phương bức xúc.

Trạm bơm tiêu Sơn Tình (Phú Thọ) xây dở dang, bỏ hoang làm dư luận địa phương bức xúc.

Mỗi ngọn điện để quên không tắt sau giờ làm việc, một vòi nước quên không khóa - hậu quả ngay lập tức hiển hiện và dễ được xử lý. Còn như với một quyết định chủ trương đầu tư sai, thực hiện chậm, để treo, nhất là với các dự án lớn thì việc thất thoát, lãng phí sẽ rất lớn và giải quyết hệ lụy thật khó lường.

Từ công trình dân sinh, dự án ở các địa phương

Liên tục trên những số báo hàng ngày, Đại Đoàn Kết đã phản ánh về các công trình, dự án chậm tiến độ, bỏ hoang; những công trình chưa bàn giao hay mới bàn giao đã xuống cấp… Ví như gần đây, báo phản ánh về một trường mầm non đầu tư gần 5 tỷ đồng ở xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi khởi công xây dựng từ năm 2017, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng cho đến nay, trường đã được xây xong vẫn để hoang, do còn một số hạng mục dở dang, kém chất lượng... Lại như công trình trụ sở UBND xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam được đầu tư trên 10 tỷ đồng, tuy mới nghiệm thu kỹ thuật để đưa vào hoạt động nhưng đã xuất hiện hàng trăm vết nứt khiến người dân bức xúc, dù chủ đầu tư cam kết không rút ruột công trình. Hay một dự án giúp dân chài tái định cư ở Nghệ An để hoang trong khi người dân vạn chài ngày đêm mong ngóng được lên bờ…

Những chuyện như trên cũng mới chỉ là những “hạt sạn” nhỏ có khá nhiều tại các địa phương. Nhiều năm qua, báo chí đã liên tục phản ánh đến những “hòn sỏi, tảng đá” lãng phí khác trên các địa bàn khiến người dân bức xúc. Điển hình như: Chợ Phú Hữu (Quận 9, TP HCM) rộng 2.000m2, với 164 sạp giá trị cả tỷ đồng, xây dựng từ năm 2004 bỏ hoang hơn 10 năm nay; Dự án làng đại học Đà Nắng trên diện tích quy hoạch gần 287 ha, quy mô đào tạo nhiều chục ngàn sinh viên, “treo” đã hơn 20 năm, với hàng trăm công trình, nhà dở dang phơi mưa, dãi nắng; Hay như công trình Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An cơ sở 2 được đầu tư vồn hơn trăm tỷ trên hơn 5 ha đất tại xã Quỳnh Hoa (huyện Quỳnh Lưu) triển khai từ năm 2010; công trình Nhà thi đấu đa năng tỉnh Hà Nam nằm trên mảnh đất rộng đến 120 ha, 5 tầng, sức chứa đến 7.500 chỗ ngồi, đầu tư hiện đại đến hơn 1.000 tỷ đồng…Tất cả đều đang như bỏ hoang ngay giữa phố, hay trơ trọi giữa các cánh đồng.

Vào giai đoạn 2011-2020 cả nước đã dành khoảng 8.000 tỷ đồng chi cho gần 20.000 bản quy hoạch các loại. Tuy nhiên có rất nhiều các quy hoạch, dự án treo. Năm 2015, TP Hồ Chí Minh từng đã rà soát, thu hồi đến 5.700 ha đất quy hoạch làm dự án. Riêng việc điều chỉnh quy mô 9 dự án đã giảm 137 ha đất bị quy hoạch. Một tỉnh đất lúa như Hải Dương, trong quá trình phát triển, kêu gọi đầu tư đã có rất nhiều các dự án triển khai. Cho đến nay, còn nhiều chục dự án lớn dở dang hay bỏ hoang.

Cơ sở cai nghiện trăm tỷ ở Lạng Sơn xây xong rồi bỏ hoang.

Cơ sở cai nghiện trăm tỷ ở Lạng Sơn xây xong rồi bỏ hoang.

Đến các “quả đấm thép” của nền kinh tế một thời

Thời gian qua, các cơ quan Đảng, Nhà nước, dư luận nhân dân đều trăn trở về các đại dự án, công trình lớn gây lãng phí. Điển hình như 12 dự án của ngành Công thương, những dự án ngàn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả. Đó là các dự án: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng); Nhà máy bột giấy Phương Nam; Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanoi Dung Quất; Nhà máy đạm Ninh Bình, Hà Bắc, Lào Cai; Ethanol Bình Phước, Phú Thọ; Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Dự án liên doanh đối tác mỏ Quý Sa liên quan cùng Nhà máy gang thép Lào cai...

Cho đến nay các đại dự án thua lỗ đã và đang được các cơ quan chức năng xác minh, kết luận, xử lý; các cơ quan liên quan tìm cách tháo gỡ. Tháng 2/2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về Dự án giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Theo đó, dự án ban đầu được phê duyệt 3.800 tỷ đồng; sau đó đã nâng mức đầu tư tăng thêm 3.104,9 tỷ đồng. Mặc dù Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên đã thanh toán cho nhà thầu chính hơn 4.400 tỉ đồng (92% giá trị hợp đồng), nhưng các hạng mục đều chưa hoàn thành. Đến thời điểm thanh tra, tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả đến hơn 3.896 tỷ đồng (lãi vay phải trả mỗi tháng trên 40 tỷ đồng). Trong khi đó, từ năm 2013 các nhà thầu đã dừng thi công. Hiện các thiết bị đang nằm trong kho, bị rỉ sét…Theo Ban Quản lý dự án này, cần khoảng 2.000 tỷ đồng để khởi động dự án, và chưa biết lỗ lãi ra sao…

Dự án dở dang đã vậy. Dự án đã hoàn thành thì ra sao? Từ năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về Nhà máy xơ sợi Đình Vũ. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hợp tác cùng Tập đoàn Dệt may Việt Nam xây dựng nhà máy (năm 2007) với số vốn tương đương 5.437 tỷ đồng. Theo dự kiến khi nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động (năm 2013), với công suất 500 tấn xơ sợi/ ngày, sau 8 năm, 8 tháng sẽ hoàn vốn toàn bộ. Vậy nhưng sau 2 năm đi vào sản xuất kinh doanh, nhà máy đã thua lỗ hơn 1.472 tỉ đồng. Đến cuối năm 2015, nhà máy dừng hẳn hoạt động. Từ năm 2018 đến nay, nhà máy đang vận hành trở lại, nhưng rồi còn đó là những nỗi lo lỗ vốn.

Nỗi lo thua lỗ thất thoát đặc biệt về các nhà máy đạm. Điển hình như Nhà máy đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư. Được xây dựng từ năm 2008, vốn đầu tư tương đương 12.000 tỷ đồng, công suất 560.000 tấn/ năm. Năm 2012 Nhà máy đi vào hoạt động lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng, năm 2014 lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 592 tỷ đồng… năm 2018 lỗ trên 926 tỷ. Đến nay lỗ lũy kế lên đến hơn 4000 tỷ đồng. Còn như nhà máy đạm Hà Bắc, một nhà máy truyền thống với thương hiệu “huyền thoại”, mấy năm nay cũng liên tục lỗ, đến nay lỗ lũy kế cũng đã khoảng gần 3000 tỷ đồng. Năm 2017, mặc dù doanh thu tăng, vẫn lỗ 711 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 313 tỷ đồng, chỉ Quý 1 năm 2019 đã lỗ 56,3 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 sẽ lỗ khoảng hơn 530 tỷ đồng...

Giải quyết như thế nào với các “quả đấm thép” lỗ nặng toàn ngàn tỷ này thật chẳng dễ dàng. Như Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đang trong quá trình quyết tâm vận hành lại, nhưng chưa biết kết quả tới đây ra sao. Các Nhà máy như đạm Ninh Bình, Hà Bắc đang trong quá trình cố gắng giảm lỗ, thế nhưng, như lãnh đạo Vinachem than thở có lẽ phải bán dự án đạm Ninh Bình để lấy tiền trả nợ hoặc xin phá sản dự án…

Và đây cũng mới chỉ là các dự án của ngành Công thương. Còn nhiều các dự án, công trình trên các lĩnh vực khác cùng cảnh đội vốn, chậm tiến độ, lỗ vốn và kéo theo đó là những hệ lụy buồn.

(Bài 2: Liên hoàn dự án để… cỏ mọc)

Kiên Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dieu-tra/that-thoat-lang-phi-lam-sao-ngan-chan-bai-1-khi-tien-cua-do-xuong-song-xuong-bien-tintuc439313