Thấu hiểu tâm lý học trò

Tư vấn tâm lý học sinh là việc làm cần thiết giúp các em giải tỏa và chia sẻ tâm tư, suy nghĩ, xử lý các vấn đề khó khăn trong học tập và cuộc sống.Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Văn bản 4252/BGDĐT-GDCTHSSV gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục trên cả nước có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời về tư vấn tâm lý học đường nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với sở giáo dục và đào tạo trong triển khai phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp với những trường hợp học sinh có khó khăn về tâm lý.

“Em có cảm giác mọi người không ai hiểu và bên cạnh em. Bố mẹ bận rộn với công việc. Ở lớp, em cảm thấy cô độc, bạn bè xung quanh xa lánh. Em không muốn đi học nữa…” - đó là tâm sự đáng lo ngại của một học sinh Trường THPT số 2 thành phố Lào Cai với giáo viên chủ nhiệm của mình. Được biết, đây là học sinh có lực học trung bình, trầm tính, ít giao tiếp nên gần như không thân thiết với bạn bè trong lớp. Nhận thấy những dấu hiệu bất thường về tâm lý của học sinh, cô giáo chủ nhiệm đã tâm sự và tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời liên hệ với gia đình để có phương án phối hợp. Sau một thời gian ngắn, tâm lý của học sinh này đã ổn định và theo học bình thường.

Cô giáo Phạm Thị Hồng Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 thành phố Lào Cai cho biết: Đó chỉ là một trong số nhiều trường hợp học sinh được tư vấn tâm lý, giúp các em vượt qua những vướng mắc trong cuộc sống như mâu thuẫn với bạn bè, gia đình hay căng thẳng trong học tập… Tổ tư vấn tâm lý học đường của nhà trường thường xuyên nắm thông tin học sinh qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy bộ môn, phụ huynh, người thân, bạn bè, từ đó hiểu được các em đang gặp khó khăn gì. Tiếp đó, các thành viên Tổ tư vấn khéo léo gặp gỡ, chia sẻ, động viên, phân tích, trò chuyện với học sinh để giải quyết những khó khăn mà các em gặp phải. Nếu học sinh không thay đổi được, có chiều hướng xấu, nhà trường sẽ phối hợp với gia đình đưa các em đi gặp chuyên gia tâm lý.

Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gần gũi, quan tâm học sinh để nắm bắt các vấn đề tâm lý của các em.

Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gần gũi, quan tâm học sinh để nắm bắt các vấn đề tâm lý của các em.

“Lắng nghe, gần gũi học sinh trên tinh thần vừa là người thầy vừa là người bạn để các em mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ, rèn luyện kỹ năng sống, củng cố niềm tin, ý chí, bản lĩnh để các em ứng xử đúng đắn trong các mối quan hệ xã hội”, cô Lan cho biết thêm.

Cách đây không lâu, Trường THPT Chuyên Lào Cai đã kịp thời tư vấn, trao đổi với gia đình về trường hợp một học sinh lớp 10 có nhiều biểu hiện tâm lý bất thường như ít giao tiếp với giáo viên và bạn bè, chống đối và dễ nỗi cáu. Nhà trường đã liên hệ với gia đình và quyết định cho em gặp bác sỹ tâm lý để điều trị. Cùng với đó, cô giáo chủ nhiệm cũng thường xuyên gần gũi, quan tâm để em cởi mở hơn. Đến nay, học sinh đó đã quay trở lại học tập bình thường và vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giáo viên và bạn bè.

Cô giáo chủ nhiệm của học sinh này cho biết: Học sinh đầu cấp học thường trải qua giai đoạn rối loạn tâm lý do chuyển giao 2 cấp học. Môi trường, bạn bè, chương trình học mới khiến các em khó hòa nhập và chia sẻ những vướng mắc của mình. Ngay từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm thường dành thời gian tìm hiểu thông tin từng học sinh như hoàn cảnh gia đình, bệnh lý, thói quen, sở thích... Tuy nhiên, vấn đề tâm lý không phải biểu hiện thường xuyên nên trong quá trình học tập trên lớp, các giáo viên phải chú ý quan sát, nắm tâm tư của từng em để có hướng can thiệp kịp thời.

“Lắng nghe - tôn trọng - bảo mật” là phương châm hoạt động của Tổ tư vấn học đường Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bắc Hà. Tổ gồm các thành viên là giáo viên chủ nhiệm, Công đoàn, Đoàn Thanh niên nhà trường đảm nhiệm các phần việc như tư vấn học tập, định hướng nghề nghiệp, tâm lý lứa tuổi, tình cảm, sức khỏe sinh sản, hôn nhân, gia đình, kỹ năng sống, phòng, chống bạo lực học đường… Tổ đã kịp thời nắm tư tưởng, tâm lý học sinh, giúp học sinh vượt qua trở ngại để yên tâm học tập.

Thầy giáo Phạm Huy Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bắc Hà cho biết: Ngoài các vấn đề tâm lý nói chung ở lứa tuổi học sinh phổ thông, học sinh vùng cao còn bị chi phối bởi các yếu tố như văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của dân tộc mình. Nhiều em có tư tưởng lập gia đình sớm hoặc nghỉ học để tham gia lao động phụ giúp bố mẹ. Nắm được những vấn đề đó, Tổ tư vấn học đường đã động viên, giải thích để các em hiểu và yên tâm học tập.

Theo báo cáo công tác y tế học đường tỉnh Lào Cai năm 2022, tỷ lệ học sinh có nghi ngờ về rối nhiễu tâm lý chiếm khoảng 4,55%, nguyên nhân xuất phát từ gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt, thời gian học tập trực tuyến kéo dài, hạn chế tiếp xúc, giao tiếp khiến nhiều học sinh dễ rơi vào trầm cảm, căng thẳng. Do đó, việc tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý học đường là cần thiết, đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho học sinh, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Thực hiện Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông” và các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhiều năm qua, việc tư vấn tâm lý đã trở thành hoạt động thường xuyên trong nhiều trường trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, hầu hết trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường. Các tổ đi vào hoạt động, kịp thời tiếp nhận thông tin, lắng nghe, tư vấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, sức khỏe sinh sản vị thành viên, tư vấn hướng nghiệp, chọn nghề… cho hàng nghìn lượt học sinh mỗi năm.

Nhiều trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa nhằm tạo tâm lý thoải mái cho học sinh.

Nhiều trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa nhằm tạo tâm lý thoải mái cho học sinh.

Ngoài ra, các đơn vị trường học chủ động kết nối với các cơ sở y tế, chuyên gia tâm lý để tổ chức các buổi tư vấn về tâm lý lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản… Đặc biệt, nhiều trường còn lồng ghép các nội dung tư vấn tâm lý thông qua các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ hoặc tích hợp vào các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm. Từ đó, nhiều vấn đề khúc mắc trong cuộc sống gia đình, học tập, các mối quan hệ với thầy cô giáo, bạn bè, tình cảm của các em đã được thầy cô lắng nghe và chia sẻ.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361703-thau-hieu-tam-ly-hoc-tro