Bất ổn điểm chuẩn

Nhiều địa phương đã công bố điểm chuẩn lớp 10, có nơi rất thấp chỉ 5 điểm 3 môn vẫn đậu lớp 10.

Học sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Lê Khánh.

Học sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Lê Khánh.

Bất ngờ với điểm chuẩn và điểm liệt

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 tại Đắk Lắk có hơn 28.000 học sinh (HS) đăng ký, nhưng có tới gần 2.000 điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống). Mặc dù nhiều trường đã hạ điểm chuẩn xuống rất thấp (5 - 6 điểm/3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) nhưng nhiều thí sinh không đậu vào trường THPT công lập (vì dính điểm liệt). Tổng chỉ tiêu còn thiếu là gần 700 HS. Nhiều trường đã đề xuất phương án xin giảm điểm liệt về 0 điểm như nhiều tỉnh thành khác là Hà Nội, TPHCM… thay vì 1 điểm như hiện nay để nhận đủ chỉ tiêu được giao ban đầu. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) không đồng ý phương án này.

Mức điểm thấp đến bất ngờ chỉ hơn 2 điểm/môn cũng đỗ lớp 10 không chỉ có ở Đắk Lắk mà còn xuất hiện tại nhiều trường học ở các tỉnh thành khác như Trường THPT Mai Châu B (Hòa Bình); THCS&THPT Cô Tô (thị xã Tịnh Biên, An Giang), Trường THPT Đình Lập (Lạng Sơn), Trường THPT Thu Xà (Quảng Ngãi)... Đáng chú ý, tại Trường THPT Ngô Quyền (Bình Thuận), điểm nguyện vọng 1 là 7,75 điểm cho 3 môn, trong đó Toán, Ngữ văn nhân đôi, Ngoại ngữ hệ số 1, tức thí sinh cần đạt hơn 1,5 điểm/môn là trúng tuyển.

Tại TPHCM, hàng loạt trường ở huyện Cần Giờ, Củ Chi, TP Thủ Đức lấy đầu vào 10,5 - 12 điểm cho 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có). Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt trung bình 3,5 - 4 điểm điểm mỗi môn là đỗ vào lớp 10 THPT. Một trong những lý do khiến điểm chuẩn thấp là vì các trường này ở ngoại thành, vùng ven, số thí sinh đăng ký vào thấp hơn chỉ tiêu tuyển nên trường không có nhiều sự lựa chọn về HS.

Đổi mới kiểm tra đánh giá

Được biết, nhiều năm qua, ngoài 3 trường chuyên biệt thi tuyển, còn có các trường THPT khác ở Đắk Lắk đều thực xét tuyển vào lớp 10 bằng học bạ THCS. Đây là năm đầu tiên địa phương tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức mới thi tuyển, xét tuyển. Trong số 12 trường thi tuyển, đa số các trường điểm trúng tuyển lớp 10 chỉ từ 5 - 6 điểm cho 3 môn nhưng vẫn thiếu gần 700 chỉ tiêu, Sở GDĐT của tỉnh này đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như HS còn bị động, chưa chuẩn bị cho kỳ thi và công tác tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập của HS bậc THCS ở nhiều địa phương chưa hiệu quả.

Quan điểm của lãnh đạo địa phương này cũng là các trường không nên hạ điểm chuẩn để nhận đủ chỉ tiêu, không nên xét tuyển theo điểm để bổ sung các chỉ tiêu còn thiếu. Quan trọng nhất trong tuyển sinh lớp 10 phải để người dân hiểu và đồng hành nhằm tạo sự công bằng cho mọi HS.

Với điểm chuẩn thấp và điểm liệt nhiều trong kỳ thi vào lớp 10 của tỉnh Đắk Lắk, nhiều ý kiến cho rằng cần thẳng thắn nhìn vào chất lượng giáo dục THCS hiện nay ở địa phương này. Dù chưa có sự so sánh giữa điểm học bạ và điểm thi nhưng nhìn từ số điểm liệt cho thấy, việc kiểm tra, đánh giá trên lớp vẫn còn khoảng cách so với kiến thức thực sự của HS, nhất là khi đề thi được đánh giá là tuân thủ theo quy định về khung ma trận đề kiểm tra bao gồm 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Dẫu vậy, đây không phải là câu chuyện cá biệt trong ngành giáo dục. Sự chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi không chỉ xảy ra ở kỳ thi vào lớp 10 THPT mà kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua cũng cho thấy rõ nét điều đó. Thậm chí, nhiều kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 của các trường THCS chất lượng cao của Hà Nội, TPHCM… cũng cho thấy những bộ học bạ toàn điểm 10, hầu như chỉ có vài điểm 9 trong 5 năm tiểu học, nhưng điểm thi thực tế lại chỉ 2, 3 điểm.

Ngoài lý do là căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục đã được chỉ ra trong nhiều năm qua thì còn một lý do nữa, đó là việc học tập trên lớp ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Phương pháp giảng dạy của giáo viên, học tập của HS chưa đổi mới theo đúng yêu cầu của sở, của Bộ GDĐT. Đặc biệt, việc ra đề thi bắt đầu đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực của HS như câu chuyện đề thi Toán của TPHCM năm 2024 “gây sốc” với nhiều thí sinh bởi những bài toán thực tế vốn ít được giảng dạy trong chương trình trên lớp.

Đổi mới kiểm tra đánh giá luôn là vấn đề được ngành giáo dục nhấn mạnh, nhưng đi cùng với đó phải là đổi mới về phương pháp giảng dạy, học tập để HS không bị hẫng, bị sốc khi gặp những đề thi mới lạ. Điều này cần sự chuyển động đồng đều, mạnh mẽ ở tất cả các giáo viên, các nhà trường, không phải là chỉ ở thành phố lớn, các trường điểm hay lớp chuyên, lớp chọn… mà là trong toàn ngành giáo dục. Qua những kỳ thi chung, đề thi chung, việc dạy và học của từng trường, từng lớp sẽ được phản ánh rõ nét, tuyệt đối sẽ không có việc giáo viên cả nể, nương tay, nâng điểm cho HS vì bất cứ lý do gì.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bat-on-diem-chuan-10285206.html