'Thấu lý đạt tình'

Phương án dùng ngân sách mua lại dự án BOT giao thông đã được Bộ Giao thông Vận tải kiên trì theo đuổi từ vài năm nay.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Trong Phiên họp thứ 16 kéo dài 3 ngày (10 – 12/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT; cụ thể là dùng ngân sách mua lại một số trạm/dự án.

Trước việc “chưa từng có tiền lệ” này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra thảo luận kỹ lưỡng trên tinh thần sâu sát với thực tế, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thẩm quyền để bảo đảm “thấu lý đạt tình”, trước hết là “thấu lý”, khi trình ra Quốc hội.

Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Quốc hội lưu ý như vậy!

Thực tế, phương án dùng ngân sách mua lại dự án BOT giao thông đã được Bộ Giao thông Vận tải kiên trì theo đuổi từ vài năm nay. Trong phương án trình Chính phủ gần đây, Bộ đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác – tổng cộng khoảng hơn 13.000 tỷ đồng - mua lại 8 trạm thu phí/dự án BOT giao thông.

Trong số này có dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí; có dự án không thể thu phí do mất an ninh, trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ. Cũng có dự án đã thu phí nhưng doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng.

Nếu tiếp tục thu phí và áp dụng các biện pháp khác (tăng phí, kéo dài thời gian thu phí...) thì phương án tài chính của các dự án này vẫn bị phá vỡ, dư nợ ngày càng tăng và dự án không thể tiếp tục thực hiện theo hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Tuy vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, trong báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách về đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT vào tháng 4/2021, cho rằng: Đề xuất dùng ngân sách để hỗ trợ hoặc mua lại 8 dự án BOT là không hợp lý bởi chưa đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để xem xét, quyết định mua lại.

Bên cạnh đó, ngoài 8 dự án này còn một số dự án khác bất cập về vị trí đặt trạm thu phí, nhưng người dân địa phương không còn phản đối sau khi được miễn, giảm phí. Nếu Nhà nước mua lại các dự án sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, gây khiếu kiện, mất an ninh, trật tự.

Hơn nữa, Ủy ban Kinh tế cũng lo ngại, việc mua lại dự án gây áp lực cho ngân sách Nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay và đi ngược với chủ trương huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Thời gian trôi đi nhưng lý lẽ của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIV vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra cần thảo luận kỹ lưỡng về việc xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.

Tinh thần là chủ động tháo gỡ vướng mắc, sâu sát với thực tế nhưng phải làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội với vấn đề này, trên cơ sở căn cứ vào Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) và hợp đồng dân sự giữa Chính phủ với các nhà đầu tư.

Dù giải quyết dứt điểm vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT thực sự rất cần thiết, song vấn đề gì thấy cần thiết, chín muồi, có căn cứ chính trị, có cơ sở pháp lý, thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì mới trình Quốc hội xem xét và quyết định.

Tuệ Lâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thau-ly-dat-tinh-post611185.html