Thấy cháy mà không báo sẽ bị phạt: Quy định đã có từ lâu nhưng nhiều người không biết

Chuyên gia cho rằng việc không báo cháy sẽ bị phạt không phải quy định hay đề xuất mới nhưng quy định này chưa bao trùm được hết các tình huống trên thực tế.

Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy (PCCC); cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, dự thảo cũng giữ nguyên một số quy định hiện đang được áp dụng theo Nghị định 144. Trong đó, đáng chú ý là quy định về việc xử phạt đối với hành vi không báo cháy.

Quy định này dù không mới, nhưng lại khiến nhiều người bất ngờ vì “trước giờ không biết”. Bạn đọc bày tỏ băn khoăn về việc khi nào sẽ bị xử phạt nếu thấy cháy mà không báo và phải báo cho ai mới được xác định là đã hoàn thành nghĩa vụ.

 Lực lượng chức năng tiếp cận, nỗ lực chữa cháy trong vụ cháy ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG

Lực lượng chức năng tiếp cận, nỗ lực chữa cháy trong vụ cháy ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG

Trách nhiệm báo cháy thuộc về người phát hiện cháy

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Cao Vũ Minh, Trưởng Bộ môn Luật Hành chính - Nhà nước, khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hành vi không báo cháy cũng đã được quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013; sau đây gọi là Luật PCCC).

Cụ thể, Điều 13 Luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến báo cháy, trong đó có báo cháy giả; không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy.

Để xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này, khoản 2 Điều 42 Nghị định 144/2021 quy định: Phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với hành vi báo cháy giả hoặc không báo cháy.

“Do “báo cháy giả” là một hành vi bị nghiêm cấm trong Luật PCCC nên khi vi phạm, chủ thể thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt theo khoản 2 Điều 42 Nghị định 144/2021. Đây là một quy định hợp lý vì thể hiện sự thống nhất giữa chế tài và hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, việc xử phạt hành vi “không báo cháy” theo quy định Nghị định 144 lại chưa thật sự hợp lý”, TS Minh nêu quan điểm.

Theo ông, Điều 33 Luật PCCC quy định “người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy”. Lực lượng PCCC khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy... Điều 32 Luật này quy định thông tin báo cháy bằng hiệu lệnh hoặc bằng điện thoại (số 114 thống nhất trên cả nước).

Bên cạnh đó, Điều 20 Nghị định 136/2020 hướng dẫn Luật PC&CC cũng quy định cụ thể các địa chỉ tiếp nhận việc báo cháy. Theo đó, người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho một hoặc tất cả các đơn vị sau đây: Đội dân phòng hoặc đội PCCC cơ sở, chuyên ngành tại nơi xảy ra cháy; đơn vị Cảnh sát PCCC hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất; chính quyền địa phương nơi xảy ra cháy.

Tổng hợp tất cả các quy định trên, có thể thấy, trách nhiệm báo cháy thuộc về người phát hiện thấy cháy. Trong trường hợp người phát hiện thấy cháy không báo cháy thì sẽ bị xử phạt theo khoản 2 Điều 42 Nghị định 144/2021.

"Tuy nhiên, điều khoản này có lẽ chưa thật sự hợp lý vì chưa cương tỏa hết các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 13 Luật Phòng cháy, chữa cháy. Với cách quy định tại Điều 13 Luật PC&CC là nghiêm cấm hành vi “không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy” thì chủ thể bị xử lý ở đây có thể là bất kỳ ai chứ không riêng gì người phát hiện thấy cháy. Tiếc là quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP chỉ hướng tới một chủ thể vi phạm duy nhất là “người phát hiện thấy cháy”", theo TS Cao Vũ Minh.

Chưa điều chỉnh hết hành vi vi phạm trên thực tế

Nói thêm, TS Minh cho rằng, quy định khoản 2 Điều 42 Nghị định 144/2021 cũng không điều chỉnh hết các hành vi có dấu hiệu trái pháp luật trên thực tế của người phát hiện thấy cháy.

Trường hợp người phát hiện thấy cháy cũng báo cháy nhưng việc báo cháy này được thực hiện một cách chậm chạp, không kịp thời (nhưng không vì lý do khách quan), tức là không lập tức báo cháy. Những hành vi này có dấu hiệu trái pháp luật vì không thuân thủ các quy định của Luật PCCC và Nghị định 136/2020.

Tuy nhiên, người có thẩm quyền sẽ không thể tìm thấy cơ sở pháp lý để xử phạt bởi Nghị định 144/2021 không có quy định xử phạt những hành vi này. Rõ ràng, người phát hiện thấy cháy chỉ là “không báo cháy kịp thời” chứ không phải là “không báo cháy”. Và như vậy thì không thể xử phạt bởi Nghị định 144 không quy định hành vi “không báo cháy kịp thời” là vi phạm hành chính và bị xử phạt.

"Hiện nay, dự thảo nghị định mới sửa đổi Nghị định 144 tiếp tục giữ nguyên quy định về việc phạt tiền từ 4- 6 triệu đồng đối với hành vi “không báo cháy”. Việc duy trì quy định trên là chưa phù hợp với thực tế", TS Minh nói và đề xuất trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể điều chỉnh lại quy định trên như sau: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi “người phát hiện thấy cháy không báo cháy hoặc không báo cháy kịp thời; không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy”.

Nâng mức phạt tiền với nhiều hành vi vi phạm về PCCC

Dự thảo nâng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định trong việc:

- Ban hành, phổ biến và thực hiện nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; vi phạm quy định về hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Vi phạm quy định về khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy và ngăn cháy...

Ngoài ra, giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

NGUYỄN QUÝ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thay-chay-ma-khong-bao-se-bi-phat-quy-dinh-da-co-tu-lau-nhung-nhieu-nguoi-khong-biet-post800847.html