Thầy cô gọi học sinh bằng 'con': Không phải cách xưng hô lạc hậu hay bảo thủ!

Theo chuyên gia, câu 'mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy' là coi thầy như đấng sinh thành ra mình. Bố mẹ sinh thành ra thân xác của mình, còn thầy cho mình trí tuệ, đạo đức.

Hiện nay, xảy ra tranh luận về việc giáo viên không được gọi học trò là “con”, “các con”. Nhiều phụ huynh cho rằng, cần có chuẩn mực trong xưng hô ở trong nhà trường.

Nhưng có người lại cho rằng, cách xưng hô như vậy không ảnh hưởng gì tới môi trường học đường. Thậm chí, đặt vấn đề cấm thầy cô xưng học trò là “con” là vô lý.

Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với PGS Lê Quy Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo thầy Lê Quý Đức, trước đây, trong xã hội truyền thống ở thời phong kiến thì học trò gọi “thầy” và xưng “con”. Thầy gọi học trò là “con” và xưng “thầy”. Nhưng sau cách mạng Tháng 8 thì việc xưng hô giữa thầy và trò có thay đổi, thầy gọi học sinh bằng “em”.

Học sinh khi đến trường cần được nhận sự yêu thương, đùm bọc từ thầy cô.

Còn bây giờ cũng chưa có quy định nào nhưng việc thầy xưng học trò là “con” thì cũng có cái gì đó mang tính truyền thống, lặp lại truyền thống.

Việc xưng hô học trò là “con” trong thời xưa có thể xuất phát từ quan điểm nho giáo, rằng học trò xưng “con” đối với thầy cũng là cái nghĩa xem thầy như đối với người sinh thành ra mình.

Câu “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” là coi thầy như đấng sinh thành ra mình. Bố mẹ sinh thành ra thân xác của mình, còn thầy cho mình trí tuệ, đạo đức.

“Cho nên xưng “con” với thầy cô là quan điểm truyền thống nhưng tôi cho rằng đây không phải cách cách xưng hô lạc hậu hay bảo thủ. Việc sau Cách mạng Tháng 8, rồi hòa bình, có thay đổi cách học trò xưng với thầy là “em” và thầy cô gọi học trò là “em” vì thời đó quan niệm rằng quan hệ thầy trò trong thời kỳ mới bình đẳng hơn so với thời kỳ phong kiến hay xã hội truyền thống” - chuyên gia Lê Quý Đức chia sẻ.

Theo PGS Lê Quý Đức, việc ngày nay có một số nơi thầy cô, học sinh quay trở lại cách xưng hô gọi học sinh là “con” như xã hội truyền thống. Nếu với học sinh bậc mầm non, tiểu học thì cách xưng hô học trò là “con” cũng được. Vì các em ở cái tuổi như con của các thầy cô giáo.

Nhưng ở bậc cao học cao hơn, thầy trò cách nhau 5 đến 7 tuổi, thậm chí cách nhau không nhiều tuổi lắm mà xưng “con” thì có cái gì đó hơi gượng gạo. Còn những thầy cô gần 50 tuổi xưng học trò là “con” cũng được.

“Tuổi tôi học trò xưng con cũng thấy xứng đáng vì mình còn hơn tuổi của bố mẹ các em. Nhưng thầy 50 tuổi mà học sinh 40 tuổi mà xưng “con” thì thấy chưa phù hợp. Nói chung rất khó để đưa ra quy định bắt buộc” - thầy Lê Quý Đức nhấn mạnh.

Theo ông Lê Quy Đức, cách xưng hô có lẽ để xã hội tự phát, thấy thuận khẳng định, không thuận sẽ thay bằng cái khác phù hợp hơn. Nếu nhà nước không quy định thì để cộng đồng tự vận động trong quan hệ xưng hô giữa thầy và trò.

“Việc đặt ra vấn đề có nên xưng học trò là “con” hay không thì tôi cho rằng điều này đang tái lập lại cách xưng hô trong truyền thống. Đây là một quá trình vận động tự nhiên” - PGS Lê Quý Đức nhận định.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thay-co-goi-hoc-sinh-bang-con-khong-phai-cach-xung-ho-lac-hau-hay-bao-thu-post181593.html