Thầy cô trong chúng em

PTĐT - 'Mấy ai là kẻ không thầy - Thế gian thường nói không thầy sao nên'. Trong suốt quãng đường trưởng thành của mỗi người, có lẽ không thể thiếu vắng hình bóng thầy cô. Để lưu giữ những hình ảnh đẹp về người thầy, trường THPT Công nghiệp Việt Trì đã tổ chức cuộc thi ảnh 'Khoảnh khắc của thầy cô giáo'. Đằng sau mỗi tấm ảnh là một câu chuyện đẹp về những người thầy người cô qua lăng kính tinh nghịch mà cũng rất đỗi thân thương của học trò.

PTĐT - “Mấy ai là kẻ không thầy - Thế gian thường nói không thầy sao nên”. Trong suốt quãng đường trưởng thành của mỗi người, có lẽ không thể thiếu vắng hình bóng thầy cô. Để lưu giữ những hình ảnh đẹp về người thầy, trường THPT Công nghiệp Việt Trì đã tổ chức cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc của thầy cô giáo”. Đằng sau mỗi tấm ảnh là một câu chuyện đẹp về những người thầy người cô qua lăng kính tinh nghịch mà cũng rất đỗi thân thương của học trò.

“Cảm ơn cô đã đến với chúng em. Cảm ơn cô đã cho chúng em hiểu được một môi trường tập thể với sự độc lập, tự giác và ý thức trách nhiệm cao. Cảm ơn cô đã giúp đỡ, quan tâm và đồng hành cùng chúng em. Cảm ơn cô - “người lái đò” âm thầm lặng lẽ luôn dõi theo từng bước chúng em đi; nâng đỡ, bao dung khi chúng em va phải sự ngây ngô và dại khờ của tuổi học trò”. Những chia sẻ giản dị của cô học trò nhỏ với cô Minh Trang – giáo viên chủ nhiệm của mình.

Tình cảm thấm vào từng câu từng chữ. Sự trưởng thành và nhận thức về cuộc sống xung quanh của học trò có cô góp công rất lớn. Thầy cô không chỉ là người đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức. Thầy cô còn là những bậc “cha mẹ” thứ hai của học sinh, lắng nghe những tâm tư tình cảm của “tuổi mới lớn”, để khuyên bảo, để sát cánh kịp thời lúc các em nhỡ sa chân lỡ bước. Trong suốt ba năm học tập dưới mái trường, kỷ niệm với thầy cô có lẽ không thể kể hết. Nhưng đọng lại trong tâm trí của mỗi học sinh sẽ là nụ cười, là những tiết học vui nhộn hài hước hay những cử chỉ quan tâm ân cần.

Cô Thu Hà là một giáo viên trẻ tuổi nên cách tiếp cận và phương pháp giảng dạy học sinh cởi mở đã gây ấn tượng mạnh mẽ với các em. Thành tích và điểm số không phải là yếu tố được quan tâm hàng đầu mà là tài năng của mỗi học sinh và sự hạnh phúc thật sự của các em khi học tập dưới mái trường. Mỗi tiết học sẽ là những giờ học thoải mái, đầy cảm hứng và lan tỏa bằng sự thấu hiểu, yêu thương.Có ai đã từng thắc mắc: “Thầy hiệu trưởng mà đứng lớp thì thế nào nhỉ?”, “Chắc là phải khó tính và khắt khe lắm đây”. Nhưng không, các bạn lớp 11F - K46 lại cảm thấy may mắn khi được thầy Nguyễn Ngọc Toán – thầy hiệu trưởng kiêm giáo viên môn Vật Lý trực tiếp giảng dạy: “Sự tâm huyết là điều mà chúng em cảm nhận được trong suốt mỗi tiết học của thầy. Mỗi giờ lên lớp, thầy “hô biến” những công thức lằng nhằng, những con số trở nên dễ hiểu và bổ ích biết bao. Triết lý cuộc sống được thầy cài vào những bài giảng khiến chúng em vô cùng thích thú.”

Nhiều thầy cô Ban giám hiệu bận bịu tối ngày nhưng vẫn trực tiếp đứng lớp. Họ vừa làm công tác của nhà quản lý nhưng vẫn “truyền lửa” cho bao thế hệ học sinh bằng niềm đam mê đối với tri thức. Những tình cảm trong sáng, nụ cười ngây thơ của các em học sinh dường như giúp các thầy cô Ban giám hiệu lấy lại được “cân bằng” sau đống công văn, giấy tờ, báo cáo. Vì trước khi trở thành Hiệu trưởng, Hiệu phó, các thầy cô ấy cũng đã là “thầy” quen thuộc với phấn trắng bảng đen và gắn kết với học trò bằng sợi dây yêu thương mầu nhiệm. Thật ra, niềm hạnh phúc của thầy cô không phải đến từ tấm Bằng khen cuối năm học cũng không phải là danh hiệu Giáo viên giỏi. Đó là sự “thành tài” của những học sinh mà mình đã dày công dạy dỗ. Những lời cảm ơn, tri ân đẹp đẽ nhất được các thế hệ học sinh gửi tới những “người lái đò”. Mong thầy cô thật nhiều sức khỏe và luôn vững vàng trên con đường “trồng người” cao quý, thiêng liêng.

Thùy Trang - Hoàng Nhật

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/201911/thay-co-trong-chung-em-167873