Thầy dạy khóc ở Nhật Bản
Gần 8 năm qua, Hidefumi Yoshida đã giúp 50.000 người rơi nước mắt. Theo ông, khóc có hiệu quả hơn so với cười hoặc ngủ trong việc giải tỏa căng thẳng.
Hidefumi Yoshida (Nhật Bản) là một “tear teacher” - chuyên gia hướng dẫn mọi người cách rơi nước mắt như một cách giải tỏa căng thẳng và có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Cựu giáo viên trung học tự gọi mình là “namida sensei” (thầy dạy khóc) và gọi kỹ thuật dạy khóc của mình là “rui-katsu” - cụm từ mang ý nghĩa: tìm kiếm nước mắt.
Ông thường xuyên tổ chức các hội thảo và bài giảng trên khắp Nhật Bản, dạy mọi người về lợi ích của việc rơi nước mắt, dù chỉ vài giọt mỗi tuần và hướng dẫn họ cách làm được điều đó.
Khóc để hạnh phúc hơn
Nhật Bản nằm trong số những quốc gia có người dân ít khóc nhất thế giới. Một số quan điểm còn cho rằng tồn tại tâm lý kỳ thị đối với việc rơi nước mắt tại các quốc gia châu Á, coi đó là hành động nhạy cảm, thể hiện sự yếu đuối.
Tuy nhiên, theo Hidefumi Yoshida, người Nhật vốn có khuynh hướng dễ khóc. Song sự thay đổi trong nhận thức xã hội đã khiến mọi người, từ trẻ tới già, dần dần không thể rơi nước mắt và họ sống khép kín hơn.
Yoshida đã cố gắng thay đổi nhận thức này bằng cách giáo dục mọi người về lợi ích của việc khóc, coi nó như một cách thư giãn và chống lại căng thẳng.
Gần 8 năm qua, người đàn ông 45 tuổi đã giúp 50.000 người có thể rơi nước mắt, góp phần xóa bỏ tâm lý "kỳ thị" của xã hội Nhật Bản đối với việc khóc.
“Nếu khóc một lần mỗi tuần, bạn có thể có cuộc sống không căng thẳng. Việc rơi nước mắt có hiệu quả hơn so với cười hoặc ngủ trong việc giải tỏa stress”, Yoshida nói với Japan Times.
Người đàn ông 45 tuổi giải thích rằng khóc mang lại những lợi ích to lớn cho sức khỏe tinh thần bằng cách kích thích hoạt động thần kinh phó giao cảm, làm chậm nhịp tim và có tác dụng làm dịu tâm trí. Khóc càng to, bạn càng thấy tâm trạng tốt hơn.
Gào khóc thật to là tốt nhất, nhưng nếu không thể làm vậy, chỉ cần rơi vài giọt nước mắt cũng đủ làm nên điều kỳ diệu cho cảm xúc và sức khỏe. Quan trọng là giọt nước mắt đó phải chứa đựng cảm xúc.
Hidefumi Yoshida giải thích rằng nước mắt cũng được phân loại. Những giọt nước mắt từ trải nghiệm cảm xúc ngắn - như khi xem một bộ phim lãng mạn, đọc một cuốn sách hay nghe bài hát mang xúc cảm mạnh mẽ - là loại tốt nhất.
Nước mắt khi khóc do đau buồn thì rất khác. Chúng khiến người ta cảm giác đau khổ về lâu dài và gây ra những hậu quả tiêu cực.
Yoshida đã giảng dạy về lợi ích của việc khóc trong gần 8 năm qua. Nhưng sự nghiệp của ông thực sự gặt hái thành công từ năm 2015, khi Nhật Bản đưa ra chương trình kiểm tra mức độ căng thẳng bắt buộc đối với các công ty có từ 50 nhân viên trở lên.
Kể từ đó, ông bận rộn khi có rất nhiều lời mời từ các công ty và tổ chức khác nhau, liên tục thuyết trình và sử dụng kỹ thuật “rui-katsu” của mình nhằm giúp mọi người giải tỏa căng thẳng.
“Công việc của tôi là giúp mọi người cảm thấy sảng khoái thông qua việc khóc. Tôi đã khiến gần 50.000 người rơi nước mắt trong những năm qua”, Yoshida nói với BBC.
Ông sử dụng phim, sách dành cho trẻ em và thư để khiến mọi người khóc. Các bộ phim được dùng thuộc các chủ đề đa dạng như gia đình, động vật, vận động viên hoặc thiên nhiên. Một số học viên đơn giản rơi nước mắt vì chỉ nhìn thấy cảnh đẹp.
“Trước đây, tôi không chắc mình có khóc được không. Nhưng tôi ngạc nhiên khi nhận ra bản thân ngập tràn cảm xúc và đã khóc đến mức xé lòng. Tôi thấy rất sảng khoái, như vừa được gột rửa”, một người tham gia lớp của Yoshida bày tỏ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thay-day-khoc-o-nhat-ban-post1142140.html