Thầy đồ trẻ Nguyễn Bá Đức: Gieo chữ tâm, giữ nét Việt trên trang giấy

Giữa nhịp sống hối hả, có một người thầy vẫn miệt mài sáng tạo, thổi hồn vào từng nét chữ. Anh là Nguyễn Bá Đức (sinh năm 1990, Thị trấn Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, và hơn thế anh còn là một thầy đồ trẻ đang nỗ lực không ngừng để giữ gìn và phát triển nghệ thuật thư pháp trong dòng chảy văn hóa đương đại.

Nơi tình yêu bắt đầu

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa nghệ thuật, Nguyễn Bá Đức đã sớm được “tắm mình” trong không gian nghệ thuật. Những bức tranh tinh tế của người ông, những vần thơ sâu lắng của người cha không chỉ là kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ mà còn là nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ trong anh.

Anh nhớ lại ngày còn thơ bé, khi các câu hỏi cứ lớn dần trong tâm trí: “Sao ông với bố lại vẽ được những hình ảnh sống động như vậy? Sao những con chữ mềm mại dưới ngòi bút lông lại có thể truyền tải bao nhiêu ý tứ?”. Sự kỳ diệu của nét vẽ, con chữ đã gieo vào lòng cậu bé ấy một sự tò mò, một niềm yêu thích vô hình, âm ỉ như mạch nguồn chảy mãi.

 Truyền thống gia đình đã thắp lên trong Nguyễn Bá Đức ngọn lửa của tình yêu thư pháp. Ảnh: NVCC

Truyền thống gia đình đã thắp lên trong Nguyễn Bá Đức ngọn lửa của tình yêu thư pháp. Ảnh: NVCC

Lớn lên, anh may mắn được người bác gửi gắm tới Nhân Mỹ học đường, một không gian văn hóa ẩn mình dưới mái chùa Nhân Mỹ (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Không gian văn hóa tĩnh tại và sự tận tâm của các thầy đã khơi dậy, nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc với những con chữ, mở ra một thế giới triết lý và nghệ thuật trong anh.

Miệt mài theo đuổi thư pháp Việt

Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu và luyện tập thư pháp chữ Hán, anh Nguyễn Bá Đức nhận ra một khát vọng sâu sắc hơn trong lòng: Làm sao để vẻ đẹp của thư pháp có thể gần gũi hơn với người trẻ, làm sao để những con chữ Quốc ngữ cũng có thể mang trong mình tinh thần và nghệ thuật thư pháp truyền thống? Từ đó, anh bắt đầu mày mò nghiên cứu và phát triển một phong cách thư pháp riêng dựa trên chữ Latin, mà anh trìu mến gọi là “thư pháp Việt” hay “thư pháp Quốc ngữ”. Đây là một hành trình đầy thử thách, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng để dung hòa giữa những nguyên tắc cơ bản của thư pháp cổ điển và sự linh hoạt, đa dạng của chữ viết hiện đại.

 Con đường theo đuổi thư pháp đầy gian nan, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng Ảnh: NVCC

Con đường theo đuổi thư pháp đầy gian nan, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng Ảnh: NVCC

Sau những giờ làm việc căng thẳng trên giảng đường, không gian riêng của anh Đức trở thành một “thư phòng” nhỏ bé, nơi anh tìm lại sự cân bằng và tĩnh tại trong từng nét bút. Anh luôn tâm niệm rằng, thư pháp không chỉ là kỹ năng của đôi tay mà còn là sự thể hiện của tâm hồn. “Khi viết, tôi thường tĩnh tọa, suy nghĩ về ý nghĩa của từng con chữ. Mọi cử chỉ đều phải chậm rãi, hơi thở điều hòa, tâm trí tập trung như đang đối diện với một bậc cao nhân. Chỉ khi đó, những con chữ viết ra mới có thể đạt đến cái đẹp thực sự”, anh chia sẻ.

Anh cũng chia sẻ về sự kỳ diệu của thư pháp trong việc thể hiện trạng thái và hình tượng: “Thể thái của chữ khi viết ra tất phải hợp với hình trạng của chữ. Thậm chí, từng nét chữ cũng có thể biểu lộ cảm xúc, như vui, buồn, động, tĩnh. Chỉ một chấm, một nét thôi cũng cần phải có tình thái, có ý tứ, đó mới thực sự là thư pháp”.

 Với anh, thư pháp không chỉ là kỹ năng của đôi tay mà còn là sự thể hiện của tâm hồn. Ảnh: NVCC

Với anh, thư pháp không chỉ là kỹ năng của đôi tay mà còn là sự thể hiện của tâm hồn. Ảnh: NVCC

Thủy thể của Bá Đức

Để đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật thư pháp, theo anh Đức, người viết cần phải trau dồi cả “Bút pháp” và “Tâm pháp”. “Tâm pháp” là cốt lõi, đòi hỏi người học trau dồi tâm hồn trong sáng qua việc đọc điều hay, làm việc thiện. Khi tâm hồn đẹp, ý tưởng thể hiện trong chữ mới sâu sắc. Sau đó, “Bút pháp” - kỹ năng dùng bút lông - sẽ được hoàn thiện qua quá trình khổ luyện và cảm nhận

Phong cách thư pháp độc đáo của anh mang đậm dấu ấn văn minh lúa nước và tinh thần quật cường Việt Nam. Anh gọi đó là “Thủy pháp”, được gợi mở từ hình ảnh những dòng sông quê uốn lượn thân thương và khí thế hào hùng trong lịch sử chống giặc trên sông Bạch Đằng, Như Nguyệt, Rạch Gầm Xoài Mút. “Tôi muốn thể hiện sự mềm mại, uyển chuyển của nước, nhưng đồng thời vẫn truyền tải được sức mạnh, sự kiên cường bất khuất của dân tộc”, anh giải thích.

 Nét vẽ, con chữ của anh vừa mềm mại, lại chuyển tải được sự mạnh mẽ, dứt khoát. Ảnh: Thanh Thảo

Nét vẽ, con chữ của anh vừa mềm mại, lại chuyển tải được sự mạnh mẽ, dứt khoát. Ảnh: Thanh Thảo

Trong các tác phẩm thư pháp của mình, anh Đức còn khéo léo lồng ghép những hình ảnh quen thuộc của tranh Đông Hồ, một nét văn hóa dân gian đặc sắc. Anh chia sẻ, những hình ảnh như “Vinh hoa”, “Phú quý”, “Gà đại cát”, “Mục đồng thổi sáo” không chỉ gợi lại ký ức tuổi thơ mà còn là phương tiện để anh truyền tải những giá trị truyền thống đến gần hơn với đời sống hiện đại. Điều đáng trân trọng là những hình ảnh này đều do chính tay anh thực hiện, tạo nên một dấu ấn thẩm mỹ độc đáo cho các tác phẩm.

Với niềm đam mê và sự cống hiến không mệt mỏi, anh Đức đã có cơ hội được mang chữ của mình tới nhiều sự kiện văn hóa quan trọng. Việc được chấp bút tại “Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024” tổ chức tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) tháng 12-2024 là một vinh dự lớn đối với anh. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên tổ chức các gian hàng trải nghiệm hay đến các trường tiểu học, tận tâm hướng dẫn các em học sinh những nét chữ đầu tiên trong các buổi ngoại khóa, gieo mầm yêu thích thư pháp cho thế hệ măng non.

 Gian hàng Thư pháp của anh tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. Ảnh: NVCC

Gian hàng Thư pháp của anh tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. Ảnh: NVCC

Gieo chữ, ươm mầm tương lai

Trong sâu thẳm trái tim, anh Đức luôn ấp ủ một nguyện vọng cao đẹp: Được truyền dạy nghệ thuật thư pháp miễn phí cho các em nhỏ, đặc biệt là các em trong độ tuổi từ 8 đến 10. Anh tin rằng, việc tiếp xúc với thư pháp từ sớm sẽ giúp các em nuôi dưỡng tâm hồn, rèn luyện sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cảm thụ cái đẹp của văn hóa truyền thống.

 Niềm vui lớn nhất của anh chính là lan tỏa con chữ tới trẻ nhỏ. Ảnh: NVCC

Niềm vui lớn nhất của anh chính là lan tỏa con chữ tới trẻ nhỏ. Ảnh: NVCC

“Tôi muốn gieo vào các cháu những hạt giống tốt lành về trí tuệ, về lòng biết ơn đối với truyền thống của ông cha, về tình yêu sâu sắc đối với quê hương, đất nước thông qua từng nét chữ”. Anh hy vọng rằng, những buổi học thư pháp không chỉ là nơi các em học viết chữ đẹp mà còn là nơi các em học làm người, học những giá trị đạo đức cao đẹp.

Người giảng viên trẻ ấy đang lặng lẽ cống hiến cho di sản thư pháp. Với anh, mỗi con chữ là tiếng lòng, kết nối quá khứ - hiện tại, làm giàu bản sắc Việt. Hành trình âm thầm “gieo chữ, giữ hồn Việt” của anh là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của tình yêu văn hóa truyền thống, lan tỏa đến muôn đời sau.

THANH THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/thay-do-tre-nguyen-ba-duc-gieo-chu-tam-giu-net-viet-tren-trang-giay-829575