Thay đổi biện pháp kích cầu tiêu dùng

Sau năm 2023 nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu, ưu tiên tiêu dùng của khách hàng, từ đó có giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa

Tại buổi làm việc với một số hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam về giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước chiều 13-8, Bộ Công Thương cho biết từ năm 2021 đến nay, sức mua ở thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm tại nhiều thời điểm, tác động tiêu cực đến mục tiêu chung về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Tăng cường giảm giá

Tính chung trong cả giai đoạn 2021 - 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13%-13,5%/năm). 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Chiến lược thương mại trong nước.

Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc đối ngoại AEON Việt Nam, cho biết năm 2024, thị trường bán lẻ đã dần tăng trưởng trở lại. AEON học được kinh nghiệm từ khó khăn của năm 2023 và hiểu được sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau dịch COVID-19 nên thực hiện điều chỉnh chiến lược kinh doanh. "Chúng tôi tổ chức chương trình giá tốt mỗi ngày, liên kết với các nhà sản xuất để có sản lượng và giá bán ổn định. Nhóm sản phẩm organic và sản phẩm liên quan sức khỏe cũng được gia tăng để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng mới. Công ty đồng thời đẩy mạnh kết hợp với nhà sản xuất địa phương làm hàng nhãn riêng để có sản phẩm đa dạng, giá tốt, mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất, nhà phân phối lẫn người tiêu dùng" - bà Huệ nêu cách làm.

Các siêu thị đẩy mạnh các chương trình bán hàng giá tốt để kích cầu tiêu dùng

Các siêu thị đẩy mạnh các chương trình bán hàng giá tốt để kích cầu tiêu dùng

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại miền Trung, miền Nam của Central Retail Việt Nam, người tiêu dùng hiện nay giảm tần suất đi mua sắm tại siêu thị nhưng giá trị giỏ hàng trong mỗi lần mua sắm lại cao hơn. Do đó, bên cạnh các chương trình khuyến mãi giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng, hệ thống siêu thị GO!, Big C (thuộc Central Retail) đã có nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm các địa phương để mở rộng đầu ra cho hàng hóa các tỉnh, thành.

Cũng kích cầu bằng cách đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất với giá tốt nhất, bà Huỳnh Bích Thủy, Giám đốc phòng giao dịch nhà cung cấp Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), chỉ ra nhu cầu tiêu dùng hiện nay tập trung vào thực phẩm thiết yếu, hàng tươi sống. Những mặt hàng phi thực phẩm tiêu thụ chậm dần do bị cạnh tranh bởi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc đang áp đảo thị trường qua kênh online. "DN ngành hàng phi thực phẩm bị mất thị phần nên rất dè dặt trong sản xuất, cung ứng. Chúng tôi đang tìm cách khôi phục nhu cầu mua sắm của nhóm hàng này" - bà Thủy chia sẻ.

Tập trung phát triển nguồn hàng

Cũng theo bà Huỳnh Bích Thủy, 2 năm nay TP HCM và các tỉnh, thành đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu. Từ đầu năm 2024 đến nay, trung bình mỗi tháng Saigon Co.op tham gia 2 cuộc kết nối với nhà sản xuất các tỉnh, thành. Tuy nhiên, các nhà sản xuất là HTX, DN OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) các tỉnh, thành hầu như sản xuất nhỏ lẻ, không đáp ứng được đơn hàng và khâu giao nhận nên không trụ được lâu.

Đồng quan điểm, ông Hà Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), đề xuất các tỉnh nên tập hợp các nhà sản xuất địa phương và có một DN đứng ra làm đầu mối cung cấp vào các hệ thống bán lẻ hiện đại thay vì để mỗi DN tự làm sẽ không hiệu quả. "Tây Ninh đã làm tốt mô hình này, mở được đầu ra cho nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh" - ông Sơn gợi ý.

Tiếp thu các ý kiến chia sẻ, góp ý của DN, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho hay Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp để phát triển nguồn hàng; thông qua các DN bán buôn bán lẻ, hiệp hội để định hướng cho sản xuất trong nước. "Khâu phân phối - lưu thông hết sức quan trọng để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Nếu làm tốt khâu phân phối, logistics sẽ có thể sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn" - ông Chinh thông tin.

Không đánh đổi chất lượng để giảm giá

Một số DN bán lẻ cho rằng chương trình khuyến mãi chung của TP HCM triển khai kéo dài, "loãng" và không có điểm nhấn. Phản hồi ý kiến này, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương TP HCM, cho biết chương trình khuyến mãi tập trung (Shopping Season) hiện nay kéo dài 3 tháng. Trong thời gian đó sẽ có những đợt cao điểm kích cầu và được người tiêu dùng hưởng ứng rất tốt. "Tuần trước, Sở Công Thương vừa phát động chuỗi hoạt động bán hàng lưu động phục vụ người dân có thu nhập thấp, công nhân - lao động, kéo dài từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 9. Dự kiến cuối tháng này sẽ có thêm chương trình khuyến mãi hàng hiệu. Ngành công thương và các DN tập trung giảm giá tối đa cho người tiêu dùng nhưng kiên quyết không đánh đổi chất lượng để có giá tốt" - ông Hùng khẳng định.

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thay-doi-bien-phap-kich-cau-tieu-dung-196240813210157696.htm