Thay đổi cách tiếp cận

Sự kiện chính quyền Taliban cử đại diện tham dự hội nghị lần thứ 3 do Liên hợp quốc (LHQ) chủ trì về Afghanistan dự kiến diễn ra từ ngày 30-6 đến 1-7 tới tại thủ đô Doha của Qatar đang thu hút sự chú ý trong dư luận quốc tế.

Lực lượng Taliban gác tại hiện trường một vụ tấn công ở Faizabad, tỉnh Badakhshan (Afghanistan)

Lực lượng Taliban gác tại hiện trường một vụ tấn công ở Faizabad, tỉnh Badakhshan (Afghanistan)

Phía Taliban cho biết, phái đoàn tham gia hội nghị để đại diện cho Afghanistan, bày tỏ quan điểm liên quan các chủ đề quan trọng như viện trợ cho Afghanistan và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư. Người đứng đầu văn phòng liên lạc của Phái đoàn Hỗ trợ LHQ tại Afghanistan (UNAMA) có trụ sở tại Pakistan, Malick Ceesay, cho rằng việc gây chú ý rất cần thiết cho quốc gia đang chìm trong khủng hoảng như Afghanistan. Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến nhiều cuộc xung đột, LHQ không muốn Afghanistan bị lãng quên.

Việc lần đầu tiên tham dự hội nghị cũng đánh dấu bước chuyển biến trong cách tiếp cận các tổ chức quốc tế của chính quyền Taliban. Hội nghị về Afghanistan do Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khởi xướng nhằm mục đích tăng cường sự can dự của cộng đồng quốc tế với Afghanistan một cách chặt chẽ, nhịp nhàng và có tổ chức hơn.

Taliban đã vắng mặt tại cả 2 kỳ hội nghị diễn ra vào tháng 5-2023 và tháng 2-2024, với lý do LHQ không chấp nhận các điều kiện của họ liên quan vấn đề viện trợ. Đồng thời, bác bỏ những chỉ trích liên quan chính sách hà khắc đối với phụ nữ Afghanistan. Giới quan sát kỳ vọng cuộc họp ở Doha lần này sẽ tạo cơ sở cho việc tổ chức loạt cuộc họp có ý nghĩa giữa các bên liên quan về vấn đề đảm bảo quyền cho phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan.

Đến nay, chính quyền Taliban vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và các cơ quan viện trợ đã cắt giảm tài trợ cho Afghanistan. Tham vọng tiến tới tự cung tự cấp của chính quyền Taliban không như ý khiến nền kinh tế Afghanistan tiếp tục xấu đi.

Theo số liệu của LHQ, số người Afghanistan có nhu cầu nhân đạo đã tăng khoảng 60% kể từ năm 2021 và hiện chiếm hơn 2/3 dân số. Việc Taliban áp đặt những quy định hạn chế hà khắc đối với phụ nữ, như cấm tiếp cận hệ thống giáo dục và lệnh cấm làm việc với các cơ quan viện trợ cả trong nước và ngoài nước cũng khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Tây Nam Á vốn đã nghiêm trọng càng khốc liệt hơn.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thay-doi-cach-tiep-can-post745087.html