Thay đổi cách tiếp cận quan hệ thương mại và đầu tư sang thế chủ động

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tất cả những biến động chính là cơ hội. Đây là thời cơ để Việt Nam tái cấu trúc lại nền kinh tế tự chủ, phát triển bền vững, gia tăng khả năng chống chịu đối với những bất ổn từ thế giới.

Nhìn lại lịch sử giai đoạn trước, Việt Nam đã từng bị kiện bán phá giá cá tra và tôm vào Mỹ, trong thời gian Mỹ tiến hành điều tra bán phá giá cũng đã áp dụng biện pháp tạm thời. Trong bối cảnh hiện nay,hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang chịu mức thuế tạm thời 10%, trong khi mức thuế đối ứng 46% được hoãn áp dụng trong 90 ngày. “Việc Hoa Kỳ tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày là khoảng thời gian để Việt Nam tiến hành đàm phán về thỏa thuận thương mại đối ứng, cũng là khoảng thời gian để Việt Nam chuẩn bị các giải pháp ứng phó và đồng thời tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự chủ” PGS.TS Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ.

Phân tích tác động thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, theo PGS.TS Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, dù trong giai đoạn đàm phán hay sau đàm phán chính sách này sẽ có những tác động đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam. Nếu sau đàm phán Việt Nam có thể đạt được mức thuế khoảng 10% như các nước mà Mỹ có thặng dư thương mại cũng là một thành công nhưng với mức đó vẫn ảnh hưởng đến xuất khẩu chưa kể có thể cao hơn nhiều vì Mỹ bị thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI. Chính vì vậy, khi bị áp thuế cao, lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp này sẽ suy giảm, dẫn đến nguy cơ mất đơn hàng, tăng chi phí tuân thủ quy định xuất xứ, và thậm chí dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia có ưu đãi thuế quan tốt hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu trước mắt mà còn đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam.

Hiện nay, vấn đề truy xuất nguồn gốc và hàm lượng xuất xứ trở thành yếu tố then chốt trong các cuộc đàm phán thương mại. Đặc biệt, Mỹ đang yêu cầu Việt Nam phải minh bạch về xuất xứ hàng hóa ở mức độ tương đương các quốc gia phát triển như Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này cũng đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp gia công xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những đơn vị sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc ngoài khối ASEAN. Ông Phan Hữu Nghị dẫn chứng, việc Mỹ vừa áp thuế tấm pin năng lượng mặt trời của các nước ASEAN đến 3.521% là điển hình cho minh bạch chuỗi cung ứng, bởi tiếp theo pin năng lượng có thể là gỗ, thép, xe điện, hàng điện tử gia dụng, dệt may... Để duy trì khả năng xuất khẩu sang thị trường Mỹ - một thị trường nhập khẩu khổng lồ với nhiều lựa chọn thay thế, các doanh nghiệp buộc phải nghiên cứu chuyển đổi, sắp xếp lại mô hình sản xuất, đảm bảo tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng. “Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho doanh nghiệp gỗ, thép, pin năng lượng mặt trời, xe điện, hàng điện tử gia dụng, dệt may…” PGS.TS Phan Hữu Nghị nhấn mạnh.

Để chủ động ứng phó với các biện pháp thuế quan của Mỹ, PGS.TS Phan Hữu Nghị đề xuất, Nhà nước cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng. Trước hết, cần xây dựng cơ chế kiểm soát và minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa một cách chặt chẽ, đặc biệt chú trọng tỷ lệ giá trị xuất xứ trong nước và từ Trung Quốc/ASEAN để làm cơ sở đàm phán thuế quan. Đồng thời, cần rà soát kỹ lưỡng danh mục hàng hóa có thể cắt giảm nhập khẩu từ Mỹ nhằm hướng tới cân bằng thương mại, nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các cam kết thương mại quốc tế hiện có.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, cần triển khai ngay các biện pháp như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ, giảm tiền thuê đất và lệ phí, cùng với các gói tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ phải được tính toán kỹ lưỡng để vừa giúp doanh nghiệp vượt khó, vừa đảm bảo tuân thủ các quy định về chống trợ cấp. Song song đó, cần tăng cường quản lý đầu tư và thuế, bao gồm giám sát chặt chẽ dòng vốn FDI để phát hiện hành vi né thuế trung gian, tăng cường thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, và kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế đối với doanh nghiệp gia công.

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe về minh bạch nguồn gốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư hệ thống chứng nhận xuất xứ (CO) và truy xuất chuỗi cung ứng đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt khi Mỹ đang đặt tiêu chuẩn cao ngang với Hàn Quốc và Nhật Bản. Bài học từ vụ áp thuế pin mặt trời cho thấy doanh nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi số và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm thiểu rủi ro về xuất xứ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn lao động, môi trường và minh bạch tài chính để đáp ứng yêu cầu không chỉ của thị trường Mỹ mà cả các thị trường khó tính như EU. “Đồng thời, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang EU, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi thông qua các FTA như EVFTA, CPTPP, UKVFTA là chiến lược quan trọng để giảm phụ thuộc vào một thị trường nhất định” PGS.TS Phan Hữu Nghị chia sẻ.

PGS.TS. Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh cho rằng cần làm rõ giá trị đóng góp của Việt Nam trong các sản phẩm xuất khẩu để đàm phán mức thuế hợp lý; đồng thời loại bỏ các mặt hàng bị cáo buộc là hàng Trung Quốc sử dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển. Ngoài ra, với sự lên ngôi của công nghệ cao, chuyên gia này khuyến nghị Việt Nam nên chọn lĩnh vực phần mềm, bán dẫn, kinh tế số… là ngành kinh tế thế mạnh, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút dòng vốn FDI chất lượng, nhất là FDI từ Mỹ. Cùng với đó là nền chủ động khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ nhằm tìm kiếm nguồn lực. “Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận về quan hệ thương mại và đầu tư từ thế bị động sang chủ động và cần có sự cân bằng cả hai chiều sẽ đạt lợi ích tối ưu hơn”, ông Lợi nhấn mạnh.

Trà Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thay-doi-cach-tiep-can-quan-he-thuong-mai-va-dau-tu-sang-the-chu-dong-163887.html