Thay đổi chiến lược xét nghiệm

Bộ Y tế khuyến nghị, các khu vực nguy cơ cao và rất cao tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát theo hình thức mẫu gộp hộ gia đình.

Người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao tại TPHCM có thể xét nghiệm mẫu gộp hộ gia đình. Ảnh: HCDC

Người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao tại TPHCM có thể xét nghiệm mẫu gộp hộ gia đình. Ảnh: HCDC

Trong đó, khu vực nguy cơ rất cao nên được tầm soát với tần suất 3 ngày/lần. Các khu vực nguy cơ cao thực hiện 1 tuần/lần.

Xét nghiệm mẫu gộp

Trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ngành Y tế đã tổ chức lại công tác xét nghiệm trên địa bàn. Theo đó, việc điều phối xét nghiệm sẽ được giao cho các đơn vị quận, huyện phụ trách từ công tác tổ chức lấy mẫu.

Điều phối xe vận chuyển mẫu đến các phòng thí nghiệm được phân công thực hiện nhằm bảo đảm nhanh chóng, thông suốt trong công tác xét nghiệm. Các đơn vị từ thành phố sẽ tham gia điều phối tổng thể khi các đơn vị quận, huyện quá tải.

Bên cạnh đó, các đơn vị được phân công cũng liên tục rà soát, kiểm tra, đánh giá các đơn vị thực hiện xét nghiệm. Nhờ đó, tiến hành điều chỉnh, điều phối nhằm bảo đảm đáp ứng tiến độ, kết quả xét nghiệm theo quy định.

GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đang phối hợp cùng các đơn vị để tiến hành triển khai tập huấn thực hiện xét nghiệm mẫu gộp bằng phương pháp test nhanh.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế khuyến nghị, các khu vực nguy cơ cao và rất cao sẽ thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát theo hình thức mẫu gộp hộ gia đình. Phương pháp này nghĩa là tất cả các thành viên trong một gia đình được thực hiện chung một mẫu.

Trong đó, khu vực nguy cơ rất cao nên được tầm soát với tần suất 3 ngày/ lần. Các khu vực nguy cơ cao thực hiện 1 tuần/lần. Nếu có điều kiện, thực hiện tiến hành nâng cao tần suất. Đối với các khu vực nguy cơ sẽ được tiến hành tầm soát theo hộ gia đình.

3 chiến lược diện rộng

Người dân lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng (Quận 3, TP HCM).

Người dân lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng (Quận 3, TP HCM).

Chia sẻ về chiến lược xét nghiệm diện rộng, TS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, Đại học Sydney (Australia) đã gợi ý ba phương pháp. Đối với chiến lược đầu tiên, khi dịch tập trung ở vài nhóm, cần nhanh chóng truy vết và xét nghiệm người tiếp xúc để khoanh ổ dịch nhanh.

Nhược điểm là có thể bị lọt ca bệnh, dẫn tới lây lan âm thầm trong cộng đồng.

Do đó, chuyên gia này đề xuất giải pháp xét nghiệm giám sát (nhóm nguy cơ cao, cộng đồng, môi trường), giám sát triệu chứng, giám sát tử vong để sớm phát hiện ổ dịch.

Trong khi đó, chiến lược 2 áp dụng khi dịch lan ra cộng đồng, có nhiều ca không rõ nguồn lây. Khi đó, cần xét nghiệm các cộng đồng có nguy cơ cao, theo chu kỳ, kèm thực hiện chiến lược đầu tiên. Xét nghiệm cộng đồng chỉ hiệu quả khi được tổ chức an toàn, sử dụng kit có độ nhạy cao, cách ly F0 ngay khi có kết quả dương tính.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là cần nhiều nguồn lực. Vì vậy, TS Thu Anh cho rằng, để giải quyết vấn đề, nên áp dụng các cách triển khai hiệu quả cho số mẫu lớn.

Trong đó, bao gồm tự lấy mẫu và gửi mẫu theo cụm dân cư, xét nghiệm gộp, tự xét nghiệm sử dụng kit xét nghiệm nhanh có độ nhạy cao, xét nghiệm chọn mẫu... Đồng thời, lập kế hoạch và xác định ngưỡng tối đa của nguồn lực để xác định thời điểm chuyển sang chiến lược khác. Tiếp tục giám sát.

Với chiến lược 3, trong trường hợp dịch đã bùng phát rộng, năng lực xét nghiệm và cách ly không thể đáp ứng, cần tập trung xét nghiệm và quản lý người có triệu chứng, có nguy cơ cao.

Đồng thời, nâng cao năng lực điều trị. Nhược điểm của phương pháp này là số ca bệnh có thể tăng rất cao do không đủ nguồn lực ưu tiên hoạt động dự phòng. Từ đó, làm tăng gánh nặng cho khối điều trị.

Chuyên gia này đề xuất, giải pháp cần đưa ra là giãn cách kết hợp 5K. Nhờ đó, giảm tốc độ lây nhiễm cũng như áp lực lên hệ thống y tế, giám sát chủng virus.

TS Thu Anh cho biết, khi độ bao phủ của tiêm chủng đủ để làm giảm số ca nhiễm, có hai lựa chọn. Có thể áp dụng chiến lược xét nghiệm 3 và sống chung. Tuy nhiên, có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới gây ra vụ dịch mới, nếu vắc-xin không còn đủ hiệu quả.

Lựa chọn khác là áp dụng chiến lược xét nghiệm 2 để loại bỏ hoàn toàn Covid-19. Song, phương pháp này tốn nguồn lực.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thay-doi-chien-luoc-xet-nghiem-H46ORdm7g.html