Thay đổi cơ cấu thị trường lao động trước 2 đợt 'sóng' lớn

Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế số ngày càng mở rộng đòi hỏi phải bảo đảm có sự tham gia đầy đủ của mọi người, kể cả nhóm yếu thế.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là sự khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số.

Qua thống kê, 9 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tương đối thấp, chỉ đạt 26,1%. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp và người lao động đều đang bị tác động nặng nề do đợt dịch lần thứ 4 kéo dài.

Khảo sát từ các nhóm lao động cho thấy dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là 2 đợt "sóng" lớn tác động đến đời sống người lao động và làm thay đổi cơ cấu tuyển dụng lao động với những kỹ năng nghề khác nhau. Trong đó, nhóm người di cư, khu vực phi chính thức sẽ bị "va đập", sẽ bị tác động nặng nề, có nguy cơ bị tụt lại phía sau.

Khảo sát khoảng 400 doanh nghiệp để chuẩn bị cho diễn đàn đa phương MSF 2021 mới đây của Viện Phát triển doanh nghiệp cho thấy, có tới hơn 40% số doanh nghiệp được khảo sát chưa có chuẩn bị gì về lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0; có 39% số doanh nghiệp mới chỉ dừng ở đang xây dựng kế hoạch và chưa biết nên bắt đầu từ đâu để mang lại hiệu quả trước việc thay đổi nhân lực dưới áp lực ngày càng lớn của 2 đợt “sóng” từ dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Do đó, một số doanh nghiệp tự thích ứng bằng cách tự đào tạo. Có đến 3/4 số doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo, 1/5 số doanh nghiệp đào tạo lao động thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bên ngoài. Dù Nghị quyết 68 có quy định về hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề do tác động của dịch Covid-19 nhưng đến nay mới chỉ có rất ít doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình này.

Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), xu hướng cách mạng mạng công nghiệp 4.0 với thay đổi về số hóa, cộng hưởng với đại dịch Covid-19 đang "tạo ra kịch bản gián đoạn kép của thị trường lao động", kéo theo đó là thay đổi về cơ cấu thị trường lao động; yêu cầu mới về kỹ năng với người lao động.

Phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực lao động phi chính thức lớn; thâm dụng lao động cao. Do đó, thách thức với thị trường lao động, người lao động rất lớn nếu không có sự chủ động, chuẩn bị sẵn sàng bằng những chương trình, đề án phát triển nhân lực có kỹ năng trong thời gian tới thì Việt Nam sẽ phải đối diện với những khó khăn vô cùng lớn của cách mạng công nghiệp 4.0 và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Để người lao động tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần có cơ chế phối hợp giữa các bên, từ Nhà nước đến các tổ chức hiệp hội, người sử dụng lao động, trong đó Nhà nước giữ vai trò nhạc trưởng. Về thể chế, Bộ luật Lao động 2019 đã có chương quy định về phát triển giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề trong đó quy định rõ quyền và trách nhiệm giữa các bên liên quan. Đặc biệt, luật đưa ra hình thức đào tạo tại doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp cùng nhà trường phối hợp đào tạo theo đơn đặt hàng... Cần tổ chức đào tạo trực tuyến với quy mô lớn các kiến thức nền tảng như kỹ năng số, ngoại ngữ, kỹ năng mềm… để đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xác định những ngành chiến lược ưu tiên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có kế hoạch đầu tư, đào tạo nghề gắn liền với việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ...

XUÂN MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/ban-doc-viet/thay-doi-co-cau-thi-truong-lao-dong-truoc-2-dot-song-lon-185380