Thay đổi cơ chế trong quản lý di sản - nhìn từ góc độ chùa Tây Phương
Một thông tin vui tới với người dân huyện Thạch Thất nói riêng, cũng như người dân thủ đô Hà Nội nói chung: Cuối tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chính thức phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương – di tích quốc gia đặc biệt nằm trên địa bàn huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Như vậy là sau gần 10 năm chờ đợi cơ chế, sau rất nhiều lời kêu cứu vì sự xuống cấp, hư hại của các bộ tượng, các công trình kiến trúc, thì giờ đây, chùa Tây Phương đã chính thức được phê duyệt cơ chế để chuẩn bị công tác trùng tu, tôn tạo.
“Linh hồn của chùa Tây Phương chính là các pho tượng” – đây là nhận định chung của đa số du khách đã từng ghé thăm ngôi cổ tự nổi tiếng này. Thế nhưng, thời gian đang bào mòn “linh hồn” ấy bằng những mảng vỡ, bong tróc và cả biến màu. Dư luận những năm 2014-2015 đã từng xôn xao khi chùa Tây Phương kêu cứu vì cơ sở vật chất xuống cấp, không gian chùa bị lấn chiếm, và tới bây giờ, câu chuyện kêu cứu ấy đã có hồi đáp. Thời gian chờ cơ chế khắc phục kéo dài đã tác động không nhỏ tới diện mạo, cảnh quan của chùa.
Câu chuyện “chờ đợi cơ chế” tương tự của chùa Tây Phương là không hiếm, và nó cũng phản ánh đúng thực tế bất cập trong quản lý di sản văn hóa ở nước ta nhiều năm nay. Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến, hi vọng từ những bài học kinh nghiệm ở chùa Tây Phương, công tác trùng tu, tôn tạo di tích sẽ không còn tình trạng di sản xuống cấp phải chờ đợi cả thập niên để tu bổ./.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!