Thay đổi để không lỡ nhịp tăng trưởng

DNVN – Theo GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), trong bối cảnh nền kinh tế có tín hiệu lạc quan nhưng vẫn đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt từ môi trường bên ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng và chủ động thay đổi để vượt qua thách thức.

Cơ hội – rủi ro ở thế cân bằng

TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, triển vọng kinh tế của Việt Nam được nhìn nhận tích cực, cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng.

Năm 2024, tăng trưởng xuất khẩu hàng chế biến và chế tạo – động lực chính của nền kinh tế – có khả năng chững lại trong nửa cuối năm sau khi đạt mức 16,9% trong nửa đầu năm. Trong khi đó, thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục và dự báo sẽ xoay chiều tích cực vào cuối năm 2024 nhờ giải quyết tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và việc Luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 8/2024.

Mặc dù có tín hiệu lạc quan, nền kinh tế vẫn đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt từ môi trường bên ngoài. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, đặc biệt ở các đối tác thương mại chính như Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc, sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.

TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Ngoài ra, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, cùng với sự hồi phục chậm của bất động sản, có thể ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, DN Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, tình trạng bất động sản và thị trường trái phiếu chưa hoàn toàn phục hồi sẽ gây áp lực lên tín dụng, làm suy yếu khả năng mở rộng sản xuất và tăng trưởng của DN. Thêm vào đó, lạm phát dự kiến đạt 4,5% trong năm 2024 có thể gây thêm gánh nặng cho các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Mại cũng cảnh báo về sự yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng. Nếu chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục suy giảm, năng lực cho vay của hệ thống ngân hàng sẽ bị suy giảm, gây khó khăn lớn cho DN, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất và đầu tư đang rất cao.

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp

Để đối phó với những thách thức này, TS Nguyễn Mại khuyến nghị, các DN cần tích cực thực hiện chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa quy trình, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả quản trị. Mặc dù báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company (2020) cho thấy chuyển đổi số tại Việt Nam đang có bước tiến, nhưng thực tế còn nhiều DN gặp khó khăn trong việc triển khai.

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 72% DN không biết bắt đầu từ đâu khi nói đến chuyển đổi số, và 60,1% DN cho rằng chi phí đầu tư cho công nghệ còn cao. Do đó, DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không chỉ về tài chính mà còn về nguồn nhân lực, nhằm sẵn sàng thích ứng với các thay đổi công nghệ.

Ngoài ra, theo Chủ tịch VAFIE, DN cần nâng cao khả năng quản trị rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát tăng cao và môi trường thương mại toàn cầu không ổn định. Việc xây dựng một chiến lược đa dạng hóa thị trường và sản phẩm sẽ giúp giảm thiểu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn, đồng thời tạo ra những cơ hội mới trong các thị trường tiềm năng.

Với cơ quan quản lý Nhà nước, theo TS Nguyễn Mại, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển, trước hết, cần tiếp tục cải thiện chính sách tài khóa và tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và giảm bớt áp lực lạm phát. Chính phủ cần đưa ra những gói hỗ trợ tài chính kịp thời, giúp DN vượt qua khó khăn tín dụng và tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn.

Đồng thời, các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản cần được triển khai mạnh mẽ, nhằm kích thích sự phục hồi của lĩnh vực này. Việc nhanh chóng giải quyết các vướng mắc liên quan đến pháp lý, đặc biệt là về Luật Đất đai và trái phiếu doanh nghiệp, sẽ góp phần tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định và bền vững.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/thay-doi-de-khong-lo-nhip-tang-truong/20241019033207704