Thay đổi để thích ứng với xu hướng thương mại đang thay đổi

Việt Nam đang xúc tiến đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận thương mại mới với Mỹ sau khi nước này công bố kế hoạch đánh thuế đối ứng với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chưa biết mức thuế đối ứng sau cùng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ phải chịu là bao nhiêu, nhưng có điều chắc chắn là sự kiện này sẽ tác động sâu rộng đến một nền kinh tế hướng mạnh về xuất khẩu như Việt Nam.

Trước những thay đổi về chính sách thương mại của Mỹ, và có khả năng những thay đổi này sẽ định hình lại xu hướng thương mại toàn cầu trong tương lai gần, Chính phủ và doanh nghiệp cần sớm có sự chuẩn bị để có thể thích ứng với sự thay đổi này.

Một trong những mục tiêu chính của Chính phủ Mỹ khi đưa ra chính sách thuế đối ứng là giảm thâm hụt với các đối tác thương mại, nên không khó để dự đoán ra kết quả, đó là ngoài cắt giảm thuế cùng các rào cản phi thuế quan khác Việt Nam sẽ phải cam kết nhập khẩu nhiều hơn nữa hàng hóa của Mỹ. Vì vậy, sắp tới nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có thể là các ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và ngành sợi dệt… sẽ buộc phải chuyển qua mua nhiều hơn nguyên liệu đầu vào của Mỹ, thay vì chọn những nguồn cung giá rẻ khác như lâu nay. Sự đánh đổi này không chỉ khiến cho chi phí sản xuất tăng và làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, mà còn có thể gây ra sức ép về lạm phát.

Bên cạnh đó, việc áp dụng hàng rào thuế quan hay các cơ chế phòng vệ theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để bảo hộ hay bảo vệ hàng sản xuất trong nước rồi đây cũng không còn dễ dàng, thậm chí là không thể. Thiếu đi hàng rào bảo hộ này, nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành của Việt Nam sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là với ngành nông nghiệp, chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Nếu doanh nghiệp không thể có đột phá về năng suất lao động để qua đó giảm giá thành sản xuất, đồng thời nâng cấp chất lượng sản phẩm, mà vẫn cạnh tranh dựa vào giá nhân công rẻ và hạ phẩm cấp hàng hóa để hạ giá thành thì cơ hội tồn tại và phát triển sẽ trở nên mong manh.

Ngoài ra, nhiều khả năng là chính sách thuế đối ứng sẽ không chỉ dừng lại ở Mỹ mà sẽ lan sang các đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam. Nếu điều này xảy ra thì những ưu đãi về thuế quan lâu nay các nước giàu dành cho các nước đang phát triển sẽ dần bị thu hẹp, cơ chế thương mại tự do cũng sẽ không còn tự do như lâu nay mà thay vào đó là chính sách thương mại có tính chất có đi có lại giữa các nước. Điều này đặt ra cho Việt Nam vấn đề cần giải quyết để có thể thích ứng.

Trước hết cần xem xét lại chính sách xuất khẩu, trong đó xu hướng chạy theo tốc độ tăng trưởng kim ngạch như lâu nay sẽ không còn phù hợp mà cần phát triển về chất, nghĩa là tập trung vào những ngành có tác động lan tỏa lớn với sản xuất trong nước. Tiếp theo là củng cố, phát triển thị trường nội địa để làm chỗ dựa cho doanh nghiệp trong nước và cũng là để hỗ trợ cho xuất khẩu một cách bền vững.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thay-doi-de-thich-ung-voi-xu-huong-thuong-mai-dang-thay-doi/