Thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sau 8 năm, diện mạo nông thôn, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã nhiều thay đổi từ triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TU của Tỉnh ủy.

Ngày 28/3/2014, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 40 - CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nhiều chuyển biến tích cực tại vùng đồng bào dân tộc đã rất rõ nét.

Hạ tầng được đầu tư đã giúp huyện Si Ma Cai có điều kiện chuyển đổi, đưa cây trồng có giá trị cao vào sản xuất hàng hóa. Trong ảnh: Cây ăn quả ôn đới đang có nhiều triển vọng phát triển tại Si Ma Cai. Ảnh: Hữu Huỳnh

Huyện nghèo Si Ma Cai có gần 40 nghìn nhân khẩu, trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Mông. Những năm qua, huyện Si Ma Cai nhận được sự đầu tư lớn về hạ tầng thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch, nhờ đó diện mạo huyện vùng cao biên giới có nhiều thay đổi, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Năm 2007, toàn huyện chỉ có 28,7 km đường ô tô tới trung tâm xã, 2/3 trong đó là đường rải cấp phối và đường đất, thì đến năm 2016, đã nâng lên 472,8 km (gấp 16,5 lần), đến năm 2020, toàn bộ các xã đã có đường giao thông thuận lợi với tổng chiều dài 702,5 km đường nông thôn được chuẩn hóa các cấp độ (gấp 24,5 lần). Cũng tính cùng thời điểm, huyện Si Ma Cai có 92% số hộ được sử dụng hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh, các trường học, trụ sở UBND xã, thị trấn, các trạm y tế được được kiên cố hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt gần 100%.

Cánh đồng một giống tại xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn.

Cánh đồng một giống tại xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn.

Đồng chí Hoàng Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Sa Ma Cai cho biết: Hạ tầng được đầu tư đã tạo điều kiện cho địa phương tập trung phát triển sản xuất. Kết quả là, tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2011 đạt 18.910 tấn, sau 10 năm đã đạt gần 30 nghìn tấn; tỷ lệ che phủ rừng năm 2011 đạt 26%, đến nay đã vượt qua con số 40%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của huyện gấp 2 lần sau 15 năm; thu nhập bình quân của người dân năm 2011 mới đạt 9,7 triệu đồng, năm 2016 đạt 19,5 triệu đồng, dự kiến trong năm 2022 đạt 28,5 triệu đồng.

Đồng bào Tày xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn) liên tục được mùa lúa từ cấy giống mới.

Đồng bào Tày xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn) liên tục được mùa lúa từ cấy giống mới.

Trên đây chỉ là ví dụ điển hình về những đổi thay từ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Lào Cai có 152 đơn vị hành chính cấp xã thì 70 xã trong số đó thuộc vùng III và 130 thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Trong những năm qua, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Lào Cai đặc biệt quan tâm, trong đó, tỉnh luôn ưu tiên 65% - 70% tổng nguồn lực từ ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (tính trung bình từ năm 2014 đến nay, mỗi năm dành gần 2.000 tỷ đồng).

Trong đó, tập trung vào đầu tư và cải thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện lưới quốc gia, công trình cấp nước sinh hoạt, thiết chế văn hóa. Cùng với đó, các chương trình, dự án phát triển sản xuất, giảm nghèo cũng được các cấp, ngành tập trung triển khai với trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, coi trọng hợp lý hóa cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn thâm canh tăng vụ...

Đồng bào Giáy ở xã Mường Hum (Bát Xát) ổn định đời sống nhờ trồng chè chuyên canh.

Đồng bào Giáy ở xã Mường Hum (Bát Xát) ổn định đời sống nhờ trồng chè chuyên canh.

Đến nay, trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành một số vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao như: Cánh đồng một giống lúa (huyện Văn Bàn), vùng lúa Séng Cù chất lượng cao (huyện Mường Khương, Bát Xát), vùng ngô hàng hóa (huyện Si Ma Cai, Bắc Hà), vùng dứa, chuối (huyện Mường Khương), vùng quế (huyện Bảo Yên, Bắc Hà), vùng chuyên canh hoa (thị xã Sa Pa).

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các loại cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất, đến nay giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị ha canh tác đạt hơn 80 triệu đồng, riêng diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 260 triệu đồng/ha. Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng được mở rộng với nhiều hình thức, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa và tạo tính ổn định sản xuất theo chuỗi.

Sự đổi thay trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ở lĩnh vực du lịch với các loại hình như: Du lịch cộng đồng, khám phá văn hóa di sản, du lịch sinh thái, du lịch thể thao gắn với bảo tồn, phát huy những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc; phát triển lâm nghiệp; đa dạng hóa ngành nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Nghi lễ cấp sắc của đồng bào Dao huyện Bát Xát. Ảnh: Tuấn Ngọc

Cùng với những thay đổi với kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng có những khởi sắc. Trong 8 năm qua, tỉnh Lào Cai đã đầu tư xây dựng mới gần 60 trạm y tế, các xã, phường, thị trấn đều đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho Nhân dân. Tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế, trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng; tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ngày càng giảm.

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được coi trọng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điển hình như Nghi lễ kéo co của đồng bào Tày, Giáy; Lễ hội Gặt Tu Tu của người Hà Nhì; Lễ hội tạ ơn trâu (Sừ Dề Pà) của đồng bào Bố Y; Lễ hội Gầu tào của người Mông; Lễ hội xuống đồng của người Tày và Giáy; Hội cốm của dân tộc Tày; Lễ bảo vệ rừng (cấm rừng) của đồng bào Nùng, Mông; Lễ cấp sắc của người Dao...

Sự đổi thay đó đã thể hiện rõ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó củng cố khối đại đoàn kết các dân dân tộc vì sự phát triển của quê hương đất nước.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362582-thay-doi-dien-mao-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so