Thay đổi điều kiện trả lương dạy thêm giờ giúp nhà trường linh hoạt bố trí GV

Nếu bỏ điều kiện thanh toán dạy thêm giờ giúp nhà trường linh hoạt hơn trong phân công giảng dạy, đảm bảo quyền lợi cho GV dạy vượt giờ do yêu cầu công việc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Nếu được thông qua, dự thảo này sẽ thay thế Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học.

Theo đó, dự thảo bỏ quy định về điều kiện chi trả chế độ thêm giờ cho nhà giáo tại khoản 6, Điều 3 Thông tư liên tịch số 07, thay vào đó tại khoản 5, Điều 3 trong dự thảo quy định tổng số giờ dạy tối đa trong một năm học mà mỗi cơ sở giáo dục được chi trả tiền lương dạy thêm giờ.

Bỏ điều kiện chi trả chế độ thêm giờ giúp nhà trường linh hoạt bố trí giáo viên giảng dạy

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Đình Hưng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lăng Tô (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, hiện nay, nhà trường vẫn gặp tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học như Âm nhạc, Thể dục. Khi đó, các giáo viên bộ môn khác tùy từng thời điểm phải dạy thay, dẫn đến số giờ giảng dạy của những thầy cô này vượt định mức.

Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, thầy cô chỉ được nhận tiền dạy ngoài định mức được giao khi trường hoặc bộ môn thiếu người, hoặc có giáo viên nghỉ ốm, nghỉ thai sản, đi công tác. Như vậy, không phải ai làm thêm giờ cũng được trả thù lao.

Do đó, khi xếp thời khóa biểu, nhà trường cố gắng bố trí sao cho hợp lý, hạn chế tối đa tình trạng thừa giờ không trong quy định, bởi sẽ không có đủ kinh phí trả cho giáo viên.

Việc bỏ điều kiện thanh toán dạy thêm giờ trong dự thảo thông tư mới giúp nhà trường linh hoạt hơn trong phân công, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giáo viên dạy vượt giờ do yêu cầu công việc, giúp thầy cô yên tâm cống hiến.

Bên cạnh đó, dự thảo thông tư quy định tổng số giờ dạy tối đa trong một năm học mà mỗi cơ sở giáo dục được chi trả tiền lương dạy thêm giờ là 150 giờ/năm học đối với nhà giáo ngoài giáo viên mầm non là điều chỉnh hợp lý, giúp các trường linh hoạt hơn trong việc phân công giáo viên giảng dạy tùy vào tình hình thực tế.

Thứ nhất, nhà trường có thể chủ động trong phân công, sắp xếp giáo viên dạy thêm giờ, chỉ cần số giờ dạy thêm của giáo viên không vượt 150 giờ/năm học. Điều này giảm áp lực quản lý, giúp nhà trường giải quyết nhanh, gọn các vấn đề phát sinh.

Thứ hai, giới hạn giờ dạy vượt cũng giúp bảo đảm sức khỏe giáo viên. Nếu giáo viên dạy vượt tiết nhiều sẽ dẫn đến quá tải, ảnh hưởng chất lượng giảng dạy và sức khỏe.

 Thầy Phan Đình Hưng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lăng Tô. Ảnh: Liên Đội Trường Tiểu học Lăng Tô.

Thầy Phan Đình Hưng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lăng Tô. Ảnh: Liên Đội Trường Tiểu học Lăng Tô.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Đình Hậu - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thái Nguyên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) chia sẻ, về cơ bản, đội ngũ giáo viên nhà trường hiện nay đảm bảo đủ về số lượng. Tuy nhiên, đôi khi vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, nhất là ở một số môn học mang tính đặc thù như các môn nghệ thuật hoặc các hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương, hay khi triển khai những môn học, nội dung mới theo yêu cầu từ Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo. Do đó, việc giáo viên dạy thêm giờ là không thể tránh khỏi.

Mặt khác, năng lực chuyên môn và sự sẵn sàng của từng giáo viên là khác nhau, không phải ai cũng có thể kiêm nhiệm hoặc nhận thêm lớp. Nếu căn cứ điều kiện quá cụ thể theo quy định hiện hành để phân công giáo viên dạy thêm giờ, sẽ gây khó khăn cho nhà trường và làm tăng áp lực cho giáo viên.

Việc trả lương cho các giáo viên dạy thêm giờ theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC có một số vướng mắc bởi quy định về điều kiện chi trả cho giáo viên dạy thêm giờ chưa linh hoạt, nhất là với những hoạt động không nằm trong diện tính giờ, dù giáo viên vẫn phải đảm nhiệm công việc đó.

Thầy Hậu bày tỏ: “Dự thảo Thông tư quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập bỏ quy định về điều kiện chi trả chế độ thêm giờ cho nhà giáo, thay vào đó chỉ quy định tổng số giờ dạy tối đa trong một năm học mà mỗi cơ sở giáo dục được chi trả tiền lương dạy thêm giờ là hợp lý. Điều này giúp nhà trường có thể giải quyết những trường hợp bất khả kháng khi không thể bố trí đủ giáo viên, mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Việc quy định tổng số giờ dạy vượt tối đa cũng giúp nhà trường chủ động hơn trong việc phân bổ nhân sự, bố trí giáo viên dạy thêm giờ theo nhu cầu thực tế từng môn, từng khối lớp.

Ngoài ra, trường hợp môn học không thể bố trí đủ người giảng dạy, nhà giáo phải dạy vượt quá số giờ tối đa được thanh toán, thì người đứng đầu cơ sở giáo dục báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền để thực hiện chi trả tiền dạy thêm giờ đối với nhà giáo đó cũng đảm bảo tính minh bạch, tránh việc nhà trường chi vượt ngân sách”.

Theo thầy Hậu, những thay đổi trong dự thảo thông tư mới có tính công bằng hơn vì trao quyền chủ động cho nhà trường trong việc phân bổ giờ dạy thêm, đồng thời đảm bảo khung giới hạn chung, tránh việc chi trả giờ dạy vượt của giáo viên dàn trải hoặc thiên lệch.

Tuy nhiên, cũng cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn từ cơ quan có thẩm quyền để các trường triển khai thống nhất, tránh tình trạng “mỗi nơi áp dụng một kiểu”. Ngoài ra, cũng nên cân nhắc cơ chế linh hoạt cho những môn đặc thù, những hoạt động ngoài giờ chính khóa, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giáo viên mà vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý.

 Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thái Nguyên trong một tiết học. Ảnh: website nhà trường

Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thái Nguyên trong một tiết học. Ảnh: website nhà trường

Trong khi đó, thầy Nguyễn Đình Tâm - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bố Hạ (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) cho biết, việc dự thảo thông tư mới thay đổi quy định về điều kiện chi trả chế độ thêm giờ cho nhà giáo tạo điều kiện để các trường chủ động phân công giáo viên giảng dạy theo tình hình thực tế.

Đồng thời, việc giới hạn 150 giờ dạy thêm trong năm học cũng là hợp lý nhằm tránh tình trạng giáo viên phải dạy quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và sức khỏe của giáo viên. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng các bài giảng và giáo viên có thể tập trung hơn vào chuyên môn của mình.

 Cô và trò Trường Trung học phổ thông Bố Hạ trong một tiết học. Ảnh: website nhà trường

Cô và trò Trường Trung học phổ thông Bố Hạ trong một tiết học. Ảnh: website nhà trường

Cần quy đổi thống nhất giữa “giờ giảng” và “giờ lao động”

Cùng chia sẻ về những điểm mới trong Dự thảo Thông tư quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, thầy Trần Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) cho biết, nhà trường hiện vẫn còn thiếu giáo viên với những hoạt động như hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa,... Khi đó, nhà trường buộc phải phân công những giáo viên đang thiếu tiết đảm nhiệm phần việc này.

Dự thảo thông tư quy định tổng số giờ dạy tối đa mà mỗi cơ sở giáo dục được chi trả tiền lương dạy thêm giờ là 150 giờ/năm học, là điều chỉnh giúp nhà trường thuận tiện, dễ áp dụng trong việc tính toán và trả lương dạy thêm giờ cho giáo viên. Quy định mới cho phép trường linh hoạt phân công, chủ động bố trí giáo viên, miễn là số giờ thêm không vượt mức quy định.

Bên cạnh đó, đề xuất tại dự thảo thông tư cho phép trong trường hợp cơ sở giáo dục không thể bố trí đủ giáo viên giảng dạy, nếu giáo viên phải dạy vượt quá số giờ tối đa được thanh toán, thì người đứng đầu nhà trường có thể báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền để xin chủ trương chi trả thêm giờ dạy cho giáo viên là hoàn toàn phù hợp, giúp đảm bảo quyền lợi cho giáo viên được trả công xứng đáng.

Song, theo thầy Vinh, để đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với Bộ Luật Lao động năm 2019, cần xem xét việc quy định thời gian làm việc của giáo viên theo đơn vị giờ thực tế, tức 60 phút, thay vì “giờ giảng” như hiện nay.

Hiện, Bộ Luật Lao động quy định người lao động không được làm thêm quá 200 giờ/năm (hoặc 300 giờ trong một số ngành nghề đặc thù), và khái niệm “giờ” trong luật là 60 phút. Tuy nhiên, trong ngành giáo dục, một “giờ giảng” thường chỉ kéo dài từ 35 đến 45 phút tùy cấp học, dẫn đến sự không đồng nhất trong cách hiểu và tính toán thời gian làm việc. Việc quy đổi không thống nhất giữa “giờ giảng” và “giờ lao động” có thể gây nhầm lẫn, thậm chí dẫn đến vi phạm quy định nếu không được hướng dẫn cụ thể.

 Học sinh Trường Trung học phổ thông Vị Xuyên trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Trường Trung học phổ thông Vị Xuyên.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Vị Xuyên trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Trường Trung học phổ thông Vị Xuyên.

Đồng tình với quan điểm này, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lăng Tô cho rằng, việc đưa ra 150 giờ vượt định mức này được tính theo “giờ lao động” (tức 60 phút) như trong Bộ Luật Lao động hay theo “giờ giảng” trong ngành giáo dục cần được làm rõ.

Ngoài ra, việc áp dụng mức 150 giờ dạy thêm cũng cần dựa vào tình hình thực tế tại mỗi trường, nhất là các trường vùng khó khăn, thiếu giáo viên, giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Với những trường hợp đó, giáo viên đôi khi có thể sẽ dạy hơn 150 giờ mới có thể đảm bảo kế hoạch giảng dạy của nhà trường.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ngành giáo dục và các đơn vị chi trả trong việc hướng dẫn thanh toán dạy thêm giờ. Việc quy định rõ định mức tiết dạy, cách tính tiền lương vượt giờ, công thức chi trả và nguồn kinh phí cấp hàng năm là rất cần thiết. Vì vậy, nhà trường mong muốn có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể và thống nhất để việc thực hiện đảm bảo đúng luật, minh bạch và ổn định.

Hồng Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thay-doi-dieu-kien-tra-luong-day-them-gio-giup-nha-truong-linh-hoat-bo-tri-gv-post251562.gd