Một vùng của Bỉ đề xuất cấm trẻ dưới 15 tuổi dùng mạng xã hội
Trước lo ngại ngày càng gia tăng về tác động tiêu cực của mạng xã hội đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển của trẻ nhỏ, người đứng đầu lĩnh vực truyền thông vùng Wallonie-Bruxelles (Bỉ), bà Jacqueline Galant mới đây vừa bày tỏ sự ủng hộ với việc giới hạn trẻ dưới 15 tuổi tiếp cận các nền tảng mạng xã hội.
Đề xuất này đánh dấu một bước đi nối tiếp xu hướng siết chặt quản lý công nghệ đối với thanh thiếu niên tại châu Âu. Thế nhưng, liệu một lệnh cấm như vậy có khả thi, và đâu là ranh giới giữa bảo vệ trẻ em và quyền tự do kỹ thuật số?

Việc nâng giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là một biện pháp khả thi và có thể áp dụng để bảo vệ trẻ em ngay lập tức. Ảnh: La Libre
Vì sao chính quyền Wallonie Bruxelles đưa ra đề xuất này?
Trên thực tế, Bỉ đang phải đối mặt với một số vấn đề mạng xã hội liên quan đến trẻ vị thành niên, cụ thể là nhóm đối tượng dưới 15 tuổi.
Việc trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội sớm đã khiến số lượng trẻ tự kỷ tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Theo số liệu không chính thức từ chính quyền vùng Wallonie Bruxelles, Bỉ, cứ 10 trẻ em lại có một bé bị mắc các triệu chứng tiêu cực liên quan đến vấn đề sử dụng mạng xã hội như các vấn đề về giấc ngủ và khả năng tập trung, phát triển chứng lo âu, trầm cảm, béo phì, thậm chí là rối loạn phát triển xã hội và cảm xúc. Ngoài ra, nhiều trẻ em cũng có xu hướng trở nên bạo lực hơn do bị ảnh hưởng bởi các hình ảnh mạng.
Trong một bức thư gửi đến Quốc hội Bỉ, nhiều bác sĩ tâm thần, dẫn đầu bởi bác sĩ thần kinh Steven Laureys, đã rung lên hồi chuông cảnh báo về các tác hại của việc sử dụng màn hình điện thoại và mạng xã hội sớm ở trẻ dưới 16 tuổi. Các bác sĩ cho rằng với độ tuổi nhỏ hơn 16, trẻ em chưa phát triển những kỹ năng cần thiết để có thể sử dụng mạng xã hội đúng cách. Trẻ sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của những kẻ xấu, cố ý lạm dụng hay lợi dụng sự ngây thơ để yêu cầu trẻ thực hiện những hành vi vi phạm luật pháp hay xâm hại chính bản thân mình. Từ đó, trẻ sẽ phát triển với những tư duy lệch lạc gây ra những hậu quả khó lường.
Tệ hơn nữa là tình trạng bắt nạt mạng cùng dần trở nên phổ biến, các trẻ là đối tượng lý tưởng của những kẻ ưa thích hành động này. Câu chuyện ngày càng đi xa hơn khi trẻ buộc phải chứng kiến các bạn của mình làm những hành động bất đắc dĩ để không bị bắt nạt. « Thử thách cá voi xanh » cũng được các chuyên gia y tế đưa ra như một minh chứng cho những hệ lũy khôn lường mà mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến các trẻ.
Chính quyền vùng Wallonie Bruxelles cũng dựa trên báo cáo nghiên cứu của nhà nghiên cứu khoa học thần kinh nhận thức Michel Desmurget, trong đó nhấn mạnh 3 giờ 11 phút, tương đương với 1.200 giờ mỗi năm, là thời gian trung bình mà trẻ em dưới 2 tuổi dành cho màn hình trong năm 2022. Đây là một con số đáng báo động, trẻ sẽ lãng phí 460 ngày trong khoảng thời gian từ 2 đến 8 tuổi chỉ để sử dụng những màn hình ti vi hay điện thoại.
Điều đáng nói ở đây là con số này chiếm khoảng 1/3 hoặc ¼ tổng thời gian hoạt động của trẻ và tương đương với thời gian cần thiết để đào tạo một nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp. Thời gian sử dụng các màn hình điện tử còn tiếp tục tăng cao với lứa tuổi trên 10, đạt đến mốc 4-5 giờ mỗi ngày.
Trước những hệ quả tiêu cực liên quan đến việc sử dụng màn hình và mạng xã hội, bà Jacqueline Galant đã quyết định đề xuất cấm trẻ dưới 15 tuổi tiếp cận các nền tảng xã hội để bảo vệ họ tốt hơn, giúp họ xây dựng những kỹ năng tối thiểu trong giao tiếp xã hội thực tế.
Đề xuất mới này phù hợp với tình hình hiện tại ở Bỉ hay không?
Về cơ bản, nhiều trường học ở Bỉ đã và đang tiến hành việc cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong thời gian học ở trường nhằm hạn chế việc các trẻ tiếp xúc với mạng xã hội hay các nền tảng có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến các em.
Ngoài ra, đề xuất giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội ở Bỉ nhằm mục đích bảo vệ trẻ nhỏ trước những thông tin sai lệch, có khả năng làm gia tăng các hành vi bạo lực hay thù hận. Điều này cũng giúp các trẻ thoát khỏi tình trạng bị bắt nạt trên mạng. Vấn nạn bắt nạt trên mạng khó giải quyết hơn nhiều so với việc bị bắt nạt trực tiếp ngoài đời thực bởi các học sinh bị bắt nạt thường là thành viên của một nhóm nhỏ, ẩn dấu trên các mạng xã hội. Thêm vào đó, các hành vi tiêu cực mạng ảnh hưởng chủ yếu đến tinh thần của trẻ, do đó bố mẹ hay thầy cô thường khó phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tình trạng bị bắt nạt ở trường, đôi khi là ở nhà sẽ là tiền đề cho việc trẻ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực như tự làm hại bản thân hay tồi tệ hơn là tự tử.
Tuy nhiên, một số quan chức Bỉ đang thiên về việc cấm các tài khoản ẩn danh, yêu cầu việc xác minh danh tính của người sử dụng thay vì nâng độ tuổi tối thiểu, hiện đang là 13 tại Bỉ. Biện pháp này cũng đang vấp phải một số rào cản về mặt pháp lý cũng như kỹ thuật.
Các quan chức cho rằng việc yêu cầu các trẻ nhỏ đăng ký danh tính sẽ vi phạm quyền riêng tư và tự do của trẻ bởi các hành động trên mạng xã hội sẽ bị giám sát chặt chẽ. Mặc dù việc quản lý nhằm mục đích tốt những vô tình lại xâm phạm đời tư cũng như các thông tin cá nhân.
Thêm vào đó việc xác minh danh tính cũng cần sự phối hợp của các nền tảng mạng xã hội, hầu hết đều không nằm trong sự quản lý của chính quyền sở tại. Điều này đôi khi sẽ tiêu tốn nhiều tiền và các công ty sở hữu mạng xã hội sẽ không sẵn sàng để thay đổi. Chưa kể đến vấn đề quản lý thông tin dữ liệu cũng là một thách thức lớn cho các quốc gia châu Âu nói chung và Bỉ nói riêng.
Thế nên việc nâng giới hạn độ tuổi là một biện pháp khả thi và có thể áp dụng để bảo vệ trẻ em ngay lập tức.
Một số ý kiến hoài nghi
Đề xuất cấm trẻ em dưới 15 tuổi dùng mạng xã hội của Bỉ nối tiếp bước đi của Pháp, quốc gia đang thúc đẩy một khuôn khổ pháp lý cấp châu Âu nhằm bảo vệ thanh thiếu niên trên không gian mạng. Nói về lý do đưa ra đề xuất này, bà Jacqueline Gallant, người đứng đầu lĩnh vực truyền thông vùng Wallonie Brussel, cho biết:
Đây thực sự là một cách để bảo vệ con em chúng ta. Bản thân tôi có một cậu con trai hơn 7 tuổi, và hàng ngày khi tôi nghe những thông tin mà con tiếp cận trên mạng xã hội, tôi thực sự cảm thấy lo lắng, từ những thông tin sai lệch, đến những vụ quấy rối. Do đó, tôi nghĩ chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ để chống lại mối nguy này. Trước 15 tuổi, chúng ta cần chuẩn bị đủ kiến thức và sự vững vàng cho các con, và đến khi đủ độ tuổi này, chúng ta có thể yên tâm khi các con đã thực sự tự tin và đủ bản lĩnh để sử dụng mạng xã hội.
Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD lại khá thận trọng với đề xuất này. Họ bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của việc cấm điện thoại thông minh hoặc hạn chế quyền truy cập vào mạng xã hội như một cách bảo vệ trẻ em; cho rằng các chính sách phải dựa trên bằng chứng và được định hình dựa trên ý kiến đóng góp của giáo viên, phụ huynh, chuyên gia và chính các em nhỏ. Một báo cáo mới công bố của OECD cho rằng, việc tiếp cận các dịch vụ và thiết bị kỹ thuật số đã trở thành một phần cuộc sống của nhiều trẻ nhỏ. Điều này khiến việc đảo ngược xu hướng trở nên khó khăn và đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp mang tính cấm đoán.
Thay vào đó, OECD kêu gọi một cách tiếp cận rộng hơn, với sự tham gia của cả Chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ, nhà giáo dục và gia đình trong việc xây dựng các chính sách phản ánh nhu cầu thực sự của trẻ em. Các bước thiết thực bao gồm “cải thiện kỹ năng và kiến thức số”, trong đó trường học và giáo viên đóng vai trò trung tâm.
Nỗ lực tìm kiếm biện pháp tiếp cận hài hòa
Bất kỳ quyết định nào đều sẽ có hai mặt lợi và hại. Việc tăng độ tuổi và cấm trẻ sử dụng mạng xã hội sẽ phần nào bảo vệ trẻ trước những hệ quả tiêu cực nhưng đồng thời, việc này cũng sẽ hạn chế trẻ tiếp cận với những tri thức, với những thay đổi của thời đại.
Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật thay đổi từng giờ, từng ngày trên thế giới, việc cấm trẻ tiếp cận mạng xã hội sẽ khiến trẻ chậm cập nhật các xu hướng của thời đại. Về lâu dài, trẻ sẽ bị chậm phát triển hơn so với trẻ em các quốc gia khác. Với xu hướng toàn cầu hóa, hệ lụy này sẽ đẩy trẻ vào tình trạng bất lợi, giảm khả năng cạnh tranh của trẻ so với phần còn lại.
Chưa kể, việc gia tăng độ tuổi tối thiểu của trẻ lên 15 ở Bỉ hay 16 ở một số quốc gia khác như Tây Ban Nha hay Ireland, cũng làm giảm khả năng trẻ tiếp cận với tri thức. Độ tuổi 15-16 được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá rằng đây là độ tuổi vàng trong việc phát triển các kỹ năng học tập và tư duy.
Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến tại Bỉ cho rằng việc tiên quyết không phải là cấm đoán trẻ, mà trên hết là việc các phụ huynh, thầy cô giáo phải làm tấm gương sáng cho các em noi theo. Thay vì cả nhà cùng dán mặt vào các màn hình, bố mẹ có thể rủ trẻ tiến hành những hoạt động giao tiếp thực tế như hoạt động thể thao hay đơn giản là nói chuyện trao đổi thông tin.
Một số giáo sư còn đề xuất việc các gia đình không sử dụng bất kỳ một thiết bị điện tử nào trong những bữa ăn gia đình như điện thoại, ti vi…để tăng cường sự gắn kết các thành viên, tạo thời gian nghỉ ngơi cho trẻ nhỏ, làm giảm các tác dụng tiêu cực của mạng xã hội và quan trọng hơn cả, đó là nắm bắt các thông tin về tình trạng của trẻ qua câu truyện thường nhật.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần tránh các hành vi bạo lực. Nhà trường cần gia tăng các khóa giáo dục liên quan đến mạng xã hội, để trẻ bước đầu nhận thức được những mối nguy hại tiềm tàng và có khả năng tự bảo vệ mình.
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến vấn đề độ tuổi hay các hành lang pháp lý trong lĩnh vực kỹ thuật số, nhưng những vấn đề gần đây mà trẻ gặp phải cho thấy nguyên nhân không phải lúc nào cũng đến từ những nền tảng kỹ thuật số. Nhà trường và gia đình vẫn là những nhân tố quan trọng quyết định sự trưởng thành lành mạnh của các trẻ nhỏ.